| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Mỹ phải đổ sữa khi Covid-19 đảo lộn thị trường

Thứ Sáu 03/04/2020 , 19:30 (GMT+7)

Nông dân nuôi bò Jason Leedle cảm thấy lao đao khi nhận được cuộc gọi nói "Chúng ta bắt đầu phải đổ sữa đi thôi" vào tối 31/3.

Đó là cuộc gọi tới từ nhân viên hợp tác xã sữa lớn nhất nước Mỹ Dairy Farmers of America (DFA).

Mặc dù chứng kiến nhu cầu tăng mạnh mẽ đối với các loại thực phẩm cơ bản như các sản phẩm từ sữa trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng sữa hứng chịu ​​một loạt các gián đoạn, ngăn cản nông dân chăn nuôi bò sữa đưa sản phẩm ra thị trường.

Việc đóng cửa hàng loạt nhà hàng, trường học gây ra chuyển dịch đột ngột từ đầu mối bán buôn sang các cửa hàng tạp hóa bán lẻ, tạo ra cơn ác mộng về hậu cần và đóng gói cho những nhà máy chế biến sữa, bơ hay phô mai. Nhiều công ty vận tải chuyên chở sản phẩm sữa đang vật lộn để có đủ tài xế do một số người đã ngừng làm việc vì e ngại virus. Doanh số từ các thị trường xuất khẩu sữa lớn cạn kiệt khi lĩnh vực dịch vụ thực phẩm phần lớn đóng cửa trên toàn cầu.

Theo nhà nông, nhà kinh tế nông nghiệp và nhà phân phối thực phẩm, ngành công nghiệp sữa đang báo hiệu những vấn đề lớn hơn trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Việc kinh doanh sữa bị ảnh hưởng nặng nề và sớm hơn so với các mặt hàng nông sản khác vì khó bảo quản - sữa không thể đông lạnh, như thịt, hoặc trữ trong nhà kho, như ngũ cốc.

Tuy nhiên, các ngành thực phẩm khác cũng đang gặp phải gián đoạn trên toàn thế giới vì việc hạn chế đi lại gây khó khăn cho lực lượng lao động cần thiết để trồng, thu hoạch và phân phối rau quả.

Việc thiếu container lạnh và tài xế xe tải làm chậm việc vận chuyển các mặt hàng chủ lực như thịt và lương thực.

Leedle sẽ bán được sữa của mình nếu anh có thể đưa nó ra thị trường. Nhu cầu sản phẩm sữa trong các cửa hàng tạp hóa tăng cao khi người dân phải ở nhà, mặc dù việc tích trữ có thể đang giảm.

Đầu tuần này, một siêu thị địa phương nói với vợ của Leedle rằng cô chỉ có thể mua nhiều nhất hai sản phẩm sữa mỗi lần vì các nhà bán lẻ trên toàn quốc đang chịu áp lực nguồn cung.

Leedle, 36 tuổi, đứng trong chuồng thấp thỏm nhìn những con bò đang cho sữa. "Tất cả những gì tôi có thể thấy là dòng sữa đó chảy xuống cống".

Leedle đã đổ 4.700 gallon (gần 18 nghìn lít) sữa từ 480 con bò của mình mỗi ngày kể từ hôm 31/3. 7.500 thành viên DFA nói với Reuters rằng họ đã yêu cầu một số nông dân khác trong hợp tác xã làm điều tương tự nhưng không cho biết con số cụ thể.

Hợp tác xã sữa giám sát thị trường cho tất cả các thành viên và xử lý khâu vận chuyển. Leedle nói rằng anh ta sẽ được trợ cấp cho lượng sữa mà anh ta và những người nông dân khác phải bỏ, nhưng các khoản thanh toán cho các thành viên hợp tác xã sẽ bị ảnh hưởng từ nguồn thu sụt giảm.

Hợp tác xã Land O’Lakes Inc., cũng đã cảnh báo các thành viên của mình rằng họ có thể phải đổ sữa. Một hợp tác xã khác, Foremost Farms USA có trụ sở tại Wisconsin, thậm chí còn nghiệt ngã hơn.

"Bây giờ là thời gian để xem xét giảm bớt số gia súc của bạn", hợp tác xã cho biết trong một lá thư ngày 17/3. "Chúng tôi tin rằng khả năng thu hoạch và chế biến sữa của bạn có thể bị tổn hại."

Foremost Farms, hợp tác xã sở hữu nhà máy chế biến bơ và phô mai, cũng đang trên bờ vực phải đổ sữa.

Nhu cầu tăng vọt của người tiêu dùng đối với sữa đang ngăn điều đó xảy ra. Mua tích trữ trong hoảng loạng khiến các kệ hàng tạp hóa gần như trống rỗng trong những tuần gần đây trong bối cảnh kinh doanh ngừng hoạt động và quy định cách ly trên toàn quốc.

Doanh số bán lẻ sữa tăng gần 53% trong tuần kết thúc ngày 21/3, trong khi bơ tăng hơn 127% và phô mai hơn 84% so với cùng kỳ năm trước. Người tiêu dùng cũng phải trả mức giá cao hơn.

"Giá bán lẻ trung bình của sữa bò đã tăng 11,2% trong tuần kết thúc vào ngày 21/3 so với một năm trước đó", dữ liệu của Nielsen cho thấy.

