| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Mỹ ‘điếng người’ vì Trung Quốc hủy mua nông sản

Thứ Sáu 09/08/2019 , 08:28 (GMT+7)

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các công ty của nước này đã tạm dừng mua nông sản Mỹ.

Đây là đòn giáng mạnh vào nông dân Mỹ, những người vốn đang hứng chịu tác động từ cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Các công ty Trung Quốc liên quan đã dừng mua nông sản Mỹ”, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong thông báo đăng hôm 6/8. Đây là động thái nhằm đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, việc dọa áp thuế đã “vi phạm nghiêm trọng” sự đồng thuận giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Nhật Bản hồi cuối tháng 6. Cơ quan này “không loại trừ” việc áp thuế lên nông sản Mỹ nhập khẩu sau ngày 3/8 nhưng không tiết lộ giá trị hàng hóa có thể chịu thuế.

Zippy Duvall, chủ tịch Liên đoàn Trang trại Mỹ, mô tả thông báo từ Trung Quốc là “đòn điếng người với hàng nghìn nông dân Mỹ, vốn đang chật vật xoay xở” trong cuộc chiến thương mại song phương. Tác động có thể lan sang tăng trưởng GDP và các công ty có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp tại Mỹ.

“Doanh số nông sản năm nay xuống thấp bởi thuế hiện hành. Nếu chúng tôi không thể xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, hệ quả với thị trường và giá sẽ sâu rộng hơn”, Pat Westhoff, giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Nông nghiệp và Thực phẩm, Đại học Missouri, nói với CNBC ngày 7/8.

“Loại bỏ hoàn toàn Trung Quốc khỏi thị trường sẽ là một vấn đề rất lớn”.

Trung Quốc nhập khẩu 5,9 tỷ USD nông sản Mỹ trong năm 2018, theo Cục Thống kê Mỹ. Trung Quốc là quốc gia mua nhiều đậu tương nhất thế giới, nhập khoảng 60% lượng đậu tương xuất khâu của Mỹ. Westhoff ước tính giá đậu tương đã giảm 9% kể từ khi chiến tranh thương mại bắt đầu hồi tháng 7 năm ngoái.

Đại học Missouri cho biết lượng đậu tương xuất sang Trung Quốc giai đoạn tháng 9/2017 đến tháng 5/2018 là 27,7 triệu tấn. Con số này giảm hơn 70%, xuống còn 7 triệu tấn trong giai đoạn tháng 9/2018 đến tháng 5/2019.

Thuế còn ảnh hưởng đến nhiều loại nông sản khác, Westhoff nói. Nhu cầu với đậu tương giảm khiến nông dân Mỹ trồng nhiều cây khác hơn, như ngô. Tình trạng này khiến giá ngô giảm bởi dư cung.

Trong email gửi Reuters, Hội đồng Các nhà sản xuất Thịt lợn Quốc gia Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết thúc chiến tranh thương mại để họ có thể “tham gia nhiều hơn vào một cơ hội bán hàng mang tính lịch sử”.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã giết chết hàng triệu con lợn ở Trung Quốc. Các nhà xuất khẩu thịt lợn Mỹ hy vọng có thể tận dụng cơ hội này đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng doanh số lại bị hạn chế bởi loạt thuế trả đũa lên tới 62%.

Cựu phó thống đốc bang Iowa Patty Judge cảnh báo mất đi một đối tác thương mại như Trung Quốc tạo ra “tình huống nguy hiểm”. “Sẽ có một số hệ quả nghiêm trọng với nông dân”.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ tư của Mỹ, sau Canada, Mexico và Nhật Bản. Bà Judge còn đề cập đến Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), thỏa thuận thương mại với Mexico và Canada, vẫn chưa được ký duyệt. Áp thêm thuế cũng là “giáng thêm một đòn tài chính nữa”.

Thu nhập ròng trong nông nghiệp tại Mỹ đã giảm trong 6 năm qua, trước khi Mỹ và Trung Quốc áp thuế đáp trả lẫn nhau, từ đỉnh 123,4 tỷ USD trong năm 2013 xuống còn 63 tỷ USD trong năm 2018, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết.

Ngoài thuế, nông dân Mỹ còn đang phải đối mặt với tình trạng lũ lụt và dịch tả lợn châu Phi - làm giảm nhu cầu đậu tương và nông sản khác dùng trong chăn nuôi. Nhà Trắng trong tháng 5 bắt đầu phân bổ gói hỗ trợ liên bang 16 tỷ USD nhằm giúp nông dân Mỹ vượt qua chiến tranh thương mại.

Tuy nhiên, bà Judge cho rằng phần lớn gói hỗ trợ lại không tới những nông dân nhỏ lẻ và không được coi là giải pháp dài hạn, ít nhất là ở Iowa. “Nông dân muốn có lợi nhuận vào cuối năm, họ muốn đạt mục tiêu đó trên thương trường hơn là thông qua một chương trình của chính phủ”.

“Chúng tôi rất biết ơn các khoản hỗ trợ. Chúng giúp ích nhiều nhưng chúng tôi muốn một thị trường tự do để đảm bảo sự ổn định trong ngành”, Derek Sawer, nông dân 39 tuổi trồng ngô, đậu nành, lúa mỳ và chăn nuôi gia súc ở thành phố McPherson, bang Kansas, nói.

“Hiện có rất nhiều biến động, không ai nắm được luật chơi nên không biết mong đợi gì tiếp theo”.

Ngày 6/8, Tổng thống Trump viết trên Twitter cá nhân rằng nông dân Mỹ biết Trung Quốc “sẽ không thể làm tổn thương họ” bởi “đã có tổng thống đứng cạnh họ”.

Nông nghiệp còn là một vấn đề nhạy cảm đối với Tổng thống Trump. Ông từng tuyên bố đã đảm bảo được một thương vụ mua lượng lớn nông sản khi gặp ông Tập hồi cuối tháng 6, sau đó cáo buộc Trung Quốc không thực hiện cam kết này. Đây chính là lý do dẫn đến lời đe dọa áp thuế 10% hôm 1/8.

John Rutledge, giám đốc đầu tư tại công ty Sanafad, nhận định Trung Quốc không hề sai khi chọn nông nghiệp làm vũ khí trong chiến tranh thương mại với Mỹ. Chiến lược này ảnh hưởng đến GDP và các nông dân nhỏ lẻ, lực lượng vốn ủng hộ ông Trump, đồng thời cũng gây tổn thất cho các công ty nông nghiệp có tiềm năng trở thành nhà tài trợ lớn cho phe Cộng hòa.

“Đó là một đòn đáp trả thực sự”, Rutledge nói.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.