Bốn cậu con trai của María Bonilla và Esteban Funes, gồm một cậu bé 10 tuổi, đều bắt đầu cuộc hành trình nguy hiểm về phía bắc, do thích cuộc sống di cư trái phép ở Mỹ hơn là một nông dân trồng cà phê ở Trung Mỹ.
Bonilla, 40 tuổi, tuyên bố nếu không còn mẹ thì ông cũng tới Mỹ vì ở đó tốt hơn ở quê nhà El Laurel, đông bắc Honduras, nơi ông đang vật lộn kiếm sống bằng nghề nông.
Cà phê không đủ nuôi sống cho hàng trăm nghìn nông dân Trung Mỹ, những người sản xuất ra loại cà phê arabica ngon nhất thế giới. Điều này khiến ngày càng nhiều người di cư đến biên giới Hoa Kỳ -Mexico. Theo dữ liệu của Hoa Kỳ cho thấy số lượng người di cư này đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay.
Francisca Hernández, 48 tuổi, nói với Reuters rằng khoảng 1/10 trong số 1.000 nông dân trồng cà phê ở thôn La Laguneta ở miền nam Guatemala di cư đến Mỹ trong năm nay. Trong số này có cả đứa con trai 23 tuổi của bà, đã bị bắt ở Mexico khi đang cố gắng đến biên giới Hoa Kỳ mặc dù đã trả 10.000 USD cho một kẻ buôn lậu người.
May mắn, cuối cùng, con trai bà đã vượt qua biên giới vào tháng 2 năm nay, và hiện đang làm việc trong một nhà hàng ở Ohio, gửi về quê nhà khoảng 300 USD/tháng.
Theo nhóm liên chính phủ SICA, làn sóng di cư đã xảy ra định kỳ từ các khu vực Trung Mỹ khi giá cà phê dao động.
Tuy nhiên, năm nay tình hình đặc biệt tồi tệ. Những người nông dân từng chịu cảnh thua lỗ và nợ nần trong nhiều năm do giá cà phê thế giới giảm và việc làm ăn thua lỗ ở Brazil, giờ đây đã bị sa lầy bởi sự hồi sinh tàn khốc của bệnh nhiễm nấm "Roya", hay bệnh gỉ sắt trên cây cà phê.
Nấm bệnh đã hồi sinh do độ ẩm khắc nghiệt từ các cơn bão Eta và Iota tàn phá Trung Mỹ vào cuối năm 2020, phá hủy mùa màng, khiến hàng trăm nghìn người phải di tản.
René León-Gómez, Thư ký điều hành của PROMECAFE, một mạng lưới nghiên cứu khu vực của các viện cà phê quốc gia ở Trung Mỹ, cho biết: “Khi cà phê không có mức giá tốt, đó là khi bạn thấy những cuộc di cư lớn từ Honduras, El Salvador, Guatemala, Nicaragua".
Sản lượng cà phê trong khu vực, nơi sử dụng lao động hái cà phê bằng tay, đã giảm 10% kể từ cuối năm 2017 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong mùa vụ tới. Điều này có nghĩa là thị trường cà phê toàn cầu sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà sản xuất đại trà, cơ giới hóa như Brazil, và ngày càng dễ bị ảnh hưởng bởi giá tăng đột biến nếu thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến mùa màng của nước này.
León-Gómez cho biết quyết định di cư của nông dân lên phía bắc là giải pháp cuối cùng. Họ đã sản xuất thua lỗ trong nhiều năm và thường làm việc tại các trang trại lớn hơn để kiếm sống, ông nói thêm.
Tới Mỹ
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) cho biết họ đã thực hiện 1,7 triệu vụ bắt giữ tại biên giới với Mexico trong năm tài chính vừa qua kết thúc vào ngày 30/9, con số cao nhất từng được ghi nhận, gấp đôi số lượng năm 2019 và gấp hơn bốn lần số lượng năm ngoái khi tiến hành phong tỏa do đại dịch Covid-19.
CBP không phân chia người di cư theo loại công việc, mặc dù dữ liệu di cư gần đây nhất do Viện cà phê Honduras (IHCAFE) cung cấp riêng cho Reuters đưa ra một số dấu hiệu về các con số liên quan.
Viện đã khảo sát 990 nông dân trồng cà phê ở Honduras và phát hiện ra rằng trong ba tháng di cư phổ biến (tháng 5, 6, 7) của năm 2019, 5,4% cho biết ít nhất một thành viên trong gia đình họ đã đến Hoa Kỳ.
Nếu nhân rộng ra trong lĩnh vực canh tác cà phê của Honduras, số lượng người di cư sẽ gần bằng 6.000 người chỉ trong 3 tháng đó - tương đương với 6% trong số tất cả những người Honduras vượt qua biên giới Hoa Kỳ - Mexico trái phép trong thời gian đó, theo dữ liệu của CBP.
Cuộc khảo sát không nắm được toàn bộ các gia đình di cư nên con số thực có thể cao hơn.
Bonilla cho biết gần như tất cả 55 gia đình trồng cà phê ở El Laurel, thuộc bang Olancho, đã chứng kiến các thành viên di cư trong vòng 4 năm qua, trong khi khoảng 10 gia đình đã hoàn toàn từ bỏ trang trại của họ và đi về phía bắc.
Dịch bệnh và nợ nần
Hái cà phê bằng tay đã trở thành lối sống trong nhiều thế kỷ ở những vùng miền núi nghèo nàn của Trung Mỹ. Khu vực này sản xuất khoảng 15% cà phê arabica trên thế giới.
Tuy nhiên, sản lượng đã giảm 10% trong 4 năm kể từ tháng 10/2017, do nông dân thua lỗ trong bối cảnh giá cà phê thế giới giảm. Dữ liệu ngành cho thấy, sản lượng dự kiến sẽ giảm 3% nữa trong mùa vụ 2021/22 hiện tại, bất chấp nhu cầu và giá cả toàn cầu đang tăng mạnh.
Những nông dân và các quan chức được phỏng vấn nói rằng, với sản lượng vẫn giảm ở Trung Mỹ do dịch bệnh gỉ sắt trên cây cà phê đang bùng phát trở lại, việc kiếm sống từ trồng cà phê sẽ vẫn còn là một cuộc đấu tranh.
Nấm Roya gây ra bệnh gỉ sắt bùng phát lần đầu tiên trong khu vực vào năm 2012, và đến năm 2014, hơn một nửa số vụ cà phê bị ảnh hưởng.
Độ ẩm do hai cơn bão năm 2020 gây thiệt hại trị giá 3,3 tỷ USD cho các nền kinh tế khu vực, đồng thời đẩy tỷ lệ các cây cà phê mắc nấm Roya lên 15-25% vào niên vụ 2020/21.
Một số nông dân trồng cà phê ở Trung Mỹ đã nói về vòng xoáy nợ đáng sợ. "Họ bắt đầu bán những thứ của mình", José Magaña, 60 tuổi, một nông dân đến từ bang Santa Ana, El Salvador, cho biết. “Người trồng cà phê nhỏ thì bán mấy con bò, nếu người trồng cà phê cỡ vừa thì bán nhà, bán những thứ khác để có tiền làm trang trại”.
Trang trại của Carlos Landaverde ở Santa Ana đã bị ngân hàng thu giữ hồi đầu năm nay. Người đàn ông 44 tuổi này cho biết ông không hề nao núng trước những nguy cơ có thể xảy ra khi phải di cư cùng gia đình."Nó không phải vấn đề", ông nói. "Mà đó là giải pháp duy nhất".