| Hotline: 0983.970.780

Nông dân tàn tật ở Trung Quốc đổi đời nhờ thương mại điện tử

Chủ Nhật 14/04/2019 , 09:37 (GMT+7)

Cuộc sống đối với Hứa Tân Thượng, nông dân tàn tật ở huyện Tây Hoa, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, không hề dễ dàng. Người đàn ông 37 tuổi này đã phải ngồi xe lăn suốt hơn 20 năm qua.

“Nó bị phong thấp và teo cơ nghiêm trọng lúc 8 tuổi và không thể đi lại khi 12 tuổi”, cha của Hứa Tân Thượng, nói. Hứa chỉ có thể cử động tay phải một chút.

Để chữa bệnh cho con trai, gia đình họ Hứa đã vay hơn 200.000 nhân dân tệ (khoảng 29.800 USD). Suốt thời gian dài, mong ước lớn nhất của Hứa là trả xong nợ, giảm gánh nặng cho bố mẹ.

Năm 2009, gia đình mua cho Hứa một máy tính cũ. “Đây là chiếc máy tính đầu tiên trong làng và tôi dành một tuần để học cách dùng”, Hứa nói. Dù tàn tật, anh vẫn siêng năng học hỏi.

Thương mại điện tử đã bùng nổ tại Trung Quốc trong những năm gần đây. Ý tưởng tiếp thêm sinh lực cho các vùng đói nghèo bằng thương mại điện tử đã được đưa vào trong kế hoạch của chính phủ Trung Quốc, mang lại cơ hội và hy vọng cho Hứa.

Năm 2011, Hứa mở một cửa hàng trên Taobao, nền tảng bán hàng trực tuyến của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, bắt đầu bán đồ phụ nữ, mỹ phẩm và quần lót giữ nhiệt.

Để kinh doanh trực tuyến, Hứa phải chịu đựng các cơn đau và dành phần lớn sức lực để điều khiển máy tính bằng một bút cảm ứng dài, chuột và bàn di chuột gắn chặt dưới tay trái.

“Thu nhập ban đầu không nhiều do tôi thiếu kinh nghiệm”, Hứa nói. “Sau đó, tôi bắt đầu bán các sản vật địa phương như súp cay, mỳ làm từ bột khoai lang. Việc kinh doanh ngày một khá lên”.

Năm 2017, Hứa thuê hai thanh niên trong làng để hỗ trợ anh trong việc mở rộng buôn bán. Giờ đây, lợi nhuận gộp từ các cửa hàng trực tuyến trên một số nền tảng thương mại điện tử có thể lên tới 30.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Hứa đã trở thành “ngôi sao thương mại điện tử” tại huyện Tây Hoa.

“Không có bí mật nào để thành công ngoài việc cung cấp sản phẩm phù hợp và quản lý hoạt động kinh doanh một cách có trật tự”, Hứa phát biểu trước những thanh niên muốn học hỏi về thương mại điện tử đến từ các làng lân cận.

Cha của Hứa vẫn không thể hiểu cách con trai kiếm tiền. Tuy nhiên, ông rất tự hào về những gì Xu làm được. “Cuộc sống của chúng tôi đang tốt lên từng ngày”, ông nói. Nhờ Hứa, gia đình ông đã trả hết nợ và xây được một ngôi nhà ba tầng.

Với Hứa, thương mại điện tử vẫn là một lĩnh vực đầy hứa hẹn với nhu cầu nông sản tăng mạnh. Năm nay, Hứa lên kế hoạch làm xúc xích và quảng bá trực tuyến các sản phẩm địa phương.

“Tôi đang nghĩ đến việc mở một nhà máy sản xuất thực phẩm. Tôi sẽ hài lòng nếu có thể tạo ra việc làm cho hàng chục người”, Hứa chia sẻ.

Do phải ở trong nhà suốt nhiều năm, Hứa mong muốn được khám phá thế giới bên ngoài.

“Thế giới rất rộng lớn. Tôi muốn ra ngoài kia và khám phá. Năm nay, tôi hy vọng có thu nhập tốt hơn, mua ôtô và đưa gia đình đi chơi”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.