Đặt chân đến thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội không ai là không ấn tượng với những luống rau sạch, xanh ngát một màu. Ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) rau sạch Tiền Lệ (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, hình thành từ năm 2008 đến nay, HTX đã duy trì và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Điểm đặc biệt của nông dân HTX Tiền Lệ là 100% bà con đều được tập huấn, có kiến thức hiểu biết về an toàn thực phẩm. HTX nhận được sự quan tâm của UBND thành phố trong đầu tư nhà sơ chế và một số đường giao thông. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội và Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hoài Đức cũng thường xuyên tập huấn kỹ thuật, tổ chức cho bà con đi tham quan học hỏi các mô hình tiên tiến khác.
Tự hào nói về câu chuyện canh tác tại Tiền Lệ, ông Hào cho biết, HTX chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. So với trước, nồng độ hóa chất trong phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đã giảm mạnh 30 - 40%, đạm gần như không dùng đến.
Với tổng diện tích trên 40 ha, vùng đạt tiêu chuẩn Vietgap là 33,5ha, cung cấp ra thị trường trên 3.000 tấn/năm, HTX có hơn 500/700 hộ thành viên chuyên sản xuất rau. Theo thống kê xây dựng nông thôn mới nâng cao, mỗi nhân khẩu đạt tiêu chuẩn trên 70 triệu/năm, trong đó sản xuất rau chiếm khoảng 50%.
Bình quân sản xuất rau thu về trên 700 triệu/năm/ha, riêng khu nhà lưới sản xuất tập trung 2,5ha có doanh thu lên đến 900 triệu - 1 tỷ đồng/năm. Các mặt hàng rau chủ yếu tiêu thụ thông qua liên kết với các doanh nghiệp, đưa vào các siêu thị, bếp ăn trường học, bệnh viện, khu công nghiệp. Lượng rau đưa vào các kênh tiêu thụ thường xuyên, có giá ổn định hàng năm chiếm khoảng 30 - 40%.
“HTX chú trọng tăng cường công tác giám sát, kiểm tra thông qua ghi chép nhật ký sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo đúng tiêu chuẩn. Qua đó, giữ vững thương hiệu rau sạch Tiền Lệ, tạo nền tảng tiến tới sản xuất rau hữu cơ trong thời gian tới”, ông Hào chia sẻ.
Nhớ lại những ngày đầu chịu trách nhiệm sản xuất khu nhà lưới tập trung 2,5ha của HTX Tiền Lệ, ông Nguyễn Khắc Đạo, chủ hộ sản xuất chia sẻ, khó khăn và chán nản luôn hiện hữu.
Vì chưa có chỗ đứng trên thị trường, nên 3 năm đầu, ông Đạo rất nản chí, nhiều khi muốn nghỉ cho đỡ vất vả, nhưng tâm niệm “cứ trồng cây sẽ có ngày hái quả” và rồi ông Đạo đã được quả lành trên luống rau của mình.
Là khách hàng thu mua lâu dài của HTX Tiền Lệ, bà An Hà Liên, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - dịch vụ Liên Anh chia sẻ, việc liên kết với HTX có nhiều thuận lợi, yên tâm vì bà con rất hợp tác, đảm bảo an toàn chất lượng rau sạch, đồng đều. Hiện mỗi ngày, doanh nghiệp Liên Anh đang thu mua 2 tấn rau/ngày từ HTX Tiền Lệ, tổng sản lượng mỗi tháng trung bình đạt 50 - 60 tấn rau củ quả các loại.
Bà Đặng Thị Thu Thủy, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hoài Đức cho biết, thực hiện kế hoạch của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Hà Nội, Trạm đã phối hợp chặt chẽ với HTX rau sạch Tiền Lệ.
Cụ thể, Trạm tổ chức đào tạo tập huấn, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, giúp bà con nông dân thay đổi dần thói quen, tập quán sản xuất và đồng thời cử cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng cùng bà con để tuyên truyền, hỗ trợ, giám sát bà con.
Bên cạnh đó, Trạm cũng tổ chức nhiều lớp học IPM, quản lý dịch hại tổng hợp và hiện nay đang nâng cao lên các lớp IPHM, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp.
“Chúng tôi đều sử dụng phương pháp cầm tay chỉ việc, tổ chức các lớp học đồng ruộng chỉ với khoảng 30 người nông dân, hướng dẫn bà con phương pháp điều tra và vẽ, phân tích bức tranh sinh thái đồng ruộng của mình. Từ đó, Trạm sẽ gợi ý các định hướng giải pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh”, bà Đặng Thị Thu Thủy cho biết.