| Hotline: 0983.970.780

Nụ cười trên những cánh đồng vùng cao

Thứ Sáu 03/11/2023 , 14:20 (GMT+7)

Hà Giang Không chỉ giảm được sức lao động, những người nông dân tại huyện Quản Bạ và Quang Bình còn năng động nâng cao thu nhập, đảm bảo kinh tế gia đình.

Bà con nông dân thôn Tân An thu hoạch lạc vụ đầu tiên. Ảnh: CARE.

Bà con nông dân thôn Tân An thu hoạch lạc vụ đầu tiên. Ảnh: CARE.

Khai thác thế mạnh địa phương

Những ngày tháng 10, cái nắng vẫn còn bỏng rát trên khắp các cánh đồng thôn Tân An, thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình (Hà Giang). Sự thanh bình, yên ả mọi năm đã dần nhường chỗ cho nụ cười ngây ngất của bà con nông dân, bởi năm nay, họ không còn thấp thỏm, lo lắng vì thu nhập bấp bênh.

Chị Nguyễn Thị Thay, trưởng nhóm trồng lạc tại thôn chia sẻ, khu vực nơi chị ở trước là ruộng bậc thang. Điều kiện canh tác khó khăn, nhất là việc đảm bảo lượng nước tưới trong mùa khô. Cây trồng hàng năm hầu như chỉ được một vụ, còn lại ruộng để khô, nứt nẻ.

"Cả khu này đều là ruộng bậc thang. Các gia đình tự chọn cây trồng để canh tác. Nhà thì trồng lúa, nhà thì trồng ngô, giá trị kinh tế hầu như không đáng kể. Đến mùa lũ, có thời điểm cánh đồng bị nước tràn ngập, dâng lên quá đầu người", chị Thay kể. 

Nhờ sự giúp đỡ của Dự án Nâng cao Quyền năng Kinh tế cho Phụ nữ tại Việt Nam (AWEEV) do Chính phủ Canada tài trợ thông qua Tổ chức CARE Quốc tế, bà con thôn Tân An được cung cấp nguồn vốn để cải tạo đồng đất. Những thửa ruộng bậc thang xưa kia nay được san phẳng. Hệ thống thủy lợi nội đồng cũng được chỉnh trang, giúp đảm bảo lượng nước tưới xuyên suốt vụ gieo trồng.

Chị Nguyễn Thị Thay phấn khởi với kết quả từ việc giảm nghèo tại thôn Tân An. Ảnh: Ngọc Dũng.

Chị Nguyễn Thị Thay phấn khởi với kết quả từ việc giảm nghèo tại thôn Tân An. Ảnh: Ngọc Dũng.

Thôn Tân An nằm trên địa bàn được chính quyền huyện Quang Bình định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ việc canh tác manh mún, nhỏ lẻ thành các cánh đồng mẫu lớn, giúp việc gieo trồng thuận lợi hơn, dễ cơ giới hóa nông nghiệp hơn. 

Sau khi dồn điền, lớp đất màu trên cánh đồng rộng hơn 3ha bị mất đi. Vì vậy, trong vụ đầu tiên, bà con bảo nhau trồng các loại cây để cải tạo đất. Được Phòng NN-PTNT huyện hướng dẫn, các hộ quyết định chọn cây lạc để canh tác, bởi đây là loại cây vừa phù hợp với đồng đất, có giá trị kinh tế, vừa giúp giữ ẩm và tăng lượng chất hữu cơ trong đất.

Hơn 40 hộ dân tham gia Dự án AWEEV được hỗ trợ nguồn vốn để mua cây giống, phân bón đầu tư cho ruộng lạc, đồng thời được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ năng sản xuất. Chị Thay bảo, qua vụ thu hoạch này, huyện Quang Bình sẽ đánh giá. Nếu đạt hiệu quả tốt, mô hình sẽ được nhân rộng, đồng thời cơ cấu mùa vụ cũng được định hình với 1 vụ lúa, 2 vụ màu mỗi năm.

Cách mô hình của nhà chị Thay hơn 100km, tại huyện Quản Bạ - nơi được xem là cửa ngõ của TP Hà Giang - anh Vương Phát Quý ở thôn Bản Thăng cũng từng bước đứng vững trên mảnh đất quê hương.

Nhận thấy tiềm năng của gia đình có đất rộng, nguồn nước dồi dào và khí hậu quanh năm mát mẻ rất thích hợp cho vịt sinh trưởng, năm 2016 anh Quý đầu tư 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, với quy mô 1.000 con.

Nhờ tuân thủ chặt chẽ quy trình nuôi, cách chăm sóc, mỗi năm anh Quý xuất bán được 3 lứa vịt. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, gia đình anh đạt lợi nhuận tới 80 triệu đồng/năm.

Từ những mô hình của chị Thay, anh Quý, việc tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Hà Giang được khẳng định. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Giang cũng liên tục đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân phát huy nội lực, tăng cường nắm bắt với thị hiếu tiêu dùng. Đó là cơ sở để những miền quê nghèo vùng cao thực sự biến tiềm năng thành thế mạnh, phát triển bền vững.

Vấn đề không chỉ là thu nhập

Tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ dân tộc thiểu số phải dành khoảng 5 giờ mỗi ngày cho công việc nội trợ gia đình, gần gấp đôi so với nam giới. Ba nhóm công việc chăm sóc gia đình chiếm nhiều thời gian nhất gồm các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, người già, người bệnh, người tàn tật (30%), nấu ăn và dọn dẹp (20%) và kiếm củi (hơn 10%).

Với những hộ gia đình có kinh tế không vững, thời gian dành cho bản thân của phụ nữ càng ít hơn. Họ phải dành nhiều công sức cho việc tạo ra thu nhập cho gia đình, nhưng vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ chăm sóc cho các thành viên. Cái nghèo, vì thế, cứ mãi đeo đẳng.

Chị Thiều Thị Hoàn, Hội Phụ nữ huyện Quang Bình tâm sự, chị em dân tộc thiểu số có thói quen nhút nhát, rụt rè vì ít ra ngoài xã hội. Một phần nguyên nhân đến từ yếu tố lịch sử, nếp nghĩ truyền thống; một phần đến từ việc họ cảm thấy chưa tạo ra được thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, mọi chuyện nay đã khác. Từ những cánh đồng lạc bội thu như của chị Thay, chị em đã mạnh dạn chia sẻ hơn, tham gia nhiều hơn các khóa tập huấn để nâng cao quyền năng cho bản thân mình. Thông qua các hoạt động của Dự án AWEEV, chị em đã biết cách phát triển kinh tế hộ gia đình, biết thành lập các mô hình chăn nuôi gà, lợn, dê, hoặc thành lập các quỹ tự quản, cho nhau vay vốn làm ăn.

"Nhiều người nói với tôi, rằng sau khi nâng cao được đời sống của gia đình và thoát nghèo, họ còn biết chia sẻ các công việc nhà với chồng, biết giảm thời gian làm việc nhà của mình", chị Hoàn bày tỏ.

Ông Brian Allemekinders, Tham tán - Trưởng ban hợp tác, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam hy vọng những kinh nghiệm triển khai dự án sẽ được chia sẻ rộng rãi không chỉ ở Hà Giang mà còn ở các tỉnh, thành phố khác, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững cho phụ nữ Việt Nam,. Ảnh: Ngọc Dũng.

Ông Brian Allemekinders, Tham tán - Trưởng ban hợp tác, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam hy vọng những kinh nghiệm triển khai dự án sẽ được chia sẻ rộng rãi không chỉ ở Hà Giang mà còn ở các tỉnh, thành phố khác, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững cho phụ nữ Việt Nam,. Ảnh: Ngọc Dũng.

Dường như để thuyết phục hơn, chị Hoàn còn nêu một số điển hình nữa tại huyện Quang Bình như nhóm nuôi gà của chị Hoàng Thị Tuyền. Trong đó, nổi bật có tấm gương bà Hoàng Thị Thích, khoảng 60 tuổi. Từ khi được đầu tư máy thái rau củ, thu nhập gia đình tăng lên gấp rưỡi. Có đồng ra đồng vào, thỉnh thoảng bà lại thưởng cho mấy người cháu quyển vở, cái bút để khích lệ tinh thần học tập.

Một thay đổi nữa, là không khí tại nhà văn hóa các thôn trên địa bàn. Nếu như trước đây, chị em đồng bào dân tộc thường xuyên đầu tắt mặt tối, làm quần quật để có bữa cơm nóng sốt, thì nay họ có thể thoải mái đi học nhảy dân vũ. Kinh tế được đảm bảo giúp họ có nhu cầu nhiều hơn về văn hóa, giải trí.

Đánh giá sự đổi thay do Dự án AWEEV mang lại, ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang nói: "Nhiều kết quả khả quan được ghi nhận, góp phần phát triển kinh tế bền vững, đồng thời giảm các rào cản về định kiến giới trong việc phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế".

Ông Long cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ Canada và Tổ chức CARE tiếp tục quan tâm, xem xét mở rộng địa bàn thực hiện dự án và tài trợ các chương trình, dự án liên quan đến các lĩnh vực địa phương còn nhiều khó khăn.

Dự án AWEEV được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến hỗ trợ 2.635 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số ở 6 xã của tỉnh Hà Giang và 3 xã của tỉnh Lai Châu. Tổng kinh phí thực hiện trên 3 triệu USD.

Trong năm thứ hai thực hiện dự án, hai hợp phần trọng điểm gồm giảm gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động phát triển sinh kế.

Kết quả, hơn 1.300 hộ gia đình được hỗ trợ máy thái rau chuối phục vụ chăn nuôi; 14 điểm trường mầm non được hỗ trợ cải tạo cơ sở vật chất, cung cấp dụng cụ dạy học và chăm sóc bán trú, tạo điều kiện cho hơn 650 trẻ trong độ tuổi được học tập cả ngày tại trường; 21 nhóm phát triển sinh kế với hơn 1.350 thành viên đã được thành lập; 7 mô hình sinh kế tập trung do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ vốn vay lãi suất 0%. 

Qua đánh giá, thời gian phụ nữ dành thực hiện các công việc chăm sóc đã giảm 45 phút mỗi ngày.

Xem thêm
Đại tướng Tô Lâm, ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Ông Trần Thanh Mẫn được giới thiệu để bầu Chủ tịch Quốc hội.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.