| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn Bình Định chuyển biến mạnh mẽ từ lượng đến chất

Thứ Ba 01/03/2022 , 08:34 (GMT+7)

Bình Định xây dựng nông thôn mới (NTM) với mục tiêu nâng cao đời sống người dân, nhờ đó diện mạo nông thôn tỉnh này đã có chuyển biến mạnh mẽ từ lượng đến chất.

Những kết quả khả quan

Sau hơn 10 năm thực hiện xây dựng NTM, đến nay toàn tỉnh Bình Định đã có 4 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ NTM, đó là thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và huyện Tuy Phước.

Riêng huyện Phù Cát đang hoàn thiện hồ sơ, dự kiến trình Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định hồ sơ, đánh giá kết quả xây dựng NTM và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận huyện đạt chuẩn năm 2021.

Trong 113 xã xây dựng NTM ở Bình Định có 81 xã đã được công nhận đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 71,68% và 2 xã đã đạt 19 tiêu chí, hoàn thành hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM năm 2021. Bên cạnh đó, Bình Định còn có 5 xã đạt 15-18 tiêu chí, 19 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 6 xã đạt từ 5-9 tiêu chí.

Hạ tầng giao thông các huyện miền núi ở Bình Định hoàn thiện trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: V.Đ.T.

Hạ tầng giao thông các huyện miền núi ở Bình Định hoàn thiện trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: V.Đ.T.

Bên cạnh đó, đến nay tỉnh Bình Định có 7 xã đạt 13/13 tiêu chí theo bộ tiêu chí, chỉ tiêu xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong đó, xã Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn), xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn) và xã Nhơn Phong (thị xã An Nhơn) đã được đoàn thẩm định cấp tỉnh tổ chức thẩm định, hiện các xã nói trên đang bổ sung các số liệu theo đề nghị của đoàn thẩm định hoàn thiện hồ sơ trình Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM tỉnh xem xét công nhận.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong thời gian tới, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Bình Định sẽ hoàn thiện hồ sơ, trình Hội đồng thẩm định Trung ương tổ chức họp thẩm định hồ sơ và đánh giá kết quả xây dựng NTM; đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận huyện Phù Cát đạt chuẩn năm 2021. Đồng thời tổng hợp hồ sơ, trình UBND tỉnh Bình Định họp bỏ phiếu đề nghị xét, công nhận 2 xã Mỹ Thành và Mỹ An (huyện Phù Mỹ) đạt chuẩn NTM năm 2021 và 7 xã gồm: Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn), Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn) và Nhơn Phong (thị xã An Nhơn); Cát Hưng, Cát Minh (huyện Phù Cát), Tây Phú (huyện Tây Sơn) và Ân Tín (huyện Hoài Ân) đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021.

Chất lượng giáo dục tại các huyện miền núi Bình Định ngày càng được nâng cao. Ảnh: V.Đ.T.

Chất lượng giáo dục tại các huyện miền núi Bình Định ngày càng được nâng cao. Ảnh: V.Đ.T.

Nông thôn chuyển biến từ diện mạo đến đời sống người dân

Bình Định đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở và đạt được nhưng kết quả to lớn, toàn diện.

Toàn tỉnh hiện có 100% đường trục xã, liên xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa, với tổng chiều dài 1.505 km; đường trục thôn, xóm được bê tông đạt 96,3%, với tổng chiều dài 2.208 km; đường ngõ, xóm bê tông và cứng hóa không lầy lội đạt 93,9%, với tổng chiều dài 2.320 km.

Hệ thống lưới điện trung ấp, hạ áp đã được đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo cung cấp điện an toàn và ổn định cho người dân khu vực nông thôn. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế khu vực nông thôn đạt 94,7%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng khu vực nông thôn giảm còn dưới 9,7%%.

Toàn tỉnh Bình Định hiện có 250 điểm phục vụ bưu chính; có 102/159 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 257 khu sinh hoạt văn hóa, thể thao cấp xã; 140 xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng lồng ghép một số hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Diện mạo nông thôn ở Bình Định giờ đây rất khang trang, hiện đại; nhiều công trình hạ tầng nông thôn đã được xây mới, nâng cấp đảm bảo đạt chuẩn; đời sống tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh trật tự xã hội được giữ vững, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội.

Toàn tỉnh Bình Định hiện có 100% đường trục xã, liên xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa. Ảnh: V.Đ.T.

Toàn tỉnh Bình Định hiện có 100% đường trục xã, liên xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Trần Văn Phúc, trong thời gian tới, gắn với xây dựng nông thôn mới, Bình Định tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức phát triển sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị bền vững, gắn với sản xuất hàng hóa quy mô lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực. Trong đó, sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phù hợp điều kiện sản xuất an toàn, có thị trường tiêu thụ ổn định nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, kết hợp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại gắn với xây dựng NTM.

“Chúng tôi không ngừng khuyến khích các địa phương áp dụng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế, xây dựng và phát huy liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững”, ông Phúc chia sẻ.

Ông Đào Văn Hùng, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Bình Định cho biết, trong năm 2021, UBND tỉnh Bình Định đã công nhận 53 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 1 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao, 5 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 47 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Tính đến nay Bình Định đã có 133 sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt công nhận sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 6 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao, 14 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 113 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Một số sản phẩm OCOP nổi bật được công nhận là các loại rượu bàu đá, rượu đậu xanh, rượu nếp của Công ty TNHH BIDIR Hoàng Long; tinh dầu sả nguyên chất của HTXNN Nông công thương An Nhơn; nước mắm Bếp Xưa của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Hưng Thịnh Đạt; tương ớt Tiến Phát của cơ sở nước chấm Trung Hưng Nguyên…

Trong thời gian tới, gắn với xây dựng nông thôn mới, Bình Định tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ảnh: V.Đ.T.

Trong thời gian tới, gắn với xây dựng nông thôn mới, Bình Định tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Đào Văn Hùng, mặc dù triển khai trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, nhưng chương trình OCOP của Bình Định đã đạt được nhiều kết quả tích cực; tạo ra những chuyển biến mới, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và thực hiện chương trình xây dựng NTM.

“Chúng tôi đang phối hợp hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai chu trình OCOP đến các xã, phường, thị trấn, cơ sở sản xuất để đăng ký ý tưởng sản phẩm tham gia; hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022. Đồng thời phối hợp, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chương trình xây dựng NTM và chương trình OCOP năm 2022 và giai đoạn 2022-2025”, ông Trần Văn Phúc chia sẻ.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.