| Hotline: 0983.970.780

Nông dân 'mất ăn mất ngủ' vì chuột phá lúa

Thứ Năm 07/03/2024 , 06:35 (GMT+7)

Nhiều diện tích lúa vụ đông xuân của người dân miền Trung bị chuột cắn phá, gây hại. Dù bà con đã sử dụng nhiều biện pháp phòng trừ nhưng hiệu quả không đáng kể.

Chuột liên tục phá hại lúa đông xuân khiến bà con nông dân lo lắng. Ảnh: N.V.

Chuột liên tục phá hại lúa đông xuân khiến bà con nông dân lo lắng. Ảnh: N.V.

Hiện nay, tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, lúa vụ đông xuân đang thời kỳ đẻ nhánh, chuẩn bị làm đòng. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng chuột cắn phá đã khiến nhiều diện tích bị ảnh hưởng, người dân hết sức lo lắng vì đã sử dụng nhiều biện pháp phòng trừ nhưng hiệu quả không đáng kể.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Nam, vụ đông xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh gieo sạ gần 41.700ha lúa. Qua thống kê, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh này đều xảy ra tình trạng chuột cắn phá, gây hại lúa. Trong đó, một số địa phương bị ảnh hưởng nhiều như huyện Núi Thành, thị xã Điện Bàn, Phú Ninh, Thăng Bình. Nhiều diện tích lúa của bà con bị hư hại từ 10 - 12%.

Ông Hồ Xuân Toản (trú xã Bình An, huyện Thăng Bình) cho biết, vụ này, gia đình ông xuống giống 10 sào lúa (sào 500m2). Chưa có năm nào, tình trạng chuột cắn phá lúa nghiêm trọng như năm nay. Vậy nên hầu như ngày nào ông cũng ra các đám ruộng của gia đình để kiểm tra, thực hiện các biện pháp phòng trừ. 

“Tôi đã dùng các biện pháp ngăn chặn chuột cắn phá lúa như đặt bã, phun thuốc xua đuổi, giăng lưới xung quanh bờ ruộng… Ban đêm cũng thường xuyên ra thăm đồng, rọi đèn pin đuổi đánh nhưng không thể xử lý dứt điểm. Bây giờ chỉ còn cách dẫn nước vào đồng ruộng để hạn chế chuột, đồng thời bổ sung mạ để dặm lại những khu vực lúa bị phá hại”, ông Toản than thở.

Người dân thường xuyên ra kiểm tra đồng ruộng trước tình trạng chuột cắn phá lúa đông xuân. Ảnh: L.K.

Người dân thường xuyên ra kiểm tra đồng ruộng trước tình trạng chuột cắn phá lúa đông xuân. Ảnh: L.K.

Theo ông Nguyễn Xuân Cẩm, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình, trước khi vào vụ sản xuất, đơn vị cùng các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nông dân tăng cường vệ sinh đồng ruộng kết hợp tổ chức ra quân đào hang, tìm diệt chuột trên các bờ ruộng lúa, gò đống cao, bụi rậm, bờ sông suối… nơi chuột thường xuyên trú ẩn.

Mặc dù vậy, đến nay toàn huyện có khoảng 126ha lúa bị chuột cắn phá, tập trung ở các xã Bình Nguyên, Bình An, Bình Phục, Bình Đào.

“Hiện chúng tôi đã chỉ đạo bà con sử dụng thuốc hóa học để diệt chuột cũng như khuyến cáo dùng thuốc trừ chuột sinh học Racumin TP 0.75 để vừa đảm bảo môi trường vừa đạt hiệu quả trừ chuột cao”, ông Cẩm nói.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo các địa phương theo dõi diễn biến tình hình, huy động các hội đoàn thể và người dân ra quân diệt chuột, bảo vệ mùa vụ, tránh để ảnh hưởng đến năng suất lúa vào cuối vụ.

Người dân dùng bao bì, túi nilon rào quanh bờ ruộng để ngăn chặn, hạn chế chuột cắn phá lúa. Ảnh: L.K.

Người dân dùng bao bì, túi nilon rào quanh bờ ruộng để ngăn chặn, hạn chế chuột cắn phá lúa. Ảnh: L.K.

Tại Quảng Ngãi, đến thời điểm hiện tại, trong tổng số gần 38.000ha lúa vụ đông xuân của toàn tỉnh thì có đến hơn 1.000ha bị chuột cắn phá. Diện tích bị ảnh hưởng tập trung ở các huyện như Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Tư Nghĩa…

Vụ đông xuân năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Phong (trú xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa) gieo sạ 4 sào lúa. Thời gian đầu, thời tiết tương đối thuận lợi nên các ruộng lúa của gia đình bà phát triển tốt. Tuy nhiên khi các đám ruộng đến thời kỳ làm đòng thì bắt đầu xuất hiện tình trạng chuột phá hại trên diện rộng. “Chuột chủ yếu cắn phá vào ban đêm nên đêm nào vợ chồng tôi cũng ra kiểm tra để xua đuổi nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nhỏ, không thể xử lý dứt điểm”, bà Phong nói.

Theo bà con nông dân, một trong những nguyên nhân chuột phá hại lúa nhiều trong vụ này là do thời gian qua trên các cánh đồng lúa trong tỉnh không xảy ra lũ lụt. Cùng với đó, các loài thiên địch của chuột như rắn, chim bìm bịp... bị con người săn bắn dẫn đến mất cân bằng sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho chuột sinh sản, phát triển mạnh.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, tổ chức diệt chuột để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chuột cắn phá lúa. Nông dân nên chú trọng các biện pháp diệt chuột bằng bẫy cơ học, bảo vệ các loài thiên địch của chuột như rắn, chim cú… Tuyệt đối không sử dụng điện để bẫy chuột, tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng con người.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.