Xuất khẩu nông sản tăng mạnh
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 4/4, các báo cáo cho thấy tình hình kinh tế - xã hội quý I khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất tính từ năm 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I tăng 1,92%; các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm.
Theo báo cáo, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực. Cụ thể, năng suất lúa mùa tăng 7,4 tạ/ha, chăn nuôi phục hồi tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I các sản phẩm chính (trâu, bò, lợn, gia cầm) đều tăng. Sản lượng thủy sản quý I tăng 2%; nuôi trồng tăng 5,1%, đặc biệt các sản phẩm chủ lực như tôm thẻ chân trắng, cá tra... được mùa, được giá.
Về chỉ số tăng trưởng, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản trong quý I/2022 tăng trưởng 2,45%, trong đó nông nghiệp tăng 2,35%, lâm nghiệp tăng 3,86% và thủy sản tăng 2,54%. Về xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 22,6 tỷ USD, tăng 6,3% so với quý I/2021. Trong đó xuất khẩu (XK) đạt khoảng 12,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu (NK) ước khoảng 9,8 tỷ USD, giảm 3,5%; xuất siêu khoảng 3,0 tỷ USD, tăng gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như cao su, chè, gạo, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ.
Tính riêng tháng 3, kim ngạch XK ước trên 4,7 tỷ USD, tăng 6,0% so với tháng 3/2021, tăng 47,1% so với tháng 2/2022; trong đó, giá trị XK nhóm nông sản chính khoảng 2,0 tỷ USD, lâm sản chính ước gần 4,3 tỷ USD, thủy sản đạt 900 triệu USD và chăn nuôi đạt 29,9 triệu USD…
Có thể nói, toàn ngành nông nghiệp đã chủ động, tích cực, sáng tạo trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt “mục tiêu kép”.
Trong đó, các lĩnh vực chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai và biến động thị trường, nhờ vậy sản lượng nhiều cây ăn quả và cây công nghiệp chủ lực tăng so với cùng kỳ; chăn nuôi bò, lợn và gia cầm giữ nhịp tăng trưởng, sản lượng nuôi trồng thủy sản và khai thác gỗ tăng mạnh; giảm mạnh diện tích rừng bị thiệt hại.
Giữ vững kinh tế vĩ mô
Chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng mọi biện pháp; bám sát tình hình, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để bảo đảm các cân đối lớn, không để bị động, bất ngờ.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ KH-ĐT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cùng các cơ quan liên quan phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để thực hiện mục tiêu này.
Cùng với đó, phải kiểm soát được dịch bệnh, các Bộ, ngành, địa phương không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, luôn sẵn sàng, chủ động, tiếp tục tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo, kết luận của Trung ương, lãnh đạo chủ chốt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19, thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Nghị quyết 128.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ các Bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn ODA. Việc này trong quý I vừa qua chưa có cải thiện đáng kể.
Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công. Đầu tư công phải dứt khoát không manh mún, chia cắt, dàn trải, kéo dài, làm mất thời gian, tăng thủ tục hành chính, giảm hiệu quả đầu tư. Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí vào cuộc tích cực, mạnh mẽ hơn về nội dung này.