| Hotline: 0983.970.780

Nước mắt Gạc Ma

Thứ Sáu 06/05/2016 , 13:10 (GMT+7)

Cũng tại nơi này, ngày 14/3/1988, hải quân Trung Quốc dưới sự yểm hộ của 3 tàu pháo cỡ lớn và một số tàu vận tải đã nổ súng vào những người lính công binh và hải quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền đối với ba đảo này...

Trước mắt tôi hiện ra hình ảnh thiếu úy Trần Văn Phương trước khi hy sinh vẫn dõng dạc hô to: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân"...

1.

Hôm nay, sau một vài hôm phẳng lặng như tờ, mặt biển bắt đầu gợn lên những con sóng dập dờn. Con tàu Trường Sa 571 đưa chúng tôi xuống cuối phía nam cụm đảo Sinh Tồn, gần với cụm ba đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.

Cũng tại nơi này, ngày 14/3/1988, hải quân Trung Quốc dưới sự yểm hộ của 3 tàu pháo cỡ lớn và một số tàu vận tải đã nổ súng vào những người lính công binh và hải quân Việt Nam đang làm nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền đối với ba đảo này.

Theo lịch trình, chúng tôi sẽ làm lễ thả hoa, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 nói riêng và những người đã ngã xuống tại quần đảo Trường Sa nói chung.

Không biết tự lúc nào mà không khí trên tàu đã trở nên trầm lắng hơn hẳn. Bữa sáng cũng trôi qua trong sự tĩnh lặng, khác hẳn với sự rôm rả của mấy hôm trước. Khi những chuẩn bị cuối cùng cho buổi tưởng niệm đang diễn ra trên phía boong tàu, tôi bắt gặp nhà báo Thu Trang (Báo Quân đội nhân dân) đang một mình trầm ngâm, đăm chiêu ở phía mạn tàu.

Bình thường chúng tôi luôn kể đủ chuyện trên trời dưới biển nhưng vào lúc này không ai muốn phá vỡ khoảng lặng riêng của người kia. Không ai bảo ai, chúng tôi cùng nhìn về phía Gạc Ma xa xa cuối chân trời, nơi Trung Quốc cho xây dựng những tòa nhà và công sự trái phép kể từ sau khi chiếm đảo bằng vũ lực. Màu trắng của những công sự đó toát lên một vẻ thê lương, vô hồn.

09-24-44_img_0920
Nghĩa trang Liệt sĩ trên đảo Nam Yết

Trung úy Thông và Tùng, hai người mang súng gác cử hành lễ, cũng không còn dáng vẻ vui cười, hóm hỉnh thường thấy mà thay vào đó là sự uy nghiêm xen lẫn chút đượm buồn. Có lẽ là dù bao nhiêu lần tham gia cử hành lễ đi chăng nữa thì những cảm xúc mà buổi lễ mang lại sẽ vẫn mãi như lần đầu tiên.

Đúng giờ, thượng tá Quang bước lên đọc điếu văn tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên vùng biển quần đảo Trường Sa. Bằng giọng đọc diễn cảm, anh Quang đưa chúng tôi ngược dòng thời gian trở lại thời khắc bi thương 28 năm về trước - khi mà 3 con tàu vận tải chở công binh của Hải quân nhân dân Việt Nam đang thực hiện bảo vệ chủ quyền ở ba đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thì đã bị những chiến hạm của Trung Quốc nổ súng tàn sát.

Tại nơi này, 64 người lính đã anh hùng ngã xuống, hóa thân mình vào sóng nước Trường Sa, dâng hiến dòng máu nóng của tuổi trẻ vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những câu chuyện về sự anh dũng, tinh thần không ngại hy sinh của các anh khiến tôi thấm thía ý nghĩa câu nói "đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc".

09-24-44_img_1028
Vòng hoa trước lễ tưởng niệm

Trước mắt tôi hiện ra hình ảnh thiếu úy Trần Văn Phương trước khi hy sinh vẫn dõng dạc hô to: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân".

Hay thời khắc thuyền trưởng Vũ Huy Lễ của tàu 505, dưới làn đạn của pháo hạm quân thù đã ra lệnh lao cả con tàu đang bốc cháy ngùn ngụt lên đảo Cô Lin, biến thân tàu thành pháo đài bất khả xâm phạm để giữ đảo. Và còn rất nhiều tấm gương khác trong giờ phút sinh tử đã xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, mỉm cười mãn nguyện đón nhận nó như một phần của nghiệp làm lính.

Xen giữa những câu chuyện đau thương của 28 năm trước là những tiếng nấc nghẹn ngào của những người ở lại. Tôi đưa mắt nhìn quanh, những giọt nước mắt lã chã rơi trên khuôn mặt của các thành viên đoàn công tác tự khi nào.

