| Hotline: 0983.970.780

Nông dân quê cụ Tam Nguyên Yên Đổ… tích tụ đất đai

Thứ Hai 16/02/2009 , 08:00 (GMT+7)

Những nông dân làng Vị Hạ lâu nay nổi tiếng bảo thủ mà nay lại dám làm một cuộc "cách mạng" về nhận thức trong SXNN...

Mùa xuân này, nông dân làng Vị Hạ (làng Và xưa), xã Trung Lương, huyện Bình Lục (Hà Nam) - quê hương cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã làm cả tỉnh Hà Nam... giật mình. Đơn giản những nông dân làng Vị Hạ lâu nay nổi tiếng bảo thủ mà dám làm một cuộc "cách mạng" về nhận thức trong SXNN...

Bà con phấn khởi lắm. Tích tụ đất đai sải xuất lớn một mũi tên trúng nhiều đích. Trước hết là giải quyết được vấn đề rất bức xúc hiện nay là thiếu lao động. Thứ 2 là sản phẩm đồng đều và có chất lượng cao. Thứ 3 là giảm đến 50% chi phí sản xuất. Và cái quan trọng hơn nữa là lợi nhuận dân thu được lớn hơn rất nhiều hiện nay. Nếu cả xã Trung Lương này làm được như thôn Vị Hạ, tôi nghỉ chức Chủ nhiệm HTX nông nghiệp cũng được. (Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Bình Minh Trần Văn Công)

Đánh đổ kiểu tư duy cũ

Còn nhớ, trong một lần trả lời phỏng vấn NNVN, một vị lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Nam nói “Tích tụ đất đai ở đâu, chứ ở Hà Nam thì khó lắm vì nhận thức, tư duy của người nông dân quê hương ông Đồ bám chặt đến tận tầng đất củ, khó mà lung lay được”. Và, quả đúng vậy. Thực tế những năm qua, khi nền nông nghiệp hàng hoá gõ cửa từng nhà, từng làng, khắp nơi trong cả nước nông dân tìm cách tích tụ đất đai để đưa được cơ giới hoá vào, nâng cao giá trị sản xuất, mang sản phẩm ra thị trường thì ở Hà Nam tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp vẫn còn ngự trị.

Đùng một cái, trong những ngày nắng ấm của mùa xuân Kỷ Sửu, nông dân làng Vị Hạ - quê hương cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến làm cả tỉnh Hà Nam phải sững sờ khi bảo nhau tích tụ trên 30 ha đất và đưa cơ giới hoá vào từ khâu cấy cho đến khâu gặt.

 Một cán bộ khuyến nông kể lại, khi mang vấn đề tích tụ đất đai ra đề cập với một vị lãnh đạo chính quyền xã Trung Lương, vị cán bộ này gạt phăng “Ở đây, dân không thể mỗi người nhường nhịn một tí mà tích tụ đất đai được”. Hỏi: Vậy cứ để nông dân sản xuất manh mún không hiệu quả, chán ruộng sao? "Trả lời: Địa phương biết làm sao được!". Có thể vị cán bộ này hơi xa dân chăng?

Vì, dân Vị Hạ bảo rằng, dân chúng tôi chỉ cần hiểu được, nếu cán hộ gom ruộng lại với nhau thành những mảnh lớn, ruộng đất của chúng tôi có bị “hao hụt” đi như ở một số nơi không, năng suất và lợi nhuận có tăng hơn không. Hiểu được cặn kẽ cái đó, thấy lợi, sao dân lại không làm.

Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của dân, những cán bộ khuyến nông thuộc TT Khuyến nông Khuyến ngư QG đã mất tới gần 5 tháng trời đến gặp từng người dân, có người gặp tới cả chục lần để đả thông tư tưởng cho họ. Một nông dân nhận thấy cái lợi, hai nông dân nhận thấy cái lợi, rồi lên tới cả trăm hộ nông dân của thôn Vị Hạ nhận thấy sự cần thiết của tích tụ đất đai.

