| Hotline: 0983.970.780

Nông sản, thực phẩm Việt ngày càng được nhiều quốc gia đón nhận

Thứ Tư 19/10/2022 , 18:50 (GMT+7)

Có được kết quả này là do doanh nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm Việt ngày càng đáp ứng tốt các tiêu chuẩn, chất lượng tại nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

Vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang được Vina T&T đưa vào hệ thống Central World, Central Chidlom thuộc Tập đoàn Central Group tại Thái Lan vào cuối tháng 6 vừa qua. Ảnh: Đ.T.

Vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang được Vina T&T đưa vào hệ thống Central World, Central Chidlom thuộc Tập đoàn Central Group tại Thái Lan vào cuối tháng 6 vừa qua. Ảnh: Đ.T.

Đẩy mạnh thương mại hóa nông sản và thực phẩm

Trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TP.HCM 2022 (HCMC FOODEX 2022), Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh thương mại hóa nông sảnthực phẩm trong bối cảnh hậu đại dịch và suy giảm kinh tế toàn cầu”.

Hội thảo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin mới nhất về các tiêu chuẩn quốc tế an toàn thực phẩm, xu hướng tiêu dùng thực phẩm an toàn của các tập đoàn bán lẻ, nhà phân phối lớn hay rộng hơn là các thị trường xuất khẩu tiềm năng trên thế giới.

Theo ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC, hàng Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị lớn thuộc các hệ thống phân phối hiện đại ở nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển khá tốt phương thức xuất khẩu hàng hóa thông qua các siêu thị lớn đang đầu tư tại Việt Nam. Giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua hệ thống phân phối hiện đại đang hiện diện tại Việt Nam tăng dần qua các năm.

Chủng loại mặt hàng của sản phẩm Việt Nam đã có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng, hàng hóa được trưng bày có sự đa dạng về chủng loại và mẫu mã, với rất nhiều loại mặt hàng như nông sản, trái cây tươi (dừa, thanh long, chuối, vải…), hàng thực phẩm chế biến (mì, phở ăn liền, gia vị, đồ uống…)…

Bài liên quan

Hàng Việt Nam được người tiêu dùng của nhiều quốc gia ngày càng quan tâm và đón nhận. Trong đó, hàng nông, thủy sản chủ yếu là mặt hàng quả tươi như thanh long, xoài, chuối, vải, khoai lang, ớt chuông, củ dền,.. và thủy sản như cá tra đông lạnh, mực,...

Hiện nay, đại diện các tập đoàn phân phối lớn trên thế giới đang có mặt ở Việt Nam như Walmart, Central Group, Aeon, Lotte, Decathlon,… sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu những sản phẩm gốc Việt vào hệ thống phân phối của họ với những tiêu chuẩn tuyển chọn hàng hóa khắt khe về chất lượng, số lượng, giá cả, phản ứng của người tiêu dùng…

Ông Lữ cho rằng, bên cạnh xuất khẩu hàng hóa qua kênh phân phối hiện đại, các sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt đã có mặt tại nhiều nước của các khu vực thị trường thế giới. Điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Pháp, Anh, Mỹ... và một số thị trường các quốc gia châu Phi.

Thống kê của Bộ NN-PTNT, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản trong 9 tháng đạt khoảng 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo đánh giá mới đây được đưa ra của Tổ chức Nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc, trong giai đoạn 2021-2026, ngành lương thực thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm lên đến 8,65%.

Đây là dự báo khả quan cho sự phát triển của ngành lương thực thực phẩm trong bối cảnh còn chịu nhiều tác động của dịch bệnh, giá cả nguyên phụ liệu tăng cao. Dù xuất khẩu sang các thị trường khá cao, song yêu cầu đặt ra là doanh nghiệp phải thay đổi để sản phẩm ngày càng chất lượng cao.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản, thực phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại HCMC FOODEX 2022. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm nông sản, thực phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại HCMC FOODEX 2022. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chuẩn hóa để vươn xa

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao khẳng định, trong bối cảnh khá khó khăn hiện nay như ảnh hưởng của đại dịch, bất ổn thế giới cùng với lạm phát các nước tăng cao nên đòi hỏi chính doanh nghiệp cũng phải luôn thay đổi. Cơ hội sản xuất kinh doanh rất nhiều, phần còn lại thuộc về doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải nỗ lực đưa hàng hóa vươn xa hơn vào thị trường các nước.

