| Hotline: 0983.970.780

Thanh niên Bình Phước đam mê sáng tạo

Biến thứ bỏ đi thành phân bón hữu cơ chất lượng

Thứ Tư 07/08/2024 , 09:23 (GMT+7)

BÌNH PHƯỚC Với sự đổi mới sáng tạo, anh Lương Văn Hậu ở huyện Bù Đăng (Bình Phước) đã biến quả điều, phân bò thành phân trùn quế hữu cơ vi sinh chất lượng.

Bù Đăng được xem là thủ phủ cây điều và có tổng đàn trâu, bò lớn nhất, nhì tỉnh Bình Phước. Dù ai cũng biết phân bò là nguồn phân hữu cơ tốt, thế nhưng do tập quán của đồng bào bản địa chăn thả tự nhiên khiến nguồn phân này thành thứ bỏ đi. Năm 2018, sau khi về Bình Phước lập nghiệp, nhận thấy nguồn tài nguyên này gần như vô tận, anh Lương Phúc Hậu (38 tuổi, ở thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, Bình Phước) đã nảy sinh ý tưởng tận dụng phân bò và phụ phẩm nông nghiệp để nuôi trùn quế.

Khu vực sản xuất phân hữu cơ trùn quế từ xác quả điều và phân bò của anh Hậu. Ảnh: Trần Trung.

Khu vực sản xuất phân hữu cơ trùn quế từ xác quả điều và phân bò của anh Hậu. Ảnh: Trần Trung.

Xem trang trại nuôi trùn quế của anh Hậu, đập vào mắt chúng tôi là 2 dãy nhà nối tiếp nhau được anh thiết kế rất bài bản, khoa học. Bên trong từng căn nhà, các ô nuôi trùn quế trên nền bê tông dày đặc một màu đen toàn phân và phân. Anh Hậu cho biết, để có được trang trại hôm nay, anh đã không ít lần thất bại.

Giai đoạn đầu, do chưa am hiểu về đặc tính sinh trưởng của trùn quế, chưa kể xác quả điều chứa khá nhiều axit, phân bò tươi khá nóng, nếu không có giải pháp xử lý sẽ rất nguy hại cho trùn nên có những thời điểm trùn quế trong trại hao hụt tới 90 - 95%, vốn đầu tư lần lượt “đội nón ra đi". Mặc dù thất bại nhiều lần nhưng anh không bỏ cuộc.

Anh Hậu ứng dụng cơ giới hóa để chuyển hóa xác quả điều, phân bò phục vụ nuôi trùn quế hiệu quả. Ảnh: Trần Trung.

Anh Hậu ứng dụng cơ giới hóa để chuyển hóa xác quả điều, phân bò phục vụ nuôi trùn quế hiệu quả. Ảnh: Trần Trung.

Sau khi mày mò nghiên cứu, bằng phương pháp ủ chín quả điều và phân bò bằng các chủng vi sinh có lợi như nấm men Saccharomyces, enzyme từ nấm Tricoderma, các chủng Bacillus, một số chủng vi sinh phân giải tanin, lân, kali…, không chỉ đã loại bỏ được các tạp chất nguy hại mà còn chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng giúp trùn dễ hấp thu và chuyển hóa thành các khoáng chất có lợi cho cây trồng.

Theo anh Hậu, sau 3 năm dày công nghiên cứu, đến đầu năm 2021, quy trình nuôi trùn quế bằng phụ phẩm từ quả điều, phân bò đã thành công. Sản phẩm được khách hàng ghi nhận, đánh giá cao bởi chất lượng phân không thua kém phân hữu cơ cao cấp nhưng giá chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm khác trên thị trường.

Ông Phạm Văn Tiến phấn khởi bên vườn sầu riêng xanh tốt nhờ bón phân hữu cơ trùn quế của anh Hậu. Ảnh: Trần Trung.

Ông Phạm Văn Tiến phấn khởi bên vườn sầu riêng xanh tốt nhờ bón phân hữu cơ trùn quế của anh Hậu. Ảnh: Trần Trung.

Là một trong những người dùng phân trùn quế của anh Hậu để bón chính cho vườn sầu riêng hơn 2ha, ông Phạm Văn Tiến cách trại phân trùn quế của anh Hậu không xa chia sẻ, ngay khi biết tại địa phương có anh Hậu sản xuất thành công phân hữu cơ từ trùn quế, ông đã mạnh dạn mua về sử dụng để sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ. 

“Khi áp dụng quy trình sản xuất này, tôi nhận thấy cây sầu riêng phát triển tốt, khỏe và ít sâu bệnh hơn so với trước đây. Từ đó, số lần phun thuốc cũng giảm đi nhưng năng suất sầu riêng vẫn ổn định. Đặc biệt, giá phân hữu cơ của anh Hậu đưa ra rất mềm khiến tôi quyết tâm gắn bó và duy trì mô hình sản xuất này”, ông Tiến chia sẻ.

Anh Hậu giới thiệu sản phẩm mới từ trùn quế. Ảnh: Trần Trung.

Anh Hậu giới thiệu sản phẩm mới từ trùn quế. Ảnh: Trần Trung.

Ông Huỳnh Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng đánh giá, trại giun Phúc Hậu là hướng đi đúng cho nông nghiệp hữu cơ. Mô hình này rất thuận lợi do tận dụng được nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương như trái điều, phân gia súc.

“Không chỉ sản xuất phân bón hữu cơ dạng bột, nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, trại trùn quế của anh Hậu còn tạo ra các sản phẩm phân bón hữu cơ dạng nước, khô, viên nén. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Hậu còn tích cực liên kết, chuyển giao quy trình sản xuất phân bón hữu cơ cho hàng chục bà con nông dân địa phương, giúp địa phương tiến tới nông nghiệp hữu cơ”, ông Thành nói.

Với những sáng tạo của mình, mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh nuôi trùn quế của anh Hậu đã vinh dự giành giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Phước năm 2023.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.