| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá chốt, tốt mọi bề

Thứ Sáu 01/12/2023 , 18:54 (GMT+7)

KIÊN GIANG Cá chốt dễ nuôi, cho thu nhập khá, có thể tận dụng mặt nước ao hồ để nuôi, tăng thu nhập cho nông dân

Huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) có diện tích tự nhiên trên 38.000ha, nông dân chủ yếu làm kinh tế nông hộ với hơn 33.000ha sản xuất nông nghiệp. Nhằm tận dụng những diện tích mặt nước ao hồ để tăng thêm giá trị kinh tế, những năm gần đây, trên địa bàn huyện đã có nhiều hộ nuôi cá chốt nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao do chưa nắm được kỹ thuật nuôi.

Nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp nông dân áp dụng vào sản xuất, năm 2023, được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thuận đã phối hợp với chính quyền phương triển khai 2 điểm mô hình nuôi cá chốt thương phẩm trong ao đất tại xã Vĩnh Phong và thị trấn Vĩnh Thuận. Mô hình thuộc chương trình phát triển nuôi thủy đặc sản ngước ngọt gắn với liên kết theo chuỗi giá trị năm 2023.

Mô hình nuôi cá chốt thương phẩm trong ao đất tại tại xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Ảnh: Diễm Trang.

Mô hình nuôi cá chốt thương phẩm trong ao đất tại tại xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Ảnh: Diễm Trang.

Mô hình có 02 hộ tham gia với quy mô 500m2/hộ, con giống được thả vào ngày 5/9/2023. Sau khi bơm cạn nước, lấp hang mọi, sên vét bùn đáy, bón vôi liều 7 - 10kg/100m2 kết hợp phơi đáy 3 ngày, sau đó người nuôi cấp nước vào ao qua túi lọc, mực nước 1,2m, sử dụng Iodine 2ml/m3 nước để khử trùng nước. Sau 2 - 3 ngày, tiến hành gây màu nước. Mật độ thả cá giống 40 con/m2, số lượng  20.000 con/điểm.

Tuần đầu sau khi thả giống sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm từ 40 - 42%, lượng thức ăn trong ngày từ 7 - 10% so với tổng khối lượng cá nuôi trong ao. Sang tuần thứ 2 đến cuối chu kỳ nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm giảm dần, nhưng đảm bảo trên 28%, lượng thức ăn trong ngày từ 3 - 7% so với tổng khối lượng cá nuôi trong ao. Cho ăn 2 lần/ngày (sáng, chiều).

Thức ăn được rải khắp ao, người nuôi sử dụng khung lưới để quan sát sự bắt mồi của cá, sử dụng sàn ăn để kiểm tra thức ăn. Đồng thời, trộn men tiêu hóa, vitamin C vào thức ăn giúp hỗ trợ đường ruột và tăng sức đề kháng cho cá (liều lượng 3 - 5gram/kg thức ăn).

Tháng đầu sau khi thả nuôi, người nuôi không thay nước, chỉ duy trì mực nước ổn định cho ao nuôi. Tháng thứ 2 trở đi, khoảng 10 – 15 ngày thay nước 1 lần, thay 20 – 30% lượng nước trong ao nuôi bằng nguồn nước sạch. Người nuôi thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước bằng cách sử dụng dụng cụ đo pH để kiểm tra biến động pH trong ngày để xử lý. Định kỳ sử dụng vôi, men vi sinh, chế phẩm sinh học... nhằm cải thiện môi trường nước, giúp đối tượng nuôi tăng trưởng và phát triển.

Mô hình nuôi cá chốt mở ra hướng đi mới nhằm tận dụng quỹ mặt nước ao hồ để gia tăng thu nhập cho nông dân. Ảnh: Diễm Trang.

Mô hình nuôi cá chốt mở ra hướng đi mới nhằm tận dụng quỹ mặt nước ao hồ để gia tăng thu nhập cho nông dân. Ảnh: Diễm Trang.

Đến thời điểm hiện tại, cá chốt đã nuôi được hơn 2 tháng, đạt trọng lượng trung bình 17g/con. Cá chốt nuôi khoảng 5 tháng mới thu hoạch, dự kiến khi thu hoạch cá đạt trọng lượng 25g/con. Năng suất dự kiến dao động từ 435 - 445kg/hộ (500m2). 

Cá chốt dễ nuôi, thích nghi với điều kiện tại địa phương, 02 tháng đầu tăng trưởng rất nhanh, người nuôi rất dễ chăm sóc, thức ăn chủ yếu dạng viên. Mô hình hướng nông dân sản xuất theo công nghiệp, chủ động được nguồn thức ăn, giúp người nuôi nắm được quy trình kỹ thuật nuôi cá chốt thương phẩm trong ao đất sử dụng thức ăn công nghiệp, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi tại địa phương.

Cái khó hiện nay là chưa chủ động được nguồn giống nên tiến độ thả giống bị chậm so với kế hoạch. Khâu chuẩn bị ao chưa tốt nên khi thả giống cá hao hụt nhiều...

Mặc dù vậy, mô hình nuôi cá chốt thương phẩm là hướng đi mới, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, tìm đối tượng nuôi mới phù hợp với nguồn nước của địa phương để phát triển thuỷ sản.

Xem thêm
Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất