| Hotline: 0983.970.780

Thanh niên Bình Phước đam mê sáng tạo

Nữ kỹ sư khởi nghiệp từ nấm quý

Thứ Hai 12/08/2024 , 09:42 (GMT+7)

BÌNH PHƯỚC Nữ kỹ sư Nguyễn Thị Tiên đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất, nhân nuôi các loại nấm quý trên đất Bình Phước.

Thăm cơ sở sản xuất của chị Tiên tọa lạc tại thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp (Bình Phước), chúng tôi gặp nhiều bạn trẻ vây quanh chị để tìm hiểu quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo do chị tự nghiên cứu với mong muốn khởi nghiệp thành công từ loại nấm này như chị Tiên.

Quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo do chị Tiên tự nghiên cứu. Ảnh: Trần Trung.

Quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo do chị Tiên tự nghiên cứu. Ảnh: Trần Trung.

Cầm trên tay hộp nấm vừa nuôi cấy thành công, chị Tiên cho biết, sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, chị chọn về quê lập nghiệp. Dù đã qua trường lớp, nắm được kiến thức chuyên môn cơ bản nhưng quá trình thực tiễn nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo chị vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Giai đoạn đầu, nấm bị nhiễm bệnh, sinh trưởng kém, không đảm bảo chất lượng phải bỏ, chị mất số vốn không nhỏ. Không bỏ cuộc, hư mẻ này thì làm tiếp mẻ khác, cứ như vậy, gần 1 năm nghiên cứu, chị đã hoàn thiện quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo đạt chuẩn.

Trải qua nhiều lần thất bại, chị Tiên đã tìm ra quy trình chuẩn để sản xuất nấm đông trùng hạ thảo. Ảnh: Trần Trung.

Trải qua nhiều lần thất bại, chị Tiên đã tìm ra quy trình chuẩn để sản xuất nấm đông trùng hạ thảo. Ảnh: Trần Trung.

Theo chị Tiên, để đông trùng hạ thảo phát triển tốt, quy trình nuôi cấy, chăm sóc phải được thực hiện nghiêm ngặt.  Phòng nuôi luôn được giữ sạch sẽ tuyệt đối, vô khuẩn và tiệt trùng thường xuyên. Hệ thống máy lạnh luôn giữ nhiệt độ ổn định trong phòng khoảng 18 – 20 độ C. Ngoài ra, hệ thống đèn chiếu sáng giống như ánh sáng tự nhiên kết hợp hệ thống phun sương, cấp ẩm để giữ độ ẩm từ 75 - 85%...

Chị Tiên (áo đỏ) chia sẻ tinh thần khởi nghiệp cho các bạn trẻ tại địa phương. Ảnh: NVCC.

Chị Tiên (áo đỏ) chia sẻ tinh thần khởi nghiệp cho các bạn trẻ tại địa phương. Ảnh: NVCC.

“Mỗi lứa nấm nuôi trong vòng 60 - 70 ngày, nhờ phương pháp nuôi khoa học, nấm sinh trưởng tốt với hàm lượng dinh dưỡng cao. Hiện mỗi lứa tôi cung cấp ra thị trường gần 2.000 hộp nấm, mỗi hộp 10g được chế biến thành các sản phẩm như nấm tươi, nấm sấy thăng hoa… với giá chỉ dao động từ 300 - 500 ngàn đồng/hộp, người dân địa phương ai cũng có thể mua dùng được”, chị Tiên chia sẻ.

Sau khi làm chủ quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, nhận thấy Bù Đốp có diện tích rừng tự nhiên nhiều, trữ lượng nấm linh chi đỏ ngày càng ít đi do người dân địa phương vào rừng thu hái bán ra thị trường và không bảo quản đúng cách khiến loại nấm quý này dần bị mất đi giá trị, chị Tiên tiếp tục hành trình chinh phục loài nấm này.

Chị Tiên thu thập nấm linh chi đỏ tại địa phương. Ảnh: NVCC.

Chị Tiên thu thập nấm linh chi đỏ tại địa phương. Ảnh: NVCC.

Theo chị Tiên, nấm linh chi đỏ có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng protein chiếm 30 - 40%, giàu khoáng chất…, các hoạt chất sinh học có tác dụng ngăn ngừa nhiều loại bệnh. Loài nấm này có giá từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng/kg tùy theo chủng loại.

Trong khi đó, việc nuôi trồng nấm linh chi đỏ khá đơn giản bởi chi phí đầu tư thấp, không cần diện tích lớn, ít tốn công chăm sóc. Đây là mô hình canh tác tốt, tạo điều kiện phát triển kinh tế, mang lại thu nhập bền vững cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nấm linh chi đỏ sinh trưởng tốt trong ống nghiệm. 

Nấm linh chi đỏ sinh trưởng tốt trong ống nghiệm. 

“Bước đầu, tôi lấy giống nấm linh chi đỏ từ địa phương để thực nghiệm nuôi trồng ở nhiều môi trường khác nhau. Kết quả sau quá trình nhân giống trong ống nghiệm, khi đưa ra môi trường nấm vẫn giữ được phẩm chất và sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện tôi và các cộng sự đã lập dự án bắt tay cùng người dân thực hiện trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng. Nếu nhân rộng mô hình này sẽ giải quyết được bài toán tạo sinh kế dưới tán rừng”, chị Tiên nói.

Ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp cho biết, địa phương có tổng diện tích rừng gần 13 ngàn ha. Mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng có triển vọng góp phần phát triển kinh tế tại địa phương, nhất là ở các hộ trồng rừng là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Dự án trồng nấm đông trùng hạ thảo và linh chi đỏ dưới tán rừng của chị Tiên và cộng sự giành giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Techfest Bình Phước. Ảnh: NVCC.

Dự án trồng nấm đông trùng hạ thảo và linh chi đỏ dưới tán rừng của chị Tiên và cộng sự giành giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Techfest Bình Phước. Ảnh: NVCC.

Xem thêm
Nuôi lợn thịt theo hướng tuần hoàn, giá bán tăng 4 - 5 ngàn đồng/kg

HÀ TĨNH Nuôi lợn theo hướng tuần hoàn trên nền đệm lót sinh học chuồng luôn khô thoáng, không mùi hôi, không nước thải, giá cao hơn lợn nuôi truyền thống từ 4 - 5 ngàn đồng/kg.

Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.