Ông Nguyễn Văn Vinh bảo: “Sản xuất nông nghiệp ở quê tôi, giờ chỉ còn toàn người già làm. Thuê công gặt, công cấy, công bừa, công phun thuốc, hạch toán ra có lờ lãi gì đâu, có khi còn lỗ, nhưng nông dân thì còn biết làm gì, để ruộng không thì chính quyền cho là…không có ý thức chính trị. Nếu mà tích tụ được đất đai, máy móc làm thay sức người thì chắc chắn là sẽ có lợi nhuận rồi. Trong bối cảnh mà dân chán ruộng như hiện nay, thấy lợi là họ đồng tình ngay. Mình không hiểu lắm, nhưng mình thấy nhiều nước trên thế giới họ giàu lên là nhờ máy móc làm thay chân tay trên ruộng lớn đấy thôi. Tôi nói thế có phải không nhà báo?”.

Ông Vinh hiểu vậy và bà con Vị Hạ cũng hiểu vậy, thế là họ bảo nhau bỏ bờ ruộng bờ thửa, 10-20 ruộng thành một ruộng. Để cho tiện, những nhà có ruộng trong cùng một thửa cùng bảo bắt tay nhau xoá bỏ “ranh giới”. Tổng diện tích được tích tụ lại là trên 30 ha, chia cho 90 hộ, trung bình mỗi hộ có gần 1 mẫu ruộng liền thửa, thay vì 4-5 mảnh ruộng trước đây.

Tính theo đầu sào, mỗi hộ tự nguyện bỏ ra 110 ngàn đồng/sào, cùng với sự hỗ trợ của TT Khuyến nông Khuyến ngư QG để mua máy cày bừa, máy gieo sạ, máy bơm nước, máy phun thuốc trừ sâu, máy gặt đập liên hợp. Bà Nguyễn Thị Thanh khẳng định: “Tổng số tiền mua gàn 30 máy các loại của chúng tôi hết có hơn 300 triệu. Nếu không được TT Khuyến nông Khuyến ngư QG hỗ trợ, mỗi sào phải đóng 200 ngàn đồng thì chúng tôi cũng mua. Vì, thưa với cán bộ, bây giờ ở nông thôn chúng tôi, công cấy công cày, công bừa, công gặt…đắt lắm, 80 ngàn đồng/ngày công còn chả thuê được. Hạch toán ra thì có phải đầu tư như vậy chúng tôi cũng vẫn còn lời nhiều không”. 

Nông dân Vị Hạ ngày xuống đồng trên thửa ruộng lớn

Lợi nhuận từ 50 sẽ lên 500 ngàn?

Khi chúng tôi có mặt ở Vị Hạ cũng là lúc bà con bắt đầu sạ lúa. Nhìn những thửa ruộng thẳng cánh cò bay, người kéo công cụ sạ lúa kéo vài vệt là đã…cấy xong rồi, những nông dân già đứng trên bờ lòng vui khôn tả: Những mảnh ruộng này mà cho những người già chúng tôi cấy không biết bao giờ mới xong. Bình thường mò mẫm trên những mảnh ruộng vài ba sào đã thấy nhọc lắm rồi, thuê người thì không thuê được, nhìn ruộng nhà mình trơ đất trong khi đâu đó lúa đã lên xanh mà muốn khóc.

Trưởng thôn Vị Hạ Nguyễn Tác Tân đeo chiếc điện thoại di động bên hông chỉ đạo máy bơm nước, người kéo sạ như là một vị tư lệnh công trường bảo với bà con: “Bây giờ thì các bà yên tâm không phải gọi con cái làm ăn xa về cấy nữa nhé, để chúng nó dồn tâm dồn sức làm ăn lập nghiệp, giờ máy nó làm hết rồi, các bà cũng không phải nhọc nhằn nữa, cứ ngồi mà thu thóc thôi”.

