
Nhiều đại biểu đại diện cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo. Ảnh: CTV.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Hải Phòng, thủ trưởng, cán bộ phụ trách từ các sở, ban, ngành liên quan; sự có mặt của hàng trăm đại biểu từ các hội khoa học, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, các chuyên gia về chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistic, công nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo.
Tham luận về nội dung tăng trưởng xanh, đại diện Sở Tài chính cho biết, với vai trò là trung tâm kinh tế của đồng bằng sông Hồng và miền duyên hải Bắc Bộ, Hải Phòng đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, thông minh và bền vững.
Hải Phòng đã đặt ra các mục tiêu tăng trưởng xanh nhằm phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ như xây dựng thể chế, chính sách tăng trưởng xanh, phát triển nguồn nhân lực cho ngành nghề xanh, huy động nguồn lực tài chính và đầu tư cho tăng trưởng xanh, nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại và tăng cường hợp tác quốc tế.
Cùng với đó, sẽ chú trọng đến quản lý tài nguyên nước, đất đai, chất thải và chất lượng không khí, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng và mua sắm xanh. Hệ thống hạ tầng xanh sẽ được phát triển để chống chịu tốt với biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng hiệu quả và quản lý chất thải hiệu quả.

Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng yêu cầu lựa chọn các lĩnh vực cụ thể, bức thiết để thực hiện chuyển đổi xanh. Ảnh: CTV.
“Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cho Hải Phòng giai đoạn 2021-2030 là cam kết phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Nếu vượt qua được các thách thức, Hải Phòng có thể trở thành một mô hình điển hình tiên phong cho các thành phố cảng trong khu vực trong hành trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững”, ông Bùi Tiến Phong - Phó Giám đốc Sở Tài chính tham luận.
Về lĩnh vực nông nghiệp, ông Bùi Thanh Tùng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, chuyển đổi xanh trong ngành nông nghiệp đang trở thành yếu tố quan trọng trong nỗ lực toàn cầu đối phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực.
Hải Phòng có nhiều thuận lợi như tiềm lực đầu tư, cơ sở hạ tầng nông thôn và sự quan tâm từ lãnh đạo. Tuy nhiên, Hải Phòng cũng đối mặt với nhiều thách thức như: sản xuất nhỏ lẻ, hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu, biến đổi khí hậu, nhận thức hạn chế về nông nghiệp xanh và thiếu lao động có trình độ chuyên môn.
Mục tiêu đến năm 2030, Hải Phòng đặt ra tăng trưởng GRDP nông nghiệp bình quân đạt 1,1%/năm, chiếm 4-5% GRDP các ngành kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi xanh, sản xuất tập trung và bảo đảm môi trường.

Đây là hội thảo quan trọng, nhiều nội dung, đề xuất chất lượng được đưa ra. Ảnh: CTV.
Hải Phòng hiện có 18 KCN và 2 Khu kinh tế (KKT), trong đó 11 KCN và KKT Đình Vũ - Cát Hải đang hoạt động. Thời gian tới, Hải Phòng dự kiến thành lập thêm 12 KCN và đầu tư vào KKT phía Nam để thu hút nhà đầu tư. Kể từ khi thành lập KKT Đình Vũ - Cát Hải năm 2008, Hải Phòng luôn nằm trong Top 5 cả nước về thu hút vốn FDI, với trung bình 3,6 tỷ USD/năm.
Để phát triển nông nghiệp xanh và bền vững, cần triển khai đồng bộ 5 giải pháp. Thứ nhất là tăng cường truyền thông về nông nghiệp xanh, nâng cao nhận thức của nông dân; thứ hai là xây dựng và thực thi chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hỗ trợ tích tụ đất đai và vốn; thứ ba là nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất nông nghiệp; thứ tư là đảm bảo an ninh nguồn nước ngọt, chống xâm nhập mặn; cuối cùng là bảo vệ và phát triển rừng theo quy hoạch.
Về chuyển đổi xanh trong khu công nghiệp (KCN), ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, việc chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái là yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế xanh và bền vững. Hải Phòng hiện có hai KCN thực hiện chuyển đổi thành KCN sinh thái là KCN Nam Cầu Kiền và KCN Đình Vũ, đáp ứng trên 90% tiêu chí quốc tế về KCN sinh thái.
Thành phố Hải Phòng hướng tới xây dựng hệ sinh thái KCN xanh - thông minh, khuyến khích sản xuất bền vững. Tuy nhiên, Hải Phòng cũng đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi xanh, bao gồm vốn đầu tư cao, thiếu nguồn nhân lực chất lượng, công nghệ sản xuất lạc hậu, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, và thiếu chính sách hỗ trợ rõ ràng.
Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Hải Phòng cần có những giải pháp đột phá như kiểm soát đầu tư, chuyển đổi KCN hiện hữu theo hướng sinh thái, xây dựng KCN mới theo mô hình chuyên ngành, ứng dụng công nghệ số, tiết kiệm năng lượng, phát triển văn hóa và giáo dục về chuyển đổi xanh, và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai.

Nhiều tham luận có chất lượng được trình bày tại hội thảo, được các đại biểu đánh giá cao. Ảnh: CTV.
Ngoài những tham luận nay, đại diện các đơn vị như: Sở Xây dựng, Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Văn hóa – Thể theo và Du lịch, huyện Cát Hải cùng nhiều doanh nghiệp cũng có những tham luận chất lượng liên quan đến lĩnh vực quản lý, hoạt động để góp phần vào quá trình chuyển đổi xanh của TP. Hải Phòng nói chung.
Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng đánh giá các tham luận được chuẩn bị công phu, kĩ lưỡng và nhấn mạnh sự cần thiết của chuyển đổi xanh trong các lĩnh vực như xây dựng, giao thông, khu công nghiệp và nông nghiệp,...
Bí thư Thành ủy Hải Phòng yêu cầu làm rõ các vấn đề như chuyển đổi xanh là gì, chuyển đổi lĩnh vực nào và chuyển đổi như thế nào. Cần ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực bức thiết, dễ làm, không làm dàn trải, chung chung.
“Chuyển đổi xanh là chuyển đổi cái gì, lĩnh vực nào, cần phải cụ thể ra. Trong những lĩnh vực cần chuyển đổi, chúng ta chọn lĩnh vực bức thiết nhất, cấp thiết nhất,... tránh dàn trải. Sau khi lựa chọn các lĩnh vực thì chúng ta phải bàn bạc, để đưa ra giải pháp để thực hiện. Ví dụ như việc đưa Cát Bà thành đảo ngọc, đảo sống, thì ai sẽ là người làm, chính quyền hay doanh nghiệp,…”, ông Lê Tiến Châu yêu cầu.
Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ đạt mức tiết kiệm năng lượng tối thiểu 6,2% so với dự báo tổng tiêu thụ năng lượng toàn thành phố, trong đó ngành công nghiệp tiết kiệm tối thiểu 8,5% tổng tiêu thụ năng lượng toàn ngành; kinh tế số đạt 40% GDP; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 9% tổng diện tích tự nhiên; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước tối thiểu 95%.