Nhà hàng đóng cửa làm gián đoạn chuỗi cung ứng

Tìm đủ tài xế xe tải là một phần của thách thức. Các tổ chức nông nghiệp đã vận động hành lang nhằm tăng giới hạn tải trọng xe tải trên đường cao tốc, cho phép chở nhiều thực phẩm hơn.

Công ty Dean Food Co bắt đầu tăng ca và thưởng 1.000 đô la Mỹ cho những tài xế có kinh nghiệm vận chuyển sữa khi họ phải "vật lộn để lấp đầy 74 vị trí trống", phát ngôn viên của công ty cho biết.

Một vấn đề lớn khác: Sự thay đổi đột ngột nhu cầu từ các nhà hàng - hiện đang đóng cửa hàng loạt - đến các cửa hàng tạp hóa tạo ra thách thức hậu cần nghiêm trọng. Nhà cung cấp phải vật lộn chuyển từ đóng gói bán buôn cho nhà hàng sang các sản phẩm bán lẻ.

"Khoảng một nửa ngân sách thực phẩm của người tiêu dùng Mỹ dành cho nhà hàng và chúng tôi đã phải "bịt ống nước này lại"", Matt Gould, biên tập viên tại nhà xuất bản thương mại Dairy & Food Market Analyst, nói.

Các nhà phân tích sữa cho biết, sẽ mất hàng triệu đô la lắp đặt thiết bị mới để chuyển đổi nhà máy từ sản xuất một loại phô mai - chẳng hạn như phô mai thùng được sử dụng cho các nhà hàng thức ăn nhanh - để sản xuất phô mai cheddar cho cửa hàng tạp hóa.

Ngay cả việc chuyển đổi từ đóng gói túi cheddar số lượng lớn 10 lb (khoảng 4,5 kg) cho dịch vụ thực phẩm sang túi 8 oz (khoảng 0,2 kg) cho các cửa hàng bán lẻ cũng đòi hỏi robot đóng gói mới và máy móc dán nhãn.

Andrew Tobisch, phát ngôn viên của Schreiber Food Inc, một trong những nhà sản xuất và phân phối thực phẩm sữa hàng đầu của đất nước, đang cắt giảm giờ làm việc cho công nhân tại các nhà máy chế biến sữa cung cấp cho ngành công nghiệp nhà hàng và bổ sung nhân viên cho các nhà máy cho thị trường bán lẻ ở Mỹ.

Tính đến tuần trước, các nhà máy phục vụ bán lẻ đã "nghẽn cổ chai".

"Chúng tôi có quá nhiều xe tải xuất hiện tại một số nhà máy. Việc giao hàng bị đình trệ và các tài xế phải chờ đợi rất lâu."

Xe tải đến các nhà hàng, trong khi đó, lại được gửi trở lại. Chủ tịch Sartori Cheese ở Plymouth, Wisconsin, "đã có những khách hàng nhà hàng từ chối vận chuyển thực phẩm họ đã đặt", Chủ tịch Jeff Schwager cho biết.

Một số khách hàng của nhà hàng đã gọi, hỏi xem họ có thể trả lại đơn đặt hàng được đặt tuần trước không. "Nhưng các nhà chế biến không thể lấy lại phô mai và bán lại - hoặc thậm chí từ thiện nó - vì họ không thể đảm bảo nó được an toàn", ông Schwager nói.

Một số nhà bán lẻ tạp hóa của Sartori đang nói với Schwager rằng họ sẽ đóng cửa quầy phô mai gourmet của họ với các bánh phô mai khổng lồ và thay bằng phô mai đóng gói sẵn. Các cửa hàng muốn tận dụng nhân lực từ quầy phô mai để chuẩn bị kệ hàng và xử lý các nhiệm vụ khác, Schwager cho biết.

Điều đó có nghĩa là Sartori Cheese sẽ cần nhiều màng bọc hơn với kích cỡ khác nhau, hiện đang bị thiếu hụt khi nguồn cầu đang tăng vọt.

Các nhà sản xuất thịt và nông dân trồng rau quả cũng đang phải vật lộn với việc chuyển từ bán buôn sang bán lẻ, khiến số lượng lớn sản phẩm thiếu hụt.

Paul Sproule, một nông dân trồng khoai tây ở Bắc Dakota, cho biết các nhà chế biến sản xuất khoai tây chiên và các sản phẩm nhà hàng khác đã ngừng nhập hàng. Hầu hết không thể xoay vòng để bán lẻ vì họ không có bao bì hoặc mối quan hệ với cửa hàng để có chỗ trên kệ.

Lấp đầy các khoảng trống

Ở các cộng đồng nông thôn, nhà bán lẻ thực phẩm nhỏ hơn như tiệm bánh đang bắt đầu dự trữ các sản phẩm thiếu hụt trong tạp hóa.

Tại thị trấn nông thôn Rossville, Indiana, thợ làm bánh địa phương Sandra Hufford, nhập nguyên liệu từ một nhà phân phối thực phẩm, bao gồm bơ, vài thùng phô mai và vài gallon sữa.

"Họ (nhà phân phối) nói với tôi rằng có rất nhiều khách hàng không muốn trả tiền ngay và họ cần những người thanh toán bằng tiền mặt", Hufford, người sở hữu tiệm bánh Flour Mill Bakery nói.

Hufford đã tích trữ tủ lạnh đựng nguyên liệu của cô và đăng lên Facebook cửa hàng những gì có sẵn.  Giờ đây, khách hàng từ xa như ở Indianapolis - 60 dặm - cũng đặt hàng và lái xe đến.

(Theo Reuters, CNA)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.