Làm nông nghiệp giúp tăng thu nhập
Tưởng rằng làm nông nghiệp dù quanh năm lam lũ cũng chỉ đủ ăn, nhưng tại một số vùng chuyên canh nông nghiệp ở Na Hang, người dân làm nông nghiệp sạch không chỉ đủ ăn mà còn cho thu nhập khá.
Năm 2019, quả lê xã Hồng Thái đã được cấp tem truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng yên tâm với sản phẩm. |
Na Hang là địa phương có diện tích chè đặc sản lớn nhất tỉnh Tuyên Quang. Toàn huyện có hơn 1.290 ha chè đặc sản, trong đó chè Shan tuyết 1.260 ha, chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên 30 ha theo chuẩn VietGAP.
Nâng cao hiệu quả kinh tế cây chè và xây dựng thương hiệu cho vùng chè đặc sản, huyện đã quy hoạch vùng nguyên liệu chè trên trên 500 ha. Đến nay sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Hiện nay thu nhập từ trồng chè của người dân đạt bình quân 26 triệu đồng/ha.
Gia đình ông Lý Văn Đềnh, dân tộc Mông, thôn Khuổi Phầy xã Hồng Thái trồng hơn 3 ha chè giống Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên từ năm 2014. Vườn chè nhà ông mới trồng được 2 năm đã bắt đầu cho thu hoạch. Vụ đầu tiên bán chè tươi, gia đình ông thu lãi 10 triệu đồng. Hiện nay trung bình mỗi năm ông thu cả trăm triệu đồng từ chè đặc sản.
Thúc đẩy nông nghiệp phát triển, năm 2016, huyện Na Hang đã triển khai thực hiện Đề án phát triên sản xuất một số cây trồng hàng hóa (Lúa nếp đặc sản, đậu tương, đậu xanh, rau) huyện Na Hang giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó huyện sẽ tiến hỗ trợ giống, kỹ thuật để các xã tổ chức triển khai thực hiện.
Đến nay, huyện duy trì ổn định diện tích lúa nếp đặc sản là 40 ha, tại 3 xã Côn Lôn, Yên Hoa và Thượng Nông; 300 ha đậu tương và 70 ha đậu xanh trên địa bàn 8 xã; 20 ha cây rau các loại tại xã Hồng Thái.
Với lợi thế hơn 8.000 ha diện tích lòng hồ, Na Hang phát triển thế mạnh thủy sản. Nhiều loài đặc sản như Lăng, Chiên, Bỗng đã nuôi thành công ở địa phương này. Theo Phòng NN-PTNT huyện Na Hang, hiện nay, toàn huyện có 98 hộ nuôi cá lồng với 889 lồng nuôi, sản lượng ước đạt 648,1 tấn với tổng giá trị ước đạt 32 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 1.300 người...
Nghề nuôi cá lồng tập trung nhiều nhất tại xã Đà Vị, Yên Hoa và thị trấn Na Hang. Nuôi cá đã và đang góp phần không nhỏ vào việc tăng thu nhập của người dân địa phương.
Ông Hà Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Đà Vị cho biết, xã hiện có 13 hộ nuôi cá lồng với 93 lồng nuôi. Các hộ gia đình nuôi cá thường làm lồng có kích thước từ 6-8 m3, mỗi m3 lồng cho thu từ 25 - 30 kg cá/năm.
Nuôi cá trên Hồ sinh thái Na Hang giúp nhiều hộ dân có thu nhập khá. |
Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa đã giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo hiệu quả. Theo thống kê của UBND huyện Na Hang, đến nay thu nhập bình quân của huyện đạt 24 triệu đồng/người/năm, tăng 3,2 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 54,46% năm 2011, xuống còn 29,9% (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Những làng quê khởi sắc
Năm 2009, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện Na Hang chưa có xã nào đạt 10 tiêu chí về nông thôn mới. Nhiều vùng quê muốn đến họp thôn với bà con, cán bộ xã phải dậy từ khi trời chưa tảng sáng mới kịp giờ. Nhưng hôm nay, đường bê tông đã đến tận thôn, xóm. Có đường, kinh tế cũng thêm khởi sắc.
Trong 10 năm triển khai, huyện đã huy động được hơn 1.188,9 tỷ đồng, thực hiện các chương trình, dự án xây dựng, xã hội cũng như hỗ trợ sản xuất. Kết quả, toàn huyện đã thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và bê tông hóa trên 399,1 km đường các loại.
Từ các phong trào thi đua, người dân Na Hang đã nhận thức được nghĩa vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới. Qua đó, họ tích cực đóng góp ngày công lao động, tiền, của, vật chất tham gia xây dựng nông thôn mới.
Nhiều tấm gương đã được cộng đồng và chính quyền ghi nhận. Đó là ông Hoàng Văn Tuấn, thôn Nà Chang, xã Năng Khả hiến trên 538 m2 đất làm đường giao thông; ông Nông Văn Huấn, thôn Khâu Tinh, xã Khâu Tinh hiến 300 m2 đất làm đường; ông Hoàng Văn Thống, thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái hiến 600 m2 đất làm nhà văn hóa thôn...
Một góc thị trấn Na Hang hôm nay. |
Đến nay, toàn huyện Na Hang đã có xã Năng Khả, Côn Lôn, Thanh Tương về đích nông thôn mới. Dự kiến năm 2020 có thêm xã Hồng Thái hoàn thành đạt chuẩn.
Đến xã Côn Lôn hôm nay, hiện hữu rõ làng quê đang “thay da đổi thịt”. Các tuyến đường giờ đây đã nhựa hóa, bê tông hóa phẳng phiu, những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên ngày một nhiều hơn. Đáng phấn khởi hơn vẫn là đời sống vật chất, tinh thần của người dân được quan tâm và ngày càng nâng cao.
Năm 2011, khi bắt đầu triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, Côn Lôn là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo nằm trong nhóm những xã có tỷ lệ cao nhất của huyện Nà Hang và đạt được 1 tiêu chí. Khi ấy, chuyện làm nông thôn mới thực sự là thách thức lớn với chính quyền địa phương. Năm 2016, Côn Lôn là xã thứ 2 của huyện Na Hang đạt chuẩn nông thôn mới.
Chủ tịch UBND xã Côn Lôn Nguyễn Xuân Bạch phấn khởi chia sẻ, thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp Côn Lôn xây dựng được 13,2 km đường bê tông nông thôn; kiên cố được 1,1 km đường nội đồng; đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát; 100% các thôn có nhà văn hóa.. đời sống của người dân ngày thêm ấm no.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương cùng nỗ lực và khát vọng vươn lên đuổi đói nghèo, lạc hậu của người dân đã giúp Na Hang ngày thêm phát triển. Các vùng quê đang rộn rã với biết bao điều đổi thay mới mẻ trước thềm xuân mới.