Nông dân Zhang Shouqin ở huyện Feixi, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc cho biết, ông rất buồn rầu suốt nhiều tuần qua khi đợt nắng nóng kéo dài đã thiêu rụi 53 ha lúa của gia đình. Trong khi diện tích lúa của gia đình ông đang trong giai đoạn phát triển quan trọng, thì phải hứng chịu ngưỡng nhiệt độ cao trên 35 độ C nhưng không có nước tưới trong hơn 40 ngày liền.
Ông Zhang than thở: Tôi vẫn chưa thể nào nguôi ngoai với thất bát bởi mãi cho đến thứ Sáu tuần trước, chính quyền địa phương mới khoan đào xong một chiếc giếng sâu 170 mét ngay trên khu đất nông nghiệp của gia đình.
Đợt hán hán và nắng nóng khắc nghiệt nhất trong vòng 60 năm qua tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc khiến cho nhiều hệ thống sông, hồ và hồ chứa bị thu hẹp, buộc chính quyền các địa phương phải tăng cường nỗ lực khai thác nước ngầm để lấy nước tưới.
Hiện tỉnh An Huy đã phân bổ nguồn ngân sách cứu trợ hạn hán trị giá 700 triệu nhân dân tệ (tương đương 102 triệu USD) để người dân chống hạn. Chính quyền địa phương cho biết, phần lớn nguồn kinh phí được sử dụng để đào các giếng mới và nạo vét các giếng hiện có.
Theo tờ nhật báo An Huy, tính đến cuối tuần vừa qua, tỉnh này đã đào xong tổng cộng hơn 24.000 chiếc giếng đưa vào sử dụng để cứu trợ hạn hán. Tại thị trấn Shuanghe ở ngoại vi thành phố Lục An của tỉnh này, nông dân được khuyến khích chủ động đào, khoan giếng lấy nước và sẽ được chính phủ trợ cấp ít nhất 2.000 nhân dân tệ cho mỗi chiếc giếng, tương đương 291 USD.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia với việc nhiều cánh đồng, trang trại bị hạn hán nằm ở các vùng đồi núi hiểm trở, việc nông dân vận chuyển nước để tưới cho cây trồng, vật nuôi thực sự là một thách thức lớn vừa tốn kém tiền của, công sức và mất nhiều thời gian.
Trong một chuyến thị sát đến huyện Phì Tây hôm thứ Bảy tuần trước, Bí thư Tỉnh ủy An Huy Trịnh San Khiết yêu cầu, chính quyền địa phương cần nỗ lực hết sức để giảm thiệt hại cho ngành nông nghiệp.
Ông Trịnh San Khiết cho biết, cần phải có các biện pháp tức thì và lâu dài để đáp ứng nhu cầu nước tưới, đồng thời cho rằng việc xây dựng các kênh dẫn nước cần được đẩy nhanh.
Hôm thứ Ba (23/8), Cơ quan Dự báo khí tượng thủy văn Trung Quốc tiếp tục ban bố cảnh báo nhiệt độ cao nhất, với nhiều khu vực thuộc các tỉnh Hồ Nam, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, phía tây nam và tỉnh Giang Tây, miền đông đất nước phải đối diện với nền nhiệt độ cao từ 40 độ C trở lên trong những ngày tới.
Ông Li Guoxiang, một chuyên gia nghiên cứu thời tiết tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết, các khu vực bị ảnh hưởng bởi nắng nóng là những vùng sản xuất lúa chính ở Trung Quốc.
Lúa gạo hiện là loại cây lương thực lớn nhất ở Trung Quốc, chiếm khoảng 40% sản lượng ngũ cốc vụ thu, trong khi đó cây trồng vụ thu chiếm tới 3/4 sản lượng ngũ cốc hàng năm của cả nước.
Tác động của hạn hán tồi tệ năm nay đối với sản lượng ngũ cốc vụ thu đang làm dấy lên một số lo lắng về an ninh lương thực và đe dọa mục tiêu tổng sản lượng lương thực cả năm của Trung Quốc trong năm nay là 650 triệu tấn.
Theo chuyên gia Li Guoxiang, tình trạng thời tiết bất thường, khắc nghiệt sẽ xuất hiện thường xuyên hơn. Ông Li cho biết, miền Bắc Trung Quốc vốn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi hạn hán và miền Nam hay bị lũ lụt trong quá khứ, nhưng năm nay thì ngược lại. Do đó, cả miền Nam và miền Bắc Trung Quốc nên chuẩn bị sẵn sàng các phương án để chủ động đối phó với lũ lụt và hạn hán, đồng thời phát triển các loại cây trồng mới để thích ứng.