Mưa lớn làm hư hại hàng chục ha rau màu ở Hội An. Bình Định có 37 khu vực có nguy cơ sạt lở. 110 gian hàng sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu hội tụ tại Củ Chi. Hậu Giang nhân rộng mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
MƯA LỚN LÀM HƯ HẠI HÀNG CHỤC HA RAU MÀU Ở HỘI AN
Lê Khánh - Sản xuất
Đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua khiến cho hàng chục héc ta rau màu ở làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam bị dập nát, hư hỏng. Hiện, nhiều diện tích trồng các loại rau như hành, ngò, húng quế, cải của người dân sau 1 thời gian dài mưa lớn đã bắt đầu thối rễ, vàng lá và không thể thu hoạch. Hiện nay, địa phương này đang lên kế hoạch hỗ trợ giống cho bà con tiếp tục canh tác.
Theo lãnh đạo UBND xã Cẩm Hà, làng rau Trà Quế có hơn 200 hộ trồng rau với diện tích 18ha. Rau ở đây được trồng quanh năm và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình. Mỗi năm, vùng rau này cung cấp ra thị trường khoảng 700 tấn rau các loại với doanh thu hơn 11 tỷ đồng. Ngoài ra, làng rau Trà Quế còn là điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam.
BÌNH ĐỊNH CÓ 37 KHU VỰC CÓ NGUY CƠ SẠT LỞ
Vũ Đình Thung - Sản xuất (TIN GỬI HÔM QUA 17-10)
Hiện, tỉnh Bình Định có 37 khu vực nguy cơ sạt lở, trong đó có 13 khu vực nguy cơ sạt lở cao, 17 khu vực nguy cơ sạt lở thấp và 7 khu vực có khả năng bị chia cắt khi bị sạt lở. Các khu vực có nguy cơ sạt lở cao tập trung tại các huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh…
Để chuẩn bị ứng phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương phân công thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Tìm kiến cứu nạn và Phòng thủ dân sự kiểm tra công tác phòng chống thiên tai các địa phương. Tổ chức trực ban 24/24 công tác phòng chống thiên tai, thường xuyên theo dõi lượng mưa, mực nước sông.
Đồng thời, các địa phương tiếp tục rà soát, lên danh sách các hộ gia đình trong vùng có nguy cơ cao, ưu tiên hình thức di dời xen ghép tại chỗ, lập danh sách hộ sơ tán và các hộ có nhà ở kiên cố để xen ghép chủ động khi thiên tai xảy ra.
110 GIAN HÀNG SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP TIÊU BIỂU HỘI TỤ TẠI CỦ CHI
Trần Phi- Sản xuất
Ngày 18/10, Hội Nông dân TP.HCM phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM và Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi tổ chức khai mạc “Hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP lần 2 năm 2023. Sự kiện diễn ra từ hôm nay đến ngày 23/10, tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Củ Chi với quy mô 110 gian hàng tiêu chuẩn, khu vực ẩm thực và gian hàng gỗ.
Trong thời gian diễn ra hội chợ, triển lãm Ban tổ chức còn tiến hành trao tặng 50 suất quà cho gia đình hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng. Ngoài ra còn có 1 hội thảo và 2 buổi tập huấn cho cán bộ, hội viên nông dân TP.HCM.
HẬU GIANG NHÂN RỘNG MÔ HÌNH NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN
Văn Vũ - Sản xuất
Từ năm 2022 được sự hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí từ Trạm khuyến nông huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, nhiều hộ dân đã bắt đầu thực hiện mô hình chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Theo đó, người dân trồng cỏ để nuôi bò, lấy phân bò nuôi trùn quế, trùn quế lấy làm thức ăn cho cá thát lát cườm, còn phân trùn quế bón cho cỏ và cây ăn trái trong vườn.
Theo ông Đỗ Văn Hải, Trưởng trạm khuyến nông huyện Châu Thành A, mô hình này đạt lợi nhuận cao hơn 10% so với sản xuất truyền thống và giảm ít nhất 30% chi phí đầu vào. Thời gian tới, huyện Châu Thanh A tiếp tục hỗ trợ người dân chuyển đổi thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, nhằm gia tăng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững.