| Hotline: 0983.970.780

Nuôi bò 3B không ngại 'bão giá' thức ăn chăn nuôi

Thứ Sáu 03/06/2022 , 07:25 (GMT+7)

HÀ NỘI Trong bối cảnh giá thức ăn tinh tăng cao, chăn nuôi bò nói chung, nhất là nuôi bò thịt 3B có nhiều lợi thế nhờ tận dụng được thức ăn thô xanh, giảm chi phí.

Nuôi bò, hoàn hảo của nông nghiệp tuần hoàn 

Đưa chúng tôi đi xem khu chuồng trại chăn nuôi 130 con bò đực 3B vỗ béo nuôi hướng thịt, anh Vũ Kim Tuyền (35 tuổi, ở thôn 6, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết: “Trước kia, tôi cũng nuôi ngan, gà..., nhưng giá cả bấp bênh, không ổn định được như chăn nuôi bò. Từ cuối năm 2013, tại huyện Ba Vì có mô hình sản xuất giống bò 3B hướng thịt, tôi đã nuôi thử 2 con”.

Theo anh Tuyền, nuôi bò 3B không khó, bởi đây là giống bò có sức đề kháng, ăn uống tốt nên sản lượng thịt rất cao, bò tăng trưởng nhanh.

Anh Vũ Kim Tuyền bên chú bò 3B siêu thịt nuôi 28 tháng tuổi, đạt trọng lượng 930kg, bán với giá 95.000 đồng/kg hơi. Ảnh: NVCC.

Anh Vũ Kim Tuyền bên chú bò 3B siêu thịt nuôi 28 tháng tuổi, đạt trọng lượng 930kg, bán với giá 95.000 đồng/kg hơi. Ảnh: NVCC.

Khi mua bò, anh thường mua loại 4 - 5 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 140 - 150kg. Bò nuôi đến 8 - 9 tháng tuổi sẽ bắt đầu có kết quả vỗ béo khá rõ, trọng lượng tăng từ 0,8 – 1,2 kg/ngày. Sau một năm nuôi vỗ, trọng lượng của bò đạt xấp xỉ 500kg. Giá mua bò lúc đầu khoảng 20 triệu đồng/con, khi bán từ 38 - 45 triệu đồng/con, trừ chi phí lãi từ 10 - 12 triệu đồng/con.

Để đàn bò phát triển tốt, trên diện tích 3 ha, anh Tuyền vừa xây dựng chuồng trại vừa làm nơi trồng cỏ. Bên cạnh việc tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như rơm rạ, thân ngô tươi…, vào mùa thu hoạch ngô, anh còn thu mua cây ngô về ủ chua để dự trữ thức ăn cho bò vào mùa đông.

“Thân cây ngô sau khi thu gom sẽ được cắt nhỏ và ủ chua dự trữ trong 6 tháng. Ủ khoảng 20 ngày là có thể cho bò ăn được. Cây ngô ủ chua sẽ giảm được lượng cám (thức ăn tinh), giúp bò tăng trọng tốt từ 1 - 1,3 kg/ngày trong giai đoạn vỗ béo. Khi ăn thức ăn ủ chua, bò thương phẩm có màu thịt đỏ, vân thịt mịn, chất lượng thịt rất ngon”, anh Tuyền chia sẻ kinh nghiệm.

So sánh về lượng thức ăn chăn nuôi giữa bò ta và bò 3B, anh Tuyền thấy rõ hiệu quả vượt trội của nuôi bò 3B. Cụ thể, bò ta trọng lượng 400kg, trong giai đoạn vỗ béo cần cho ăn 4 - 5 kg thức ăn tinh để đạt tăng trọng 0,7 – 1kg hơi/ngày, giá bán chỉ đạt 72 - 78 nghìn đồng/kg hơi, còn với bò 3B trọng lượng tương tự thì có giá cao hơn, khoảng 87 - 95 nghìn đồng/kg.

Đa phần các nông hộ nuôi bò ta sau 2 năm sẽ đạt 500 kg, nhưng nếu là bò 3B thì chỉ cần 15 tháng đã đạt được trọng lượng này, có thể rút ngắn thời gian chăm sóc, giảm chi phí thức ăn, nhanh thu hồn vốn, tái đàn sớm.

Hiện tại, sau khi trừ mọi chi phí sản xuất, anh Tuyền thu lãi 800 – 1 tỷ đồng/năm nhờ bán con giống và bò thịt. Điều quan trọng là nuôi bò 3B không phải lo đầu ra, bởi bò 3B có chất lượng thịt ngon, tỷ lệ thịt cao, rất được các thương lái ưa chuộng. Anh chỉ cần “nhấc điện thoại lên” là thương lái đến ngay, không bao giờ bị ép giá.

"Bình chân như vại" trước giá thức ăn tăng cao

Theo các chuyên gia, giá thức ăn chiếm tới 65 – 70% giá thành trong chăn nuôi. Nhiều nông hộ đã và đang điêu đứng trước thực trạng chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao, dẫn đến lợi nhuận giảm trong thời gian qua.

Nuôi bò 3B giảm được rất nhiều chi phí nhờ tận dụng được nguồn thức ăn thô xanh, nhất là từ phụ phẩm trồng trọt. Ảnh: Diệu Vy.

