| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp Mỹ liệu có đủ sức vượt qua đại dịch?

Thứ Sáu 10/04/2020 , 06:15 (GMT+7)

Các nhà hàng đã đóng cửa suốt nhiều tuần vì lệnh hạn chế đi lại, nông trại luôn trong tình trạng thiếu lao động, cửa hàng tạp hóa “cháy hàng” bánh mỳ, thịt và trứng.

Nhiều công ty ở bang Wisconsin phải đổ hàng nghìn lít sữa vì virus Corona khiến lực cầu giảm mạnh. Ảnh: Milwaukee Journal Sentinel.

Nhiều công ty ở bang Wisconsin phải đổ hàng nghìn lít sữa vì virus Corona khiến lực cầu giảm mạnh. Ảnh: Milwaukee Journal Sentinel.

Giới chuyên gia nhận định Mỹ chưa phải đối mặt tình trạng khan hiếm nông sản trong tương lai gần nhờ ngành nông nghiệp nước này đủ mạnh, nông dân vẫn canh tác. Do người tiêu dùng Mỹ gần đây thay đổi cách mua và tiêu thụ thực phẩm, những điểm yếu trong chuỗi cung ứng, tình trạng gián đoạn đã xuất hiện, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp sữa phải đổ bỏ hàng nghìn lít sữa.

“Có đủ thực phẩm được sản xuất trên nông trại”, Zippy Duvall, chủ tịch Liên đoàn Nông trại Mỹ (AFBF), nói. “Nhưng có nhiều vấn đề đang xảy ra với thực phẩm trước khi chúng đến tay người tiêu dùng, có thể là khâu chế biến hoặc vận chuyển. Nếu điều này tệ hơn, rắc rối gì sẽ xuất hiện? Chúng tôi không biết”.

Xu hướng mua sắm hoảng loạn và tích trữ của người tiêu dùng khiến các siêu thị hết một số thực phẩm. Dù vậy, các kệ hàng vẫn sớm được lấp đầy, xu hướng trên giảm bớt vì chuỗi cung ứng sẽ điều chỉnh, tủ lạnh của người mua chật chỗ.

Đại dịch Covid-19 có những cách riêng để tác động đến giá thực phẩm và bữa ăn của người dân Mỹ, quốc gia chỉ nhập khẩu 15% tổng cung thực phẩm.

Nhà hàng đóng cửa hàng loạt dẫn đến nhiều mặt hàng xuống giá, khiến các nông trại gặp khó khăn tài chính. Xu hướng mua khó đoán của người tiêu dùng khiến việc vận chuyển bị hoãn hoặc gây lỗ. Covid-19 còn có thể lây nhiễm cho nhiều nông dân, tạo ra nhiều mối lo ngại mới.

Vấn đề thiếu lao động xuất hiện từ trước đại dịch Covid-19 và nguy cơ phức tạp thêm. Người nước ngoài với thị thực lao động, chủ yếu đến từ Mexico, chiếm tới 20% tổng lao động ngành nông nghiệp tại Mỹ, theo AFBF. Số lượng lao động nhóm này trong năm 2019 là khoảng 250.000 người.

Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát hồi tháng 3, Mỹ dừng cấp thị thực di dân và không di dân, làm dấy lên lo ngại ngành nông nghiệp Mỹ mất nguồn cung lao động. Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó nới lỏng yêu cầu đối với lao động ngành nông nghiệp, chủ yếu để giảm thiểu ảnh hưởng đến các nông dân.

“Chúng tôi vẫn thiếu lao động, ngay cả khi con số 250.000 người được đáp ứng”, Duvall trả lời USA Today.

“Lao động luôn là vấn đề đối với người trồng dâu tây”, Carolyn O’Donnell, người phát ngôn Ủy ban Dâu tây California, nói. “Chúng cần được trồng, chăm sóc, thu hoạch và đóng gói hoàn toàn bằng tay”.

Các nông trại ở California cần khoảng 20.000 lao động trong vài tuần tới để thu hoạch quả mọng cho Driscoll’s, nhà cung ứng quả mọng lớn nhất thế giới.

“Sẽ không thể thu hoạch được hết nông sản nếu 15% số này bị ốm”, theo Soren Bjorn, chủ tịch Driscoll’s. Công ty đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và phối hợp với các nông trại liên kết để giảm thiểu rủi ro.

Họ chia người lao động thành từng nhóm 10 người, thay vì 30 người như trước, bố trí khu vực rửa tay. Biện pháp phòng ngừa mỗi nơi mỗi khác. Nhiều lao động không có giấy tờ, nghèo và vẫn đi làm dù bị ốm bởi họ cần tiền.

Dâu tây là loại quả đòi hỏi được thu hoạch và đóng gói bằng tay. Ảnh: Reuters.

Dâu tây là loại quả đòi hỏi được thu hoạch và đóng gói bằng tay. Ảnh: Reuters.

“Hầu hết các công ty chưa áp dụng đủ biện pháp đề phòng cần thiết, như thông báo với người lao động về Covid-19, các bước cơ bản họ cần thực hiện để bảo vệ sức khỏe”, Arcenio Lopez, giám đốc điều hành một tổ chức chuyên hỗ trợ các cộng đồng người di cư bản địa ở vùng Central Coast, California, nói.

Về lý thuyết, kinh tế giảm tốc thường dẫn đến dư cung lao động, đáp ứng cho những nông trại đang thiếu nhân lực nhưng vẫn có những công việc không ai muốn nhận, dù họ có thất nghiệp.

Năm 2018, các bữa ăn bên ngoài chiếm khoảng 54% trong tổng chi tiêu 1.700 tỷ USD cho thực phẩm của người dân Mỹ, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Trong khủng hoảng Covid-19, xu hướng ăn bên ngoài giảm dần, gián tiếp ảnh hưởng đến ngành sữa, tạo ra tình trạng dư bơ ở nông trại, thiếu bánh mỳ ở siêu thị.

Những nông trại chuyên cung cấp đặc sản địa phương, thực phẩm hữu cơ có thể chịu thiệt hại nặng. “Mặt hàng càng cao cấp, lực cầu càng giảm mạnh”, theo Dan Sumner, giám đốc Trung tâm Các vấn đề Nông nghiệp, Đại học California. “Điều đó luôn xảy ra trong thời kỳ suy thoái và có bất ổn”.

Nhu cầu gia tăng đối với một số thực phẩm tại cửa hàng bán lẻ phần nào được bù đắp nhờ nhà hàng không sử dụng. Mặt khác, một số thực phẩm lại không tiêu thụ tốt tại thị trường bán lẻ, John Newton, kinh tế gia trưởng tại AFBF, nhận định.

“Ví dụ điển hình là bơ. Bơ được sử dụng rất nhiều tại các nhà hàng, tiệm bánh so với ở gia đình. Do đó, giá bơ và phô mai giảm mạnh từ khi đại dịch bùng phát”.

Ngành sữa Mỹ đối mặt áp lực ngày càng tăng. Một số doanh nghiệp ở bang Wisconsin phải đổ bỏ hàng nghìn lít sữa sau khi các trường học, nhà hàng đóng cửa, khiến nhu cầu tiêu thụ lao dốc.

Thịt đang là mặt hàng có lực cầu cao nhưng thị trường tương lai của mặt hàng này lại giảm, khiến nông dân lo ngại, Newton cho biết. Điều này dựa trên dự báo nền kinh tế đi xuống sẽ khiến nhiều người mất việc, không đủ thu nhập.

“Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cho thấy chuyện gì có thể xảy ra nếu thu nhập giảm, bất ổn khiến người dân chi tiêu ít hơn và lực cầu suy yếu”, theo báo cáo về Covid-19 của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO).

Các nông trại dần chuyển sang sản xuất thực phẩm người tiêu dùng sẽ mua nhưng điều này còn phụ thuộc vào gói kích thích kinh tế từ chính phủ Mỹ. Một số người dân Mỹ có thể được nhận hỗ trợ 1.200 USD.

Nếu điều đó không đủ để duy trì sức mua của những người lao động mất việc, “họ sẽ chuyển sang tiết kiệm thực phẩm, chọn mặt hàng rẻ hơn, ít lành mạnh hơn, Rob Vos, giám đốc bộ phận thương mại, tổ chức và thị trường của Viện Nghiên cứu Chính sách Thực phẩm Quốc tế, cảnh báo.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất