| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm sinh thái, hái bộn tiền

Thứ Ba 19/12/2023 , 06:40 (GMT+7)

CÀ MAU Với mô hình tôm - rừng, mỗi con nước có hộ dân bán tôm được khoảng 25 - 30 triệu đồng, có thời điểm trúng mùa, trúng giá thu nhập 100 triệu đồng/con nước.

Mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng tại Cà Mau đã đạt tiêu chuẩn quốc tế, vừa nâng cao giá trị sản phẩm, tạo được chuỗi liên kết và cải thiện đời sống cho người nuôi tôm tại huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) trong nhiều năm trở lại đây, bất chấp biến đổi khí hậu khắc nghiệt.

Mô hình nuôi tôm sinh thái tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đã đạt nhiều chứng nhận quốc tế như: Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP... Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình nuôi tôm sinh thái tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đã đạt nhiều chứng nhận quốc tế như: Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP... Ảnh: Trọng Linh.

Dưới cái nắng chói chang của tháng 11, chúng tôi về xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển. Nơi đây được xem là “thủ phủ tôm - rừng” của tỉnh Cà Mau, cũng là địa phương có diện tích nuôi tôm - rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế lớn nhất của tỉnh. Hiện nay xã có khoảng 1.170 hộ nuôi tôm với diện tích gần 5.870ha. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm sinh thái tại đây đã đạt hầu như tất cả các chứng nhận quốc tế như: Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP.

Thấy được hiệu quả của mô hình tôm - rừng, địa phương không ngừng duy trì mở rộng về diện tích, số hộ nuôi, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường dưới tán rừng. Ý thức chấp hành của người dân rất tốt, không có tình trạng nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn.

Ông Trần Minh Trí, ngụ ấp Tắc Biển, xã Viên An Ðông cho biết, gia đình có khoảng 15ha nuôi tôm - rừng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ðều đặn mỗi tháng, ông có thu nhập 50 - 60 triệu đồng từ việc bán tôm. “Giờ khoẻ lắm, đến con nước xổ vuông là thương lái tới tận nhà thu mua và trả tiền qua tài khoản ngân hàng. Trung bình mỗi con nước tôi bán tôm được khoảng 25 - 30 triệu đồng (mỗi tháng có 2 con nước), có thời điểm giá cao thu hoạch cả 100 triệu đồng/con nước, thấy ham lắm”, ông Trí chia sẻ.

Ông Trần Minh Trí (ấp Tắc Biển, xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển) bên ao nuôi tôm sinh thái. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Trần Minh Trí (ấp Tắc Biển, xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển) bên ao nuôi tôm sinh thái. Ảnh: Trọng Linh.

Theo Chủ tịch UBND xã Viên An Ðông, ông Lương Huỳnh Hảo, mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng được công nhận đạt các tiêu chuẩn quốc tế từ năm 2017. Từ đó đến nay, mô hình này đã trợ lực cho địa phương xây dựng nông thôn mới. Khâu bảo vệ môi trường đã giúp ích cho địa phương trong công tác xây dựng nông thôn mới.

“Nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế quy định người nuôi phải đảm bảo các điều kiện về chôn lấp rác thải, nuôi động vật phải nhốt chuồng và xử lý chất thải, ghi nhật ký mùa vụ, những chế phẩm sử dụng phải nằm trong danh mục cho phép, phù hợp với tiêu chuẩn quy định. Tuyệt đối không được thải chất thải ra môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới tôm nuôi”, ông Hảo thông tin.

Theo ông Hảo, ngoài việc thực hiện bảo vệ môi trường nuôi lành mạnh, không bị ô nhiễm, người nuôi tôm còn được hỗ trợ nhiều về kỹ thuật, tập huấn và được chi trả dịch vụ môi trường rừng với 500 ngàn đồng/ha/năm.

Mô hình tôm - rừng vừa giúp phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường sinh thái. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình tôm - rừng vừa giúp phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường sinh thái. Ảnh: Trọng Linh.

“Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng được phía doanh nghiệp thu mua hỗ trợ người dân bằng 2 hình thức là con giống hoặc bằng tiền. Mô hình còn có sự liên kết sản xuất từ khâu đầu vào đến đầu ra, giúp người dân an tâm sản xuất. Con giống thả nuôi phải đạt chất lượng. Giá thu mua tôm thương phẩm cao hơn thị trường từ 2 - 3 ngàn đồng/kg. Mỗi hộ trong vùng nuôi đều được tạo tài khoản ngân hàng, tất cả việc chi trả đều được doanh nghiệp thanh toán qua thẻ”, ông Hảo cho biết thêm.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú thông tin: Theo quy định của tiêu chuẩn hữu cơ của châu Âu (EC 2018/848, tiêu chuẩn EU Organic) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, sẽ không còn cho phép chứng nhận nhóm nông dân được thực hiện dưới sự quản lý trực tiếp của đơn vị xuất khẩu, chế biến, thương mại mà phải tiến hành đánh giá chứng nhận nhóm nông dân độc lập và có tư cách pháp nhân.

"Xã Viên An Ðông là xã trọng điểm làm chứng nhận tôm - rừng hữu cơ châu Âu. Theo kết quả năm 2022 và tái đánh giá hồi tháng 9/2023, xã có 521 hộ dân với diện tích 2.436ha đạt chứng nhận EU Organic. Các hộ dân thuộc 9 ấp trên địa bàn xã được tổ chức thành 17 HTX”, ông Quang cho biết.

Dự án nuôi tôm sinh thái của Công ty Minh Phú tại xã An Viên Đông. Ảnh: Trọng Linh.

Dự án nuôi tôm sinh thái của Công ty Minh Phú tại xã An Viên Đông. Ảnh: Trọng Linh.

Theo ông Quang, quy định của Việt Nam, bên cạnh 4 loại hình doanh nghiệp thì HTX là tổ chức có tư cách pháp nhân, đại diện nhóm nông dân. Tuy nhiên, việc vận động, tổ chức, góp vốn, vận hành hiệu quả HTX có số lượng hộ dân lớn và thực hiện chứng nhận quốc tế trong nuôi tôm - rừng đối với một doanh nghiệp là điều rất khó khăn.

“Vì vậy, cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. Khi HTX có quy mô lớn được vận hành thành công, doanh nghiệp và các bên liên quan sẽ tiến hành nhân rộng ra các địa phương khác đã được Công ty Minh Phú xây dựng vùng nuôi đạt chứng nhận quốc tế”, ông Quang mong muốn.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) cho biết: Ngọc Hiển hiện có hơn 23.000ha mặt nước nuôi thủy sản kết hợp dưới tán rừng ngập mặn với gần 11.400 hộ tham gia. Trong số đó đã có 19.400ha nuôi theo loại hình sinh thái, mỗi năm tạo ra hơn 4.000 tấn tôm sinh thái đạt các chứng nhận Naturland, EU Organic, Selva Shrimp, Mangrove Shrimp, Canada Organic, ASC, BAP...

Ngoài ra, các HTX, tổ hợp tác và hộ nuôi còn xây dựng các mô hình nuôi bán thâm canh (26.490ha), nuôi tôm thâm canh (hơn 260ha), quảng canh (hơn 6.900ha), mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 38.000 tấn tôm, cua các loại.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.