Hỗ trợ tiêu thụ nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Sở NN-PTNT cùng các đơn vị liên quan đã lên danh sách các danh mục sản phẩm nông sản ưu tiên được hỗ trợ tiêu thụ. Trong đó, lên danh mục ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ 79 sản phẩm nông sản đạt 3, 4 sao OCOP của các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Một trong những ưu điểm của nông sản đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn đó là dễ nhận được sự hợp tác của các đối tác lớn, các bạn hàng khó tính. Bởi vậy, tỉnh Tuyên Quang đã và đang khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất nông sản tốt.
Theo đó, đã có 26 HTX trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thực hiện ký kết kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân. Ông Nguyễn Đình Tâm, HTX Nông sản an toàn Hương Tâm cho biết, hiện nay đời sống người dân cao hơn nên nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn, có nguồn gốc cũng tăng lên. HTX cũng đồng hành cùng nông dân tiêu thụ nông sản, tuy nhiên chỉ ưu tiên những diện tích làm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và đạt sao OCOP bởi đây là những sản phẩm mà đối tượng khách hàng của HTX hướng tới.
Bên cạnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản tốt, HTX Hương Tâm cũng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, cách xây dựng hình ảnh, thương hiệu, mẫu mã, bao bì... với các HTX khác và nông dân để nâng tầm thương hiệu nông sản xứ Tuyên.
Ông Nguyễn Bảo Anh, thành viên Hợp tác xã Nông sản sạch Minh Khương, huyện Hàm Yên cho biết, gia đình anh trồng hơn 1,5 ha cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Được hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, những người làm nông sản tốt như anh thấy được chia sẻ phần nào gánh nặng về áp lực tiêu thụ cũng như công sức bỏ ra.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo các chuỗi cũng ứng không bị đứt gãy, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của nông dân, Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức làm việc với Tập đoàn Masan nhằm kết nối tiêu thụ nông sản được sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ trên địa bàn; kết nối thành công với Hội Cam sành huyện Hàm Yên ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cam sành năm 2021 với Bưu điện tỉnh Tuyên Quang, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại thực phẩm Nutifood với sản lượng tiêu thụ dự kiến là 16.000 tấn.
Ông Hoàng Anh Cương, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, thích ứng với giai đoạn bình thường mới, cùng với hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, Sở đã phối hợp với các ngành và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh mặt hàng thiết yếu tăng cường biện pháp đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu, bình ổn thị trường trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp; theo dõi diễn biến thị trường và tổng hợp giá cả hàng hóa thiết yếu trước tình hình Covid-19 gửi Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương).
Cuối tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Masan tiếp nhận đơn hàng đầu tiên theo hợp đồng cung cấp sản phẩm cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với Hội Cam sành Hàm Yên. Lượng tiêu thụ đầu tiên của tập đoàn là 4 tấn cam sành của Hợp tác xã Nông sản sạch Minh Khương.
Đây là tín hiệu mừng cho nỗ lực kết nối tiêu thụ nông sản của chính quyền tỉnh Tuyên Quang, đồng thời cho thấy ưu thế của làm nông nghiệp tốt sẽ có cơ hội để gặp được các đối tác lớn, vươn tới thị trường lớn với sức tiêu thụ ổn định và giá trị kinh tế cao.
Từ nay đến cuối năm, tỉnh Tuyên Quang vào vụ thu hoạch rộ cam sành, bưởi Diễn..., bởi vậy việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản sẽ giúp đón đầu được mùa vụ, hạn chế tối đa việc bị hẫng thị trường khiến nông sản mất giá và đẩy nông dân vào tình trạng lao đao trong mùa thu hoạch, nhất là những người làm nông sản tốt, bởi vốn và công sức bỏ ra đầu tư cao hơn so với làm nông sản thông thường.