| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá hồng Mỹ thu hơn 500 triệu đồng mỗi năm

Thứ Năm 16/11/2023 , 11:26 (GMT+7)

Mô hình nuôi cá hồng Mỹ đang giúp nhiều nông dân Thanh Hóa có thu nhập cao. Tuy nhiên, nhiều người dân phải tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

Mỗi năm thu hơn 500 triệu đồng

Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng để phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản nhờ sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, phong phú về nguồn lợi thủy sản. Trong những năm qua kinh tế thủy sản nói chung, nuôi trồng thủy sản nói riêng đã đóng góp không nhỏ trong cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương. Các mô hình nuôi trồng thủy sản, trong đó phải kể đến mô hình nuôi cá hồng Mỹ bước đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều bà con nông dân.

Cá hồng Mỹ giúp anh Vũ có thu nhập ổn định. Ảnh: Quốc Toản.

Cá hồng Mỹ giúp anh Vũ có thu nhập ổn định. Ảnh: Quốc Toản.

Anh Vũ Đình Vũ (tổ dân phố Thành Thắng, phường Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa) có thâm niên nuôi trồng thủy sản hơn chục năm nay. Ban đầu anh đầu tư ao để nuôi tôm sú, nhưng không mấy hiệu quả nên chuyển sang mô hình nuôi cá hồng Mỹ.

Sau khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa tư vấn, hỗ trợ con giống và kỹ thuật nuôi, anh Vũ đã cải tạo ao nuôi rộng 1,7 ha, nhập 2.000 con giống để nuôi thử nghiệm. Nhờ khai thác tốt lợi thế vùng triều và nguồn thức ăn có sẵn từ tàu khai thác hải sản ở địa phương nên anh Vũ khá thuận lợi trong việc phát triển mô hình. Năm đầu tiên nuôi thử nghiệm, anh Vũ xuất bán khoảng 2 tấn cá hồng Mỹ, đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Thành công bước đầu với mô hình nuôi cá hồng Mỹ, anh Vũ quyết định mở rộng số lượng nuôi lên 5.000 con giống kết hợp với dịch vụ ăn uống, câu cá giải trí. Năm 2023, ước tính sản lượng cá hồng Mỹ đạt 5 tấn, cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh lãi khoảng 250 triệu đồng.

“Cá hồng Mỹ là loài cá có giá trị kinh tế cao và ổn định, ít rủi ro dịch bệnh. Giá bán phụ thuộc vào trọng lượng và mức độ ổn định giá cả thị trường (giá bán trung bình khoảng 100.000 đồng/kg). Cá hồng Mỹ chỉ nuôi khoảng 7-8 tháng là có thể xuất bán. Cá hồng Mỹ thịt ngon, đậm vị, chế biến được nhiều món ăn nên thực khách rất ưa chuộng. Cá tiêu thụ tốt nhất vào mùa hè và mùa đông”, anh Vũ chia sẻ.

Cá hồng Mỹ nuôi khoảng 7-8 tháng có thể xuất bán với giá 100.000 đồng/kg. Ảnh: Quốc Toản.

Cá hồng Mỹ nuôi khoảng 7-8 tháng có thể xuất bán với giá 100.000 đồng/kg. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Trần Văn Sơn (thôn Đô Lương, Nga Thủy, Nga Sơn, Thanh Hóa) là một trong số các hộ dân tiên phong nuôi cá hồng Mỹ tại địa phương