Là một trong những doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong xuất khẩu trái cây, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group cho biết, muốn xuất khẩu đi các quốc gia khó tính đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu và tuân thủ luật định của các nước.

Ví dụ như, đối với thị trường Mỹ, đòi hỏi phải có mã số vùng trồng do Bộ Nông Nghiệp Mỹ cấp và cần có mã số đơn vị đóng gói sản phẩm được Mỹ đánh giá. Đồng thời, nhập khẩu thông qua hình thức các lô hàng thương mại, phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; hàng hóa cần thông qua đơn vị kiểm định của 2 nước.

Đối với thị trường châu Âu, đòi hỏi phải có chứng nhận GlobalG.A.P., chứng nhận môi trường SMETA, ISO hay HACCP... Đặc biệt, đối với vấn đề tồn dư bảo vệ thực vật cấm, có những chất ở Nhật Bản, Mỹ, Úc không cấm nhưng châu Âu lại cấm.

Ông Tùng đặc biệt lưu ý, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu trái cây cần phải đảm bảo kiểm soát chất lượng hàng hóa cũng như đầu tư về công nghệ bảo quản và nâng cao tính cạnh tranh.

"Trái cây tươi cần phải thu hoạch, xử lý, vận chuyển từ trang trại tới nhà máy trong thời gian ngắn nhất để bảo đảm chất lượng. Lưu ý là các khâu trong quy trình phải khớp với các mốc thời gian.

Công nghệ bảo quản phải theo tiêu chuẩn HACCP, đảm bảo kiểm soát được các mối nguy trong vấn đề sơ chế, đóng gói, bảo quản, xuất khẩu. Mặt khác, vùng trồng cần phải kiểm soát về bảo vệ thực vật cấm và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalG.A.P. Ngoài ra, nhà máy đóng gói phải đạt chuẩn HACCP, ISO 9001, SMETA... Các doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường trên phải hết sức lưu ý", ông Tùng khuyến nghị.

Chủ tịch HĐQT Vina T&T Group cũng cho rằng, hiện nay các hộ nông dân, HTX sản xuất khối lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp nhưng lại không có đầu ra ổn định, giá trị sản phẩm không cao. Còn các doanh nghiệp, nhà phân phối lại không biết mua sản phẩm ở đâu đảm bảo được chất lượng và số lượng. Trong khi đó, thị trường thì càng ngày càng có yêu cầu cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... 

"Giải pháp quan trọng để giải quyết các vấn đề trên là hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp - HTX là con đường tất yếu đưa lại sự sản xuất và tiêu thụ ổn định, từng bước nâng cao chất lượng, uy tín của các mặt hàng nông sản cả trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu", ông Tùng nói.

Theo bà Mai Thị Hồng, Điều phối viên Hiệp hội hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan - Việt Nam, các thị trường nhập khẩu hiện nay đòi hỏi không chỉ về chất lượng nông sản, thực phẩm mà còn đòi hỏi chứng chỉ chất lượng riêng. Doanh nghiệp sau khi lấy được tất cả các chứng chỉ, đồng nghĩa với việc phải kiện toàn sản xuất, bao bì, nhãn mác, minh bạch nguyên liệu thô...

Theo bà Hồng, có rất nhiều yêu cầu buộc doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ khi xuất khẩu. Đơn cử, doanh nghiệp phải đặt mình vào vị trí của người mua, xem người mua cần gì, mua thì được lợi gì, khác gì sản phẩm khác. Ngoài độ bắt mắt, khơi gợi tò mò, khách có thể mua lần đầu, nhưng để bền vững và lâu dài, cần chất lượng, tính tăng và tác dụng của sản phẩm.

Mặt khác, doanh nghiệp phải xem năng lực của mình đến đâu vì xuất khẩu thì đường rất xa và chi phí nhiều, vì vậy phải tìm hiểu kỹ thị trường.

Bà Mai Thị Hồng thông tin thêm, một phần tư nhập khẩu của châu Âu từ các nước đang phát triển là trái cây đóng hộp. Tiếp theo là măng tây đóng hộp và nhiều loại rau khác (mỗi loại 10%), dứa (9%), ô liu (7%), cà chua (6%), đậu (5%)... Trong đó, Trung Quốc là quốc gia lớn nhất trong nhóm này, tiếp đến là Peru và Ấn Độ.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất