| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Thái đòi chính phủ tiền gạo

Thứ Ba 21/01/2014 , 15:56 (GMT+7)

Những người trồng lúa gạo Thái Lan vừa gửi tối hậu thư cho Chính phủ lâm thời, trong đó yêu cầu Chính phủ phải thanh toán tiền mua gạo cùng với lãi suất cho những người tham gia chương trình trợ giá lúa gạo trước ngày 25/1.

Những người trồng lúa gạo Thái Lan vừa gửi tối hậu thư cho Chính phủ lâm thời, trong đó yêu cầu Chính phủ phải thanh toán tiền mua gạo cùng với lãi suất cho những người tham gia chương trình trợ giá lúa gạo trước ngày 25/1.


Gạo Thái Lan tại nhà máy ở Bangkok

Theo nhật báo Bangkok Post, hôm 18/1, khoảng 1.000 nông dân đã chặn một đoạn trên đường cao tốc số 226 tại Buri Ram để đòi thanh toán số tiền mà Chính phủ đã nợ họ khi mua gạo theo chương trình trợ giá lúa gạo.

Những người này đã yêu cầu Chính phủ phải thanh toán số nợ đã quá hạn đó cùng với lãi suất trước ngày 25/1. Nếu không, họ sẽ kiện Thủ tướng lâm thời Yingluck Shinawatra và nội các vì đã xao lãng nhiệm vụ gây thiệt hại.

Trước đó, hôm 16/1, Bộ Tài chính Thái Lan đã huy động 32,6 tỷ baht thông qua việc phát hành trái phiếu để trả nợ cho những người trồng lúa.

Số trái phiếu có kỳ hạn 2,865 năm này được phát hành thông qua chương trình huy động vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Lan (BAAC).

Đây là một phần trong số 75 tỷ baht trái phiếu của BAAC được bảo lãnh bởi Bộ Tài chính Thái Lan và được phát hành vào tháng 11 năm ngoái.

Lãi suất của số trái phiếu phát hành trong đợt này là 3,53%, tương đương với lãi suất của số trái phiếu mà BAAC đã phát hành trước đó.

Theo dự kiến, BAAC sẽ dùng số tiền thu được từ đợt bán trái phiếu hôm 16/1 để trả cho những người trồng lúa gạo.

Tuy nhiên, động thái này có thể đặt Chính phủ lâm thời vào nguy cơ vi phạm luật bầu cử.

Mặc dù vậy, Bộ Tài chính tin rằng việc phát hành trái phiếu không vi phạm khoản 181 của Hiến pháp, trong đó nghiêm cấm Chính phủ lâm thời chi tiêu tiền vào các dự án mới hay tạo ra gánh nặng nợ nần cho Chính phủ kế nhiệm.

Theo tờ Bangkok Post, nguyên nhân là do khoản vay này là một phần của kế hoạch phát hành trái phiếu đã được thông qua trước khi Chính phủ Thái Lan trở thành chính phủ lâm thời.

Cùng với nguy cơ vi phạm luật bầu cử, Chính phủ lâm thời có thể sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản pháp lý khác sau khi Ủy ban chống Tham nhũng Quốc gia phát hiện những điểm trái quy tắc trong chương trình này và đưa ra cáo buộc tham nhũng đối với cựu Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom và cấp dưới của ông này là Thứ trưởng Thương mại Poom Sarapol.

Bên cạnh đó, Ủy ban đã khởi động cuộc điều tra chống Thủ tướng lâm thời Yingluck Shinawatra với cáo buộc xao lãng trách nhiệm.

Chính phủ Thái Lan bắt đầu thực hiện chương trình trợ giá lúa gạo vào cuối năm 2011.

Theo chương trình này, Chính phủ cam kết thu mua thóc gạo của nông dân với mức giá từ 15.000-20.000 baht/tấn, cao hơn 40-50% so với giá thị trường.

Trong vụ thu hoạch chính của niên vụ 2013/14 (từ 1/10/2013 đến 28/2/2014), có tổng 10 triệu tấn thóc trị giá 100 tỷ baht đã được mua theo chương trình trợ giá nhưng cho đến nay, chỉ có một nửa trong số đó được thanh toán.

BAAC, đơn vị phụ trách chương trình này, đã cạn tiền, trong khi số tiền mà Bộ Thương mại thu được khi bán gạo theo các thoả thuận liên chính phủ không đủ để thanh toán cho nông dân.

(Vietnam+)

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.