Công nghệ số làm điểm tựa tiêu thụ sản phẩm
Ngày 6/12 tại Hưng Yên, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức hội nghị tổng kết dự án khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình sản xuất rau chất lượng cao, ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cung cầu tại một số tỉnh phía Bắc”.
TS Đỗ Văn Ngọc, Chủ nhiệm dự án cho biết, dự án được triển khai thực hiện tại Hà Nội, Hưng Yên và Sơn La từ năm 2021 - 2023. Mục tiêu của dự án là ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất rau thương phẩm chất lượng cao, đồng đều, phù hợp với điều kiện đầu tư của nông dân tại một số tỉnh phía Bắc.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhưng đến hiện tại, toàn bộ các mục tiêu dự án đưa ra đã hoàn thành theo đúng tiến độ, thậm chí có những chỉ tiêu vượt xa so với mong đợi ban đầu.
Cụ thể, dự án đã triển khai thành công 18 mô hình trình diễn tại Hưng Yên, Hà Nội, Sơn La trên các đối tượng cây trồng gồm dưa thơm, cà chua, cải ăn lá với tổng diện tích 55ha (8ha dưa thơm, 10ha cà chua, 37ha rau cải ăn lá). Trong đó, 14 mô hình đã cho kết quả rất khả quan khi năng suất cây trồng tăng, hiệu quả kinh tế cao hơn 20% so với đối chứng và 4 mô hình đang trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, tổ chức 18 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho gần 700 hộ và 6 lớp kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin cho 120 hộ tham gia mô hình.
Đối với đào tạo tập huấn ngoài mô hình, dự án đã triển khai được 8 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho hơn 240 nông dân, 4 lớp kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin cho 80 hộ và đang xây dựng kế hoạch triển khai các lớp tiếp theo trong thời gian tới.
Đặc biệt, dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động cổng thông tin kết nối cung cầu (website: khuyennongketnoicungcau.vn) và ứng dụng (App) chạy trên nền tảng ios và android.
Ngoài ra, tổ chức 7 hội nghị tham quan, đánh giá mô hình tại các địa phương triển khai dự án với hơn 350 đại biểu tham dự và đang xây dựng kế hoạch triển khai 2 hội nghị với 100 đại biểu tại Hà Nội và Hưng Yên.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiêp tổng hợp xã Yên Phú (Yên Mỹ, Hưng Yên) phấn khởi chia sẻ, năm 2023, được sự hỗ trợ của Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (CETDAE), HTX đã triển khai 2 mô hình sản xuất rau cải ăn lá và cà chua chất lượng cao. Trong đó, mô hình sản xuất rau cải ăn lá có diện tích 7,5ha, sử dụng giống cải ngọt cao sản được gieo trồng thành 5 trà, mỗi trà cách nhau từ 5 - 7 ngày. Mô hình sản xuất cà chua chất lượng cao với diện tích 2,5ha, sử dụng giống VT5, gieo thành 3 trà, mỗi trà cách nhau từ 15 - 20 ngày.
Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật như sử dụng cây giống chất lượng, phân bón hữu cơ để cải tạo đất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học, ghi chép nhật ký sản xuất (ngày gieo giống, làm đất, bón phân, lao động thực hiện…) nên cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao hơn 10 - 15%, giá bán sản phẩm cao hơn 10 - 20% so với sản xuất truyền thống trước đây.
Đặc biệt, các thành viên của HTX đã tiếp cận và thao tác thành thục trên cổng thông tin kết nối cung cầu như tự thiết lập được tài khoản, đăng tải thông tin giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng… Sản phẩm đã được phân phối tiêu thụ ở các hệ thông siêu thị như Winmart, Saigon Coop…, các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp, trường học trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Hưng, hiện nay nhu cầu sử dụng những sản phẩm chất lượng, an toàn của người tiêu dùng ngày càng tăng lên. Nếu người sản xuất không chủ động thay đổi phương thức canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật thì sản phẩm tạo ra sẽ không có sức cạnh tranh, giá bán thấp, thậm chí sẽ bị quên lãng, tẩy chay. Tuy nhiên, khi đã có sản phẩm chất lượng mà không tìm được thị trường thì cũng rất nan giải, nông dân sẽ không còn động lực. Do đó, dự án mà CETDAE triển khai đã giúp HTX, hộ sản xuất giải quyết cùng lúc được 2 vấn đề này.
