Với tham luận “Nông sản Việt - Nhìn từ góc độ thương mại hóa”, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng: “Thị trường đang thay đổi nhanh. Cập nhật thông tin và kiến thức thị trường cho nông dân và doanh nghiệp là chuyện cần làm thật thiết thực.
Thay đổi lớn nhất với thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn đến từ thị trường Trung Quốc. Mặc định của nhiều nhà sản xuất kinh doanh nông sản về thị trường Trung Quốc đã bị lạc hậu.
Ví dụ, luôn cho Trung Quốc là thị trường dễ tính, chất lượng nào cũng tiêu thụ được. Điều này đã thay đổi rồi. Cánh cửa tiểu ngạch đang hẹp dần và không bao giờ phục hồi như trước nữa. Với thị trường Trung Quốc, bây giờ phải có tiêu chuẩn, phải truy xuất được nguồn gốc, phải có hai thứ mã là mã vùng trồng và mã xưởng đóng gói”.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 6/2020, nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD, như cà phê, gạo, rau quả, tôm, cá tra…
Xuất khẩu không những kích thích tăng trưởng kinh tế, gia tăng thu nhập quốc dân mà còn giúp giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động trong nước.
Năm 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD.
Đến hết tháng 5/2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 15,49 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Lý do khách quan, là ngay từ đầu năm, xuất khẩu nông sản của nước ta bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19 lan rộng tại các nước tiêu thụ nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam, như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, châu Âu. Nhiều đơn hàng đã bị hủy hoặc chậm giao hàng, tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại của các doanh nghiệp nông sản Việt Nam.
Mặt khác, về chủ quan, bên cạnh kết quả đạt được trong thời gian qua, thì mặt hàng nông, thuỷ sản Việt Nam đang còn tồn tại một số vấn đề như chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, xuất khẩu tiểu ngạch còn nhiều; kim ngạch xuất khẩu vào thị trường cao cấp còn ít; quy trình nuôi trồng, thu hoạch chưa đạt chuẩn…
Cũng tại tòa đàm “Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam” vừa tổ chức tại TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến đánh giá có 4 nút thắt về xuất khẩu nông, thuỷ sản hiện nay.
Thứ nhất là vốn tín dụng. Thứ hai là áp lực chi phí sản xuất, thuế, phí. Thứ ba là hệ thống logistic kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế. Thứ tư là tình hình giao thương, thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu biên giới Việt - Trung.
Đồng thời, ông Nguyễn Quốc Toản cũng nêu hàng loạt giải pháp đã được Bộ NN-PTTN triển khai trong thời gian vừa qua nhằm đối phó với tác động của dịch Covid-19 cũng như những diễn biến bất thường của thời tiết, dịch bệnh, hướng tới đạt mục tiêu xuất khẩu nông sản, mở cửa và phát triển thị trường, đáp ứng cho sự phát triển không chỉ trước mắt mà có ý nghĩa quan trọng cho lâu dài.
Đáng chú ý, Bộ NN-PTNT đã tập trung mạnh mẽ vào công tác đàm phán kỹ thuật thúc đẩy mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc trong thương mại nông sản, góp phần tăng trưởng xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản trên thị trường quốc tế.