Các chị em khóc, anh em cũng khóc. Những giọt nước mắt hôm nay, quyện với những giọt nước mắt của những người lính năm xưa vì không tìm được xác đồng đội đã hy sinh làm cho nước biển Đông thêm mặn mòi.

09-24-44_img_1066
Những giọt nước mắt rơi

2.

Ba hồi còi tàu vang lên báo hiệu phút mặc niệm bắt đầu. Tôi nhìn lên lá cờ Tổ quốc đang hiên ngang bay trong gió, lòng thầm nghĩ màu của lá quốc kì có đỏ tươi được như vậy âu cũng là do được in dòng máu của biết bao chiến sĩ trong thời chiến cũng như thời bình. Trong phút mặc niệm ấy, tôi nhận ra dù vạn vật có thay đổi như thế nào chăng nữa thì lòng yêu nước của mỗi người con với mẹ Tổ quốc sẽ không bao giờ thay đổi.

Nhận được "thông tin tình báo" của anh Nhật - thuyền phó tàu - rằng tàu chuẩn bị thả một ca-nô cho phóng viên tác nghiệp, chụp ảnh cảnh thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ, tôi vội cầm theo máy ảnh xuống phía đuôi tàu để lên chiếc ca-nô chuyên dụng. Lúc này, sóng đã nổi khá to.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh và Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đức Nho ròng hai dây thừng vào vòng hoa mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ" và chầm chậm thả xuống biển. Theo sau là toàn bộ thành viên của tàu, mỗi người một nhành hoa cúc vàng, kính cẩn thả xuống theo vòng hoa lớn.

Đang suy tư nhìn theo những bông hoa dập dình trôi trên đầu ngọn sóng, tôi bỗng phát hiện một vài đốm đen đang tiến lại rất gần phía chúng tôi. Một bầy cá heo! Trong sự ngỡ ngàng của cả những người trên ca-nô và trên tàu, đàn cá heo tung tăng lặn ngụp ngay sát mặt nước. Chúng không tỏ vẻ sợ hãi tiếng động cơ hay sự có mặt của chúng tôi mà bơi sát mạn ca-nô mấy vòng liền.

09-24-44_img_1094
Đàn cá heo bơi lượn ngay sát mạn ca-nô

Kì lạ thay là đàn cá dường như cố ý tránh không bơi vào vệt hoa trải dài xung quanh chúng mà chỉ tinh nghịch dạo đùa bên cạnh những bông cúc vàng. Một hồi lâu sau, đàn cá vòng ra mũi tàu Trường Sa 571 rồi đồng loạt nhảy lên khỏi mặt biển lần cuối trước khi lặn xuống vùng nước xanh thăm thẳm.

Phần nào đó trong tôi tin rằng các anh đã hóa thân thành đàn cá để quay lại ở bên chúng tôi trong buổi lễ tưởng niệm. Sự tinh nghịch của đàn cá như là sự tinh nghịch của những người lính công binh, hải quân đã ngã xuống khi tuổi đời còn quá trẻ.

Trong ý chí kiên trung và sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc gọi tên, vẫn thấy đâu đây những giây phút muốn nô đùa với dòng nước hiền hòa của các anh. Mặc dù đã hy sinh nhưng bằng cách này hay cách khác, các anh vẫn trụ lại nơi biển đảo quê nhà, hòa mình vào sóng nước để giữ yên bờ cõi mãi ngàn năm.

09-24-44_img_1080
Vòng hoa được rước xuống để chuẩn bị thả

3.

Những giọt nước mắt đã rơi, những câu chuyện hào hùng năm xưa đã được ôn lại. Đọng lại trong tất cả chúng tôi là những cảm xúc sẽ được mang theo trong suốt cuộc đời còn lại. Tôi tin chắc rằng lòng yêu nước, tự hào về Tổ quốc mình trong mỗi chúng tôi đều được bồi đắp sau buổi sáng hôm ấy.

Riêng với tôi, tôi hiểu ra được một chân lý, dù dòng thời gian có thay đổi như nào thì lòng yêu nước vẫn sẽ không bao giờ phai mòn. Nó luôn luôn ở trong chúng ta, chỉ chờ một thời khắc để được châm lửa, bùng cháy mãnh liệt.

Bên mạn tàu lúc này đã vắng người, tôi lấy từ trong ba lô ra một nhành hoa cúc, chậm rãi bước đến phía hạ xuồng gần sát với mặt nước và nhẹ nhàng đặt cành hoa xuống mặt biển.

09-24-44_img_1084
Dòng người xếp hàng chờ thả hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ

Tôi đứng đó, thời gian chậm lại, nhìn theo bóng bông hoa dập dềnh trong sóng nước cho đến khi khuất xa.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.