Năm 2020, khi Trung Quốc, người mua lúa mạch Úc hàng đầu, áp thuế hơn 80% đối với hàng nhập khẩu từ xứ chuột túi trong bối cảnh hai bên cạnh tranh gay gắt, khiến nông dân Úc không khỏi lo lắng.
Nhưng việc chuyển sang trồng cải dầu, kết hợp với điều kiện phát triển lý tưởng và giá hạt cải dầu gần lập mức kỷ lục, đã báo hiệu nông dân Úc trúng cả mùa lẫn giá.
Lyndon Mickel, một nông dân trồng ngũ cốc ở Tây Úc tập trung vào xuất khẩu cho biết: “Khi mất thị trường lớn nhất của mình, cần phải tìm các giải pháp thay thế".
Các nhà phân tích và thương nhân kỳ vọng nông dân Úc sẽ tăng diện tích trồng cải dầu trong những năm tới do nhu cầu thế giới tăng mạnh, đặc biệt nếu sức cạnh tranh của lúa mạch xuất sang Trung Quốc giảm do đang bị đánh thuế quá cao.
“Do giá cao bất thường, người trồng sẽ có xu hướng chuyển sang cải dầu nhiều hơn vào năm tới nếu có thể", James Foulsham, Tổng giám đốc kinh doanh và tiếp thị của AAAX cho biết.
Cải dầu được nghiền để làm dầu, được sử dụng trong các sản phẩm thực phẩm và làm nhiên liệu sinh học cũng như là thức ăn giàu protein để vỗ béo động vật, với khoảng 3/4 xuất khẩu của Úc là sang Liên minh châu Âu.
Nước Úc có vụ thu hoạch cải dầu bội thu đúng vào thời điểm khan hàng. Nguồn cung dầu ăn và giá dầu thô tăng đẩy giá dầu cọ, loại dầu thực vật được sử dụng rộng rãi nhất, lên mức cao kỷ lục trong tuần trước.
Úc được cho là sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thị trường xuất khẩu hạt cải dầu, chiếm gần 1/3 kim ngạch cải dầu thương mại thế giới. Khối lượng thương mại cải dầu thế giới ước tính đạt 14,21 triệu tấn trong năm 2021/22.
Quốc gia này dự kiến sẽ xuất xưởng hơn 4 triệu tấn vào năm 2021/22, tăng so với 3,1 triệu tấn một năm trước đó.
Những chuyến xe tải chở dầu hạt cải đầu tiên trong vụ này đã được gửi đến cảng sớm hơn thường lệ vài tuần nhờ điều kiện trồng trọt ấm và ẩm ướt giúp nâng cao sản lượng, đặc biệt là ở Tây Úc.
Levis MacKenzie, quản lý tại trang trại Viridis Ag’s The Grange ở Tây Úc cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng ưu tiên trồng cải dầu trước vì giá trị của nó".
Ông cho biết trang trại đã trồng bổ sung thêm “vài nghìn héc - ta cải dầu” trong thời gian trồng do giá cao.
Giá dầu hạt cải tăng mạnh, leo lên mức kỷ lục xuất phát từ lý do hạn hán đang ảnh hưởng đến nhà sản xuất hàng đầu là Canada.
Các hợp đồng dầu hạt cải trong tháng 11 tăng hơn 70% trong năm nay, lên tới 900 CAD (khoảng 724 USD)/tấn. Vào đầu năm 2020, mức giá này chỉ dưới 500 CAD.
Một nhà phân tích người Úc nói với Reuters rằng nhu cầu mua cải dầu của Úc quá lớn nên một số nông dân đã bắt đầu bán kỳ hạn vụ mùa năm tới ở mức 800-850 AUD (khoảng 590-627 USD)/tấn, so với mức giá trung bình 500 AUD/tấn.
Dự báo năm nay lúa mì Úc sẽ bội thu, sản lượng thu về sẽ lớn thứ hai từ trước đến nay, đúng thời điểm mà Úc cần, với việc phong tỏa kéo dài ở hai thành phố lớn nhất của đất nước làm gián đoạn quá trình phục hồi kinh tế.
Ngành nông nghiệp của Úc buộc phải đánh giá lại các lựa chọn trồng trọt và xuất khẩu sau khi Trung Quốc áp đặt thuế quan lên tới 80,5% đối với lúa mạch Úc vào năm ngoái. Động thái diễn ra sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus Corona mới làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai bên.
Mickel, một nông dân trồng ngũ cốc ở Tây Úc, cho biết một số nông dân đã chuyển một phần diện tích trồng lúa mạch thông thường sang trồng lúa mì và cải dầu.
Lúa mạch cũng đã được chuyển đến bán ở các thị trường mới như Mexico và nông dân đang thay đổi giống cho phù hợp với các thị trường khác nhau để đối phó với việc Trung Quốc tăng thuế.
Theo nhà phân tích Cheryl Kalisch Gordon, diện tích trồng lúa mạch ở Úc giảm 10-15% vào năm ngoái ngay sau khi thuế quan được công bố, diện tích trồng năm nay cũng có sự giảm sút. Bà nói thêm, hầu hết diện tích trồng lúa mạch giảm này đều được chuyển sang trồng cải dầu do triển vọng giá cả thuận lợi hơn.
Do bị áp thuế quá cao, mức cạnh tranh giá lúa mạch làm thức ăn, loại lúa mạch hay được trồng ở Úc giảm khoảng 25%, so với mức giảm trung bình khoảng 10% trước đây, Kalisch Gordon thông tin.
Tuy nhiên, sản lượng lúa mạch vẫn được dự báo sẽ cao trong mùa này do điều kiện ẩm ướt hơn và chủ yếu là thuận lợi được ghi nhận ở các vành đai ngũ cốc lớn của Úc.
“Việc trồng lúa mạch giảm do lo ngại về nhu cầu nhưng sản lượng sẽ tốt do thời tiết thuận lợi cho canh tác”, Phin Ziebell, một nhà kinh tế kinh doanh nông nghiệp tại Ngân hàng Quốc gia Úc ở Melbourne, phân tích.