Nuôi bò 3B giảm được rất nhiều chi phí nhờ tận dụng được nguồn thức ăn thô xanh, nhất là từ phụ phẩm trồng trọt. Ảnh: Diệu Vy.

Là người tiên phong nuôi bò 3B tại địa phương, anh Tuyền đã tự mày mò tìm cách khắc phục khó khăn này. “Chăn nuôi bò tiêu thụ rất nhiều thức ăn, chi phí cám công nghiệp tốn tới 1,2 triệu đồng/con/tháng, nên tôi tích cực sử dụng các nguyên liệu thay thế như rơm phơi khô, trước khi cho ăn tưới thêm rỉ mật, thức ăn ủ chua”, anh Tuyền cho biết.

Đặc biệt, chủ trại bò đã rút kinh nghiệm và tự hoàn thiện công thức nấu cám chín với nguyên liệu chính từ ngô. Công thức như sau: Giai đoạn tạo khung, sử dụng 50% ngô, 25% sắn, 25% cám gạo; giai đoạn vỗ béo tăng lên 70% ngô kèm thêm cám đậm đặc kết hợp cây ngô và cỏ ủ chua, giúp bò béo nhanh, đỏ thịt, lượng mỡ rất ít so với bò ta.

Kết quả thu được ngoài mong đợi. Trung bình mỗi con một tháng chỉ tốn 600 – 800 nghìn đồng tiền cám, rẻ hơn rất nhiều so với việc phải chi tới 1,2 – 1,5 triệu đồng để mua cám công nghiệp. Tuy nhiên, nuôi bò 3B không phải quá “dễ ăn” mà cũng phải đối mặt với khá nhiều khó khăn.

“Phải có diện tích đất lớn, bỏ ra nhiều công sức chăm sóc. Chi phí đầu tư con giống bò 3B đắt hơn giống bò ta từ 4 - 5 triệu đồng/con. Với trang trại có số lượng bò lớn hơn 100 con, chi phí đầu tư thức ăn hàng tháng cũng là vấn đề lớn, đòi hỏi phải duy trì được vốn kéo dài”, anh Tuyền dẫn một số khó khăn cụ thể đối với trại bò của mình.

Về khu vực chuồng trại, anh Tuyền chia sẻ: Giống bò 3B có thể chịu lạnh tốt, nhưng nếu nhiệt độ nóng trên 37 độ C thì bò sẽ phát triển chậm. Các nông hộ cần chú ý xây dựng khu vực chuồng trại thoáng mát, sử dụng quạt công nghiệp, hoặc phun nước làm mát từ trên mái xuống.  

Trong khi chăn nuôi gặp nhiều chật vật do chi phí thức ăn, vật tư tăng cao thì nuôi bò 3B vẫn 'vững chân như vại'. Ảnh: Diệu Vy.

Trong khi chăn nuôi gặp nhiều chật vật do chi phí thức ăn, vật tư tăng cao thì nuôi bò 3B vẫn "vững chân như vại". Ảnh: Diệu Vy.

Đối với những nông hộ mới bắt đầu chăn nuôi giống bò 3B, anh Tuyền khuyên nên mua bê 5 - 7 tháng tuổi. Bê sơ sinh thường có trọng lượng 30 - 35kg, mỗi tháng tăng 30kg thì 5 tháng sẽ đạt 180 kg hơi trở lên, sau khoảng 14 - 15 tháng thì xuất chuồng, trọng lượng sẽ đạt 580 – 620 kg, lợi nhuận thu về từ 12 - 16 triệu đồng/con. Trên thị trường hiện nay, bò 3B có giá khoảng 90 nghìn đồng/kg hơi. Lợi nhuận của nông dân đạt từ 700 đến 1 triệu đồng/con/tháng.

Với quy mô trang trại rộng, cần tiến hành công tác vệ sinh chuồng trại 2 lần/ngày, thu gom phân bò mang đi ủ để bón cho cỏ voi, giúp tiết kiệm được khá lớn chi phí trong bối cảnh giá phân bón đang tăng cao. Việc bón phân bò thay phân hóa học cũng đem lại hiệu quả rất tốt, không ảnh hưởng đến chất đất, tạo môi trường sạch để cỏ voi phát triển.

Là một thanh niên trẻ với nhiều hoài bão, anh Tuyền cho biết, trong tương lai, bên cạnh việc tiếp tục cung cấp con giống (bảo hành, hỗ trợ đầu ra cho người mua), bán bò thịt, trang trại của anh sẽ mở lò mổ, giới thiệu và bán thịt bò 3B chất lượng cao cho người dân Hà Nội, giá cả sẽ cạnh tranh vì không phải qua khâu trung gian.

Mặt khác, bên cạnh các dòng bò cái sinh sản Droughtmaster, Senepol... hiện có, sắp tới, trang trại sẽ bổ sung thêm 50 con bò cái sinh sản giống mới để cải thiện giống 3B tốt hơn.

Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi bò 3B, anh Tuyền lưu ý các nông hộ cần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, thường xuyên theo dõi lịch tiêm phòng vacxin phòng chống các bệnh phổ biến như: Bệnh viêm da nổi cục, tụ huyết trùng, lở mồm long móng...

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...