| Hotline: 0983.970.780

Nông sản Việt trong vòng xoáy chiến tranh thương mại: Những mặt hàng hưởng lợi

Thứ Năm 15/08/2019 , 11:10 (GMT+7)

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng, mà mới nhất là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế 10% với 300 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong suốt hơn 1 năm qua đã ảnh hưởng gì tới nông sản chủ lực Việt Nam?

Đến thời điểm này, đã có một số mặt hàng nông sản của Việt Nam được hưởng lợi, nhất là gỗ và sản phẩm gỗ (gọi chung là đồ gỗ).
 

Nhất đồ gỗ

Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ đạt 2,249 tỷ USD, tăng tới 32,24% so với cùng kỳ 2018. Đây là mức tăng trưởng rất cao bởi trong cả năm 2018, giá trị xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ tuy tăng trưởng tốt (tăng 19,3% so với năm 2017) nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của 6 tháng đầu năm nay.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.

Điều đáng chú ý là trong khi xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang Mỹ tăng rất mạnh, thì xuất khẩu đồ gỗ Trung Quốc sang thị trường này lại giảm khá nhiều. 

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Trung Quốc sang Mỹ chỉ đạt 2,983 tỷ USD, giảm tới 14,1% so với cùng kỳ 2018. Do xuất khẩu đồ nội thất sang Mỹ giảm mạnh, nên đồ nội thất Trung Quốc từ chỗ chiếm tới 45,2% trong tổng giá trị nhập khẩu nội thất của Mỹ, đã giảm xuống còn 38,8% trong 5 tháng đầu năm nay.

Trong khi đó, cũng trong thời gian trên, nhập khẩu đồ nội thất từ Việt Nam vào Mỹ đạt 1,954 tỷ USD, tăng tới 29%. Nhờ vậy, đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh thị phần trong tổng giá trị đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu của Mỹ từ 19,7% lên 25,4%.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tác động tiêu cực tới các công ty sản xuất nội thất của Trung Quốc. Theo Bộ Công thương, các công ty sản xuất nội thất Trung Quốc là bộ phận chịu tác động lớn nhất của chính sách thuế do Mỹ áp dụng đối với gói hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc.

Đánh giá của Ngân hàng China International Capital Corp (CICC) cho thấy, mức thuế đó sẽ tương đương khoảng 34,2% lợi nhuận năm 2018 của ngành này. Năm 2018, ngành nội thất Trung Quốc có giá trị sản xuất đạt 701 tỷ NDT, tăng 4,3% so với năm 2017. Xuất khẩu đồ nội thất sang Mỹ chiếm khoảng 10% sản lượng nội thất của Trung Quốc, tương đương khoảng 70 tỷ NDT.

Điều đáng chú ý là cũng trong 5 tháng đầu năm nay, thị phần của các nước xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ khác trong tổng giá trị nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ không thay đổi hoặc thay đổi không đáng kể: Canada vẫn giữ nguyên 7,6%; Mexico tăng từ 5,2 lên 5,4%; Malaysia tăng từ 4 lên 4,5%; Indonesia tăng từ 3,6 lên 3,7%; Ý và Ấn Độ giữ nguyên 3,6% và 1,6%...

Như vậy, việc tăng trưởng mạnh của xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam sang Mỹ, và tăng mạnh về tỷ trọng trong giá trị đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu vào Mỹ, rõ ràng có vai trò rất lớn của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Bởi những số liệu như trên đã cho thấy khi giảm mạnh nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Trung Quốc, Mỹ hầu như đã không tăng nhập khẩu từ các nguồn cung cấp khác, ngoại trừ Việt Nam. Hay có thể nói thị phần đã mất đi của đồ gỗ Trung Quốc tại thị trường Mỹ, đã thuộc về đồ gỗ đến từ Việt Nam.

Ngoài ra, cũng do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam đang có cơ hội tốt hơn để nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ với giá dễ chịu hơn.

Việt Nam đang có cơ hội tốt hơn để nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ với giá dễ chịu hơn (Ảnh minh họa).

Để đáp trả, Trung Quốc cũng áp thuế ở mức cao với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có gỗ nguyên liệu. Điều này đã khiến cho một lượng không nhỏ gỗ nguyên liệu của Mỹ bị ứ đọng vì bị giảm mạnh nhập khẩu vào Trung Quốc.

Chẳng hạn, gỗ sồi đỏ của Mỹ trước đây phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, vốn từng chiếm hơn 80% lượng gỗ sồi đỏ khai thác của Mỹ.
 

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy rõ sự tăng trưởng về nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ. Trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Qua đó, Mỹ tiếp tục là thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) đánh giá, tuy ngành sản xuất đồ gỗ ở Mỹ gần như không còn nhưng người Mỹ rất hiểu và thường sử dụng gỗ của họ, chính vì vậy, đồ gỗ Việt Nam được sản xuất từ gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn trên thị trường này.

Lợi thế cho thủy sản

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng rất mạnh với mức tăng tới 61% so với cùng kỳ 2018 và đạt 159 triệu USD. Mỹ là thị trường lớn nhất của cá ngừ Việt Nam.

Do đó, mức tăng trưởng mạnh nói trên đã tác động rất tích cực tới tăng trưởng xuất khẩu chung của cá ngừ. Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ đi tất cả các thị trường đạt hơn 366 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp cho cá ngừ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng mạnh là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Bắt đầu từ ngày 10/5, Mỹ đã áp mức thuế mới 25% với cá ngừ nhập khẩu từ Trung Quốc, thay cho mức 10% trước đây.

Trung Quốc vốn là nước cung cấp cá ngừ lớn nhất cho thị trường Mỹ. Vì thế, sau khi cá ngừ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ bị nâng thuế, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã buộc phải đi tìm nguồn cung thay thế từ các nước như châu Á khác như Việt Nam, Thái Lan …

Cũng theo VASEP, tôm bao bột là mặt hàng đang hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm bao bột sang Mỹ đạt 4.281 tấn, trị giá 30,9 triệu USD, tăng 53% về khối lượng và 48% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu tôm bao bột của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh có phần không nhỏ do tôm bao bột từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đã bị tăng thuế lên 25%.

Điều này khiến cho giá trị xuất khẩu tôm bao bột Trung Quốc sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm nay chỉ đạt 6.839 tấn, trị giá 38,3 triệu USD, giảm 33% về khối lượng và 36% về giá trị so với cùng kỳ 2018.

Tôm bao bột là mặt hàng đang hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (Ảnh minh họa).

Hiện Việt Nam đang cùng với Trung Quốc và Thái Lan là 3 nước xuất khẩu tôm bao bột lớn nhất sang Mỹ. So với tôm bao bột Trung Quốc, tôm bao bột Việt Nam đang có lợi thế lớn về thuế. Còn so với tôm bao bột Thái Lan, tôm bao bột Việt Nam lại cạnh tranh hơn về giá.

Từ cuối năm ngoái, hàng loạt nhà xuất khẩu gỗ nguyên liệu của Mỹ đã tích cực tìm tới Việt Nam chào hàng, với những mức giá hấp dẫn nhằm giải phóng hàng tồn. Khá nhiều hội thảo giới thiệu về gỗ nguyên liệu của Mỹ, các buổi gặp gỡ giữa những nhà cung cấp gỗ xẻ Mỹ với các nhà chế biến đồ gỗ Việt Nam… đã diễn ra từ cuối năm 2018 đến thời điểm này ở TP.HCM. Theo nhận định của ông Brain Brookshire, CEO của Missouri Forest Products Association, Việt Nam là nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á, thứ 2 châu Á, thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu các sản phẩm gỗ. Do đó, Việt Nam là điểm đến thích hợp cho ngành lâm nghiệp của Mỹ.

Xem thêm
Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Thương hiệu quốc gia Việt Nam 'Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh'

Tối 4/11, tại Hà Nội diễn ra Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề ‘Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh’.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...