| Hotline: 0983.970.780

Nông dân tự làm 'nhà khoa học' phân tích đất nông nghiệp

Thứ Năm 01/06/2023 , 16:13 (GMT+7)

HẬU GIANG Một buổi sáng trung tuần tháng 5, nhà bà Lê Thị Cẩm Thúy đón hàng chục 'nhà khoa học' nông dân đến để nghiên cứu đất phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nông dân làm nhà khoa học đất

Những công việc từ lấy mẫu đất, phân loại, đánh số, cho vào các ống nghiệm, phân tích, ghi chép số liệu… được chính tay nông dân làm một cách tỉ mỉ.

Lần đầu tiên, hàng chục nông dân xã Vĩnh Viễn A (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) được làm "nhà khoa học" phân tích đất nên rất hào hứng. Hướng dẫn, hỗ trợ cho họ là những cán bộ thuộc Khoa Khoa học Đất - Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) và các chuyên gia đến từ nước Úc.

Các nhà 'nhà khoa học' nông dân lần đầu tiên tự làm thí nghiệm nghiên cứu đất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh.

Các nhà “nhà khoa học” nông dân lần đầu tiên tự làm thí nghiệm nghiên cứu đất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh.

Chị Võ Thị Kim Loan cùng chồng là anh Tiêu Văn Vũ có hơn 2ha đất trồng lúa 3 vụ/năm. Thâm canh tăng vụ lên tục, sản lượng lúa nhiều nhưng thu nhập lại giảm do chí phí cứ tăng dần. Thấy vậy, chị Loan, anh Vũ chuyển một phần diện tích (4 công) sang trồng rau màu luân canh với lúa. Chị Loan bảo, để trồng dưa hấu trên đất lúa thì phải mướn người đào rãnh, đắp liếp. Sau 2 vụ dưa lại ban ra trồng lấp lại vụ lúa. Kết quả là cả lúa và dưa đều trúng hơn làm chuyên canh.

Theo chị Loan, khi sản xuất lúa hay rau màu liên tục, thấy cây chậm phát triển, nghĩ rằng đất bị suy thoái, cạn kiệt chất dinh dưỡng nên nông dân sẽ bón tăng phân bón lên chứ cũng chẳng biết cụ thể là thiếu chất gì.

"Giờ được các thầy hướng dẫn phân tích mới biết đất được cấu tạo bởi rất nhiều thành phần. Rồi đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn cũng làm cho cây còi cọc, chậm phát triển. Khi cây bị tình trạng như vậy mà bón thêm phân chỉ là vô ích, thậm chí là làm cây chết nhanh hơn", chị Loan chia sẻ kiến thức học được.

Những thí nghiệm đơn giản

Trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án “Đa dạng cây trồng trên nền đất lúa trong điều kiện nhiễm mặn ở ĐBSCL” (Dự án FOCUS) do PGS.TS. Châu Minh Khôi làm chủ nhiệm, nhóm cán bộ đề tài thuộc Khoa Khoa học Đất – Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) và chuyên gia đến từ Úc sẽ tổ chức tập huấn chuyên môn tại các địa phương nơi Dự án đang triển khai thực hiện.

Mục tiêu của lớp tập huấn, nhóm thực hiện Dự án sẽ hướng dẫn và trang bị cho cán bộ nông nghiệp địa phương và nông dân một số kiến thức và kỹ năng liên quan đến cách đánh giá nhanh một số đặc tính gây trở ngại của đất canh tác nông nghiệp.

PGS.TS Châu Minh Khôi hướng dẫn nông dân làm các thí nghiệm đơn giản để phân tích đất, đánh giá nhanh một số đặc tính trở ngại của đất canh tác nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh.

PGS.TS Châu Minh Khôi hướng dẫn nông dân làm các thí nghiệm đơn giản để phân tích đất, đánh giá nhanh một số đặc tính trở ngại của đất canh tác nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh.

PGS.TS Châu Minh Khôi cùng các cộng sự đã trực tiếp hướng dẫn nông dân lấy từng mẫu đất làm thí nghiệm. Khi thả những cục đất vào trong nước, sẽ nổi lên những bọt khí khi đất tan ra. Đó là oxy từ những lỗ hổng từ trong đất thoát ra. Lỗ hổng trong đất có vai trò chứa oxy, nước… giúp rễ cây phát triển tốt. Khi đất bị chai (đất bị nén chặt) thì cây trồng sẽ khó phát triển.

Hướng dẫn nông dân cho mẫu đất vào chai nước ngâm, sau đó lắc cho tan đều, để lắng, TS Susan Orgill, chuyên gia về khoa học đất đến từ Úc phân tích: “Cấu trúc của đất được tạo bởi nhiều thành phần, lớp nặng nhất chìm phía dưới đáy chai là cát, tiếp đến là đất thịt, các chất lơ lửng và nổi trên mặt nước là hữu cơ. Chất hữu cơ có vai trò liên kết đất, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng phát triển”.

Dùng dụng cụ lấy mẫu đất ruộng từ lớp mặt xuống sâu 1m cho nông dân quan sát, sẽ thấy từng lớp đất có màu sắc khác nhau. Thử độ chua (đo độ pH) của đất ở từng vị trí sẽ có kết quả khác nhau do độ mặn trong đất có kết quả khác nhau.

PGS.TS Châu Minh Khôi giải thích: “Đất ở ĐBSCL được hình thành do cát biển, phù sa bồi đắp qua quá trình dài hình thành. Các trầm tích, xác bã động, thực vật, lớp thực bì trên mặt phân hủy, tích tụ qua nhiều năm tạo thành đất, vì vậy các lớp đất sẽ có màu sắc khác nhau”.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.