“Sản lượng rau, củ do HTX tạo ra hàng năm khoảng 1.800 tấn. Nếu không kết nối được với đầu mối tiêu thụ với giá trị cao thì các thành viên sẽ không còn mặn mà với đồng ruộng. Thật mừng vì những nội dung mà dự án hỗ trợ HTX đã trở điểm tựa để các hộ vững tâm, từng bước làm chủ, quản lý được toàn bộ quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ”, ông Hưng đánh giá.
Bán sản phẩm không chỉ cho lực lượng “xe thồ”
TS Phạm Văn Dân, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông chia sẻ, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Việc hỗ trợ nông dân vừa có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, vừa có thể tự mình kết nối giao thương, bán sản phẩm bằng công nghệ sẵn có (điện thoại thông minh) là hết sức bức thiết.
Với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin nhằm kết nối các cơ sở, cá nhân sản xuất nông sản chất lượng cao với người tiêu dùng, tạo thêm kênh tiêu thụ, trong khuôn khổ dự án, CETDAE đã xây dựng, hoàn thiện và đưa vào sử dụng cổng thông tin kết nối cung cầu từ tháng 12/2022.
Các chủ thể tham gia có thể đăng tải thông tin giới thiệu về đơn vị, sản phẩm, kế hoạch, quy trình sản xuất, năng suất và thời gian thu hoạch dự kiến… Từ đó, nắm bắt yêu cầu đặt hàng và thông tin đối tác. Đồng thời, các đơn vị tiêu thụ có thể tìm kiếm, đặt hàng và kết nối trực tiếp đến các cơ sở sản xuất (đã được ban quản trị cổng kiểm chứng thông tin).
Sau khi hoàn thiện và chính thức đưa vào hoạt động, CETDAE phối hợp với các HTX, công ty, hộ dân đưa 100% sản phẩm thuộc mô hình trình diễn của dự án lên cổng để quảng bá, kết nối tiêu thụ. Kết quả bước đầu cho thấy, khoảng 70% lượng sản phẩm của dự án đã được kết nối tiêu thụ thông qua cổng này.
Ông Nguyễn Văn Kha, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) nhấn mạnh, Yên Mỹ là một trong những huyện có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa nhanh của tỉnh. Vì vậy diện tích đất sản xuất nông nghiệp đang ngày càng thu hẹp (huyện hiện có hơn 1.000ha lúa, hơn 1.200ha cây ăn quả, gần 600ha rau, củ). Trong khi đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp chất lượng, nhất là rau lại tăng cao hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, tại các vùng sản xuất rau chuyên canh trên địa bàn huyện, tình trạng sản xuất theo phong trào, sản phẩm tạo ra khó tiêu thụ, người dân chỉ biết tìm đến lực lượng “xe thồ” (thương lái nhỏ) để bán sản phẩm vẫn diễn ra. Điều này dẫn tới giá trị sản xuất, lợi nhuận của nông dân không cao. Mô hình do CETDAE triển khai bao hàm cả 2 nội dung gồm sản xuất theo chuỗi liên kết, tạo ra sản phẩm chất lượng và chủ động tìm kiếm thêm các thị trường tiêu thụ. Đây là hình mẫu để nhân rộng trên địa bàn huyện, giúp HTX, hộ sản xuất thay đổi tư duy, giải quyết những bài toán khó mà bấy lâu nay vẫn đang loay hoay tháo gỡ.
Cụ thể, tính đến ngày 30/11, có 84 cơ sở sản xuất cung ứng sản phẩm trên cả nước, với 118 loại sản phẩm nông sản đã đăng tải trên cổng thông tin kết nối cung cầu của dự án với hơn 11.600 đơn hàng đã được ghi nhận. Số lượng khách hàng tiếp cận tăng từ 5 - 10% mỗi tháng. Hiện nay, CETDAE đang tiếp tục thu thập phản hồi từ các chủ thể tham gia để hoàn thiện, tối ưu các tiện ích, từng bước gia tăng số lượng người dùng.