| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp quản lý dịch bệnh, ứng dụng công nghệ mới trong nuôi tôm

Thứ Bảy 16/12/2023 , 18:33 (GMT+7)

CÀ MAU Giải pháp quản lý môi trường và dịch bệnh trong nuôi tôm là cấp bách, cần thiết, giúp ngành tôm phát triển ổn định bền vững trong thời gian tới.

UBND tỉnh Cà Mau tổ chức 2 phiên hội thảo chuyên đề: 'Thực trạng và giải pháp quản lý môi trường và dịch bệnh trong nuôi tôm', 'Giới thiệu các sản phẩm công nghệ thiết bị mới trong ngành tôm'. Ảnh: Trọng Linh.

UBND tỉnh Cà Mau tổ chức 2 phiên hội thảo chuyên đề: “Thực trạng và giải pháp quản lý môi trường và dịch bệnh trong nuôi tôm”, “Giới thiệu các sản phẩm công nghệ thiết bị mới trong ngành tôm”. Ảnh: Trọng Linh.

Tiếp tục chuỗi hoạt động hội nghị, hội thảo liên quan đến sự phát triển ngành tôm, trong khuôn khổ sự kiện Festival Tôm, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức 2 phiên hội thảo chuyên đề: “Thực trạng và giải pháp quản lý môi trường và dịch bệnh trong nuôi tôm”, “Giới thiệu các sản phẩm công nghệ thiết bị mới trong ngành tôm”. 

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: Với tiềm năng và thế mạnh về nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước, với diện tích gần 300.00ha, trong đó, tôm thẻ chân trắng và tôm sú là 2 đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh với sản lượng tôm nuôi đạt trên 230.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD.

Hiện nay, người dân địa phương đang nuôi tôm với 5 loại hình chủ yếu: Nuôi tôm công nghiệp (bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh), tôm - lúa, tôm - rừng, quảng canh cải tiến và quảng canh kết hợp.

Nhiều đại biểu đưa ra đặt ra câu hỏi và sáng kiến trong nuôi tôm an toàn không dịch bệnh. Ảnh: Trọng Linh.

Nhiều đại biểu đưa ra đặt ra câu hỏi và sáng kiến trong nuôi tôm an toàn không dịch bệnh. Ảnh: Trọng Linh.

Tuy nhiên, ngành tôm của tỉnh Cà Mau vẫn còn những tồn tại, khó khăn nhất định. Biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi bất thường, dịch bệnh còn xảy ra và diễn biến phức tạp, môi trường bị ô nhiễm, vật tư đầu vào phục vụ cho nghề nuôi tôm luôn tăng trong khi giá cả đầu ra ở mức thấp, người nuôi đạt hiệu quả về năng suất nhưng không có hiệu quả về tài chính.

"Chính vì vậy, việc tổ chức hội thảo chuyên đề về giải pháp quản lý môi trường và dịch bệnh trong nuôi tôm là cấp bách, cần thiết, giúp ngành tôm của Cà Mau nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển ổn định bền vững trong thời gian tới", ông Sử nhận định.

Trong khi đó, các chuyên gia, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thủy sản đã giới thiệu những giải pháp kỹ thuật, quy trình, mô hình tiến tiến, áp dụng có hiệu quả, khả thi vào thực tiễn sản xuất, để có giải pháp quản lý tốt môi trường, dịch bệnh nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại cho người nuôi tôm, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, một số giải pháp quản lý dịch bệnh trong nuôi tôm được đưa ra như: Nghiên cứu chủng vi sinh bản địa đối kháng vi khuẩn Vibrio và ứng dụng sản xuất chế phẩm đối kháng vi khuẩn Vibrio trong nuôi tôm, ứng dụng các sản phẩm sản xuất theo công nghệ nano trong nuôi tôm hay giải pháp quan trắc tự động môi trường nuôi thủy sản.

Cần giải pháp toàn diện tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm hiện nay. Ảnh: Trọng Linh.

Cần giải pháp toàn diện tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm hiện nay. Ảnh: Trọng Linh.

Phiên hội thảo chuyên đề “Giới thiệu các sản phẩm công nghệ, thiết bị mới trong ngành tôm” đã ghi nhận nhiều sáng kiến về khoa học công nghệ mới, tiêu biểu cho ngành tôm trong thời gian qua.

Đại diện Công ty Công nghệ Trung Hải (TP Hồ Chí Minh) trình bày sáng kiến “Ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm thủy sản”. Ban Tổ chức đánh giá, giải pháp của Công ty là một công cụ hữu hiệu để giải quyết vấn đề về tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, quản lý chất lượng từ đầu vào đến sản phẩm cuối cùng.

Đại diện Công ty WESOLIFE (phường Tân Thành, TP Cà Mau) trình bày về công nghệ điện phân xử lý nước cấp cho ao nuôi tôm thay thế hóa chất, giảm giá thành và bảo vệ môi trường. Đây cũng là công nghệ lọt vào Top 10 cuộc thi Công nghệ đổi mới sáng tạo Quốc gia năm 2023.

Theo Ban Tổ chức, sáng kiến giải pháp công nghệ này không những giúp ngành giảm giá thành, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái mà còn giúp cho ngành tôm góp phần giảm phát thải “Carbonfootprint”, vượt qua rào cản kỹ thuật của thị trường quốc tế trong tương lai gần.

Kim ngạch xuất khẩu tôm tỉnh Cà Mau năm 2023 ước đạt trên 1 tỷ USD. Ảnh: Trọng Linh.

Kim ngạch xuất khẩu tôm tỉnh Cà Mau năm 2023 ước đạt trên 1 tỷ USD. Ảnh: Trọng Linh.

Công ty cổ phần Việt Nam FOOD (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) trình bày về công nghệ xử lý phụ phẩm ngành tôm, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Đây có thể coi như một trong những giải pháp công nghệ tiêu biểu cho sự chuyển mình của ngành nông nghiệp nói chung và ngành tôm nói riêng.

Giải pháp công nghệ ép đùn trong sản xuất thức ăn tôm, tăng hiệu quả, giảm giá thành và bảo vệ môi trường của Công ty Freeland (xã Khánh An, huyện U Minh) được đánh giá là bước đi tiên phong giải quyết khó khăn trong tình hình ngành tôm đã bị giảm sức cạnh tranh trầm trọng trên thị trường quốc tế do giá thành nuôi tôm của Việt cao hơn 20-30% so với các quốc gia khác.

Hiện, Việt Nam xuất khẩu tôm lớn thứ 2 trên thế giới, với kim ngach hàng năm 3,6-4,3 tỷ USD. Riêng sản lượng tôm thu hoạch của Cà Mau hàng năm đạt trên 250.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,2 tỉ USD vào năm 2022, dự kiến năm 2023 sẽ vẫn trên 1 tỷ USD. Sản phẩm tôm Cà Mau có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 4 thị trường chủ lực là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt

Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.