Vị Hạ có gần 1.000 khẩu, nhưng có tới trên 200 lao động trẻ khoẻ đi ra thành phố làm. Thanh niên ở lại làng chỉ đếm trên đầu ngón tay, giờ thì trọng trách sản xuất nông nghiệp được giao vào tay họ khi dân làng giao cho họ quản lý, điều hành máy móc. “Một số người bảo với tôi, cái kiểu tổ hợp tác sản xuất mà chúng tôi lập ra khéo không lại quay về cái HTX kiểu cũ rồi, tôi bảo không phải. Chúng tôi có góp ruộng chung, có dùng máy chung, nhưng thu được bao nhiêu thóc là chia ngay cho các hộ trên đầu sào. Vả lại, những người đảm nhiệm quản lý, sử dụng máy móc cũng phải theo quy chế. Sau khi đã làm xong cho dân làng rồi thì mới được mang máy đi làm thuê, tiền làm thuê đó được chia cho dân chứ không chỉ người giữ máy được hưởng…không có chuyện cha chung không ai khóc như trước đây”- ông Tân nói.

Ngồi cùng tính với nông dân Vị Hạ, trước đây, bình thường một hộ dân có hai người già làm mà cấy 1 mẫu ruộng, thì lợi nhuận mang lại chỉ được 50-100 ngàn đồng/sào vì phải thuê rất nhiều khâu với giá cắt cổ. Nhưng nay, tính chi ly, mỗi một sào ruộng cho năng suất 2,5 tạ, bán với giá 4.000đ/kg thì người dân cũng chắc lãi 4-500 ngàn đồng. Ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng phòng Khuyến công, TT Khuyến nông Khuyến ngư QG bảo, tính chi ly thì mỗi ha ruộng được tích tụ như thế này, dân chỉ phải đầu tư có 13 triệu đồng/ha, một khoản đầy tư rất rẻ trong sản xuất nông nghiệp, chỉ 3 vụ cấy là dân thu hồi được vốn. Trước đây khuyến nông hay rơi vào tay…người giàu, nhưng hỗ trợ như thế này thì cả người giàu và người nghèo đều được hưởng.

Và điều quan trọng hơn là những mô hình như thế này thì có khả năng nhân rộng rất cao. Lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Nam cũng coi cách làm của Vị Hạ như là một cuộc “cách mạng”. Vì từ đây, hàng loạt những làng quê vùng chiêm trũng Hà Nam sẽ rộ lên phong trào tích tụ đất đai sản xuất lớn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nam khẳng định: “Cái khó nhất trong tích tụ đất đai, sản xuất hàng hoá là nhận thức của người nông dân. Để dân hiểu được, dân thấy lợi, khó mấy cũng sẽ thành công”.

Nguyễn Khuyến đã từng viết thế này về người nông dân Vị Hạ quê mình: "Nhà tớ chỉn nghèo thay, may nhờ bà nó chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, vì tớ đỡ đần trong mọi việc. Bà đi đâu vội mấy, để mình lão ngất ngư ngất ngưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa, gật gù tay đũa chạm tay chén, biết cùng ai kể chuyện trăm năm".

Người nông dân Vị Hạ trong câu đối của Nguyễn Khuyến trên 100 năm trước nay đã khác thật rồi. Dân làng Vị Hạ bảo, đây là một mùa xuân thật ý nghĩa. Rời Vị Hạ, cũng là lúc nông dân trên mảnh đất này đã sạ xong lúa vụ xuân và tham dự hội làng kỉ niệm 174 năm ngày sinh cụ Nguyễn Khuyến (15/2/1835-15/2/2009).

Xem thêm
Các nhà báo đã chung tay lan tỏa 'câu chuyện Việt Nam'

Gặp gỡ báo giới đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nhà báo đã cùng nhau kể 'câu chuyện Việt Nam', đẹp và đáng tự hào.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng quê ngày cận Tết: Lá dong Tràng Cát vào 'mùa cưới'

'Cưới lá' là cách người Tràng Cát gọi mùa thu hoạch lá dong nửa cuối tháng Chạp, khi cả làng rộn ràng căng bạt che lá, tạo khung cảnh như những đám cưới.