Ông Ngô Minh Tuấn là nông dân có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi tôm ở xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Trước đây, gia đình ông nuôi tôm công nghiệp theo kiểu truyền thống nên hiệu quả không cao.
Năm 2015, ông Tuấn bắt đầu thử nghiệm nuôi tôm công nghệ cao và có được hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cách nuôi cũ nhờ giảm được rủi ro, tăng năng suất tôm nuôi. Từ đó, ông đã chuyển hẳn sang nuôi tôm công nghệ cao theo mô hình CPF Combine của C.P. Việt Nam.
Ngoài các trang trại nuôi tôm theo CPF Combine, gần đây, ông Tuấn đã đầu tư nuôi tôm theo mô hình CPF Combine House (nuôi tôm trong nhà mái che giúp ổn định nhiệt độ môi trường nuôi, đảm bảo an toàn sinh học).
Ông Tuấn chia sẻ: “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, môi trường, thời tiết ngày càng trở nên bất lợi với người nuôi tôm. Do đó khi xây dựng trang trại nuôi tôm thứ 5, tôi áp dụng mô hình CPF Combine House. Mô hình này có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt là luôn ổn định được nhiệt độ nên nuôi rất an toàn, tôm lớn nhanh và có thể đạt được kích cỡ lớn”.
Trong năm 2022, trang trại của ông Tuấn đã nuôi tôm đạt được tới kích cỡ 14,2 con/kg. Tôm lớn giúp ông Tuấn bán được giá cao hơn, trong khi chi phí giảm nhiều so với trước đây.
Không chỉ ông Ngô Mình Tuấn, thời gian qua, nhiều người nuôi tôm ở ĐBSCL nhờ áp dụng các mô hình nuôi CPF Combine 2.0 hay CPF Combine House đã nuôi được tôm đạt kích cỡ lớn 15 con/kg. Có thể kể tới như ông Phan Hoàng Kiệt (xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), ông Nguyễn Văn Thừa (huyện Thạnh Phú, Bến Tre), Công ty Cổ phần Công nghệ Nông nghiệp và Thủy sản Agritech (Cà Mau)…
Ông Boonlap Watcharawanitchakul, Phó Tổng Giám đốc cấp cao của C.P. Việt Nam cho biết, số khách hàng của Công ty nuôi tôm đạt kích cỡ 15 con/kg đang tăng lên qua từng năm. Năm 2021 có 21 khách hàng, năm 2022 là 28 khách hàng và năm 2023 có 38 khách hành được Công ty vinh danh vì nuôi tôm đạt 15 con/kg.
Quy trình nuôi tôm CPF Combine được C.P. Việt Nam triển khai từ năm 2015. Hệ thống CPF Combine bao gồm: Hệ thống ao lắng, kênh xử lý nước nhanh, ao xử lý clo, ao sẵn sàng; hệ thống ao ương, ao tôm lứa, ao tôm thịt; hệ thống biogas, hệ thống ao xử lý thải; hệ thống tuần hoàn nước tái sử dụng.
Trong hệ thống CPF Combine, tôm được nuôi theo quy trình 3C, tức "3 sạch" (tôm sạch, nước sạch và đáy ao sạch), sử dụng Probiotic Farming (tăng cường vi khuẩn có lợi và hạn chế vi khuẩn có hại), các yếu tố môi trường được kiểm tra hàng ngày và điều chỉnh kịp thời.
Trong hệ thống CPF Combine, tôm được nuôi theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là ương tôm, thời gian ương 25 - 30 ngày tuổi, mật độ 1.000 - 2.000 con/m2. Khi tôm đã đạt kích cỡ 600 - 1.000 con/kg sẽ tiến hành san tôm qua giai đoạn 2.
Giai đoạn 2 là giai đoạn tôm lứa, mật độ nuôi 300 - 500 con/m2, thời gian nuôi 25 - 30 ngày tuổi. Khi tôm đạt kích cỡ 100 - 150 con/kg sẽ tiến hành san tôm qua ao tôm thịt (giai đoạn 3).
Ở giai đoạn tôm thịt, mật độ nuôi 150 - 200 con/m2, thời gian nuôi 30 - 40 ngày, kích cỡ thu hoạch 15 - 30 con/kg. Tuỳ theo tình hình thực tế của tôm và giá tôm trên thị trường mà người nuôi tôm tính toán kích cỡ, thời điểm thu hoạch để có lợi nhuận tối ưu.
Thực tế cho thấy, nuôi tôm 3 giai đoạn theo quy trình CPF Conbine đã mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế (lợi nhuận tốt nhờ tỷ lệ nuôi thành công trên 90%, năng suất cao, giá thành giảm), xã hội (nông dân từng bước nâng cao trình độ sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu) và môi trường.
Những năm qua, C.P. Việt Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, công nghệ giúp người nuôi tôm ở nhiều địa phương có thể tiếp cận và nuôi tôm 3 giai đoạn theo quy trình CPF Combine. Nhờ vậy, mô hình này đang lan tỏa rộng ở nhiều tỉnh, thành phố có nghề nuôi tôm trên cả nước. Theo Sở NN-PTNT Bến Tre, toàn tỉnh hiện có hơn 3.000ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, phần lớn trong đó là nuôi theo quy trình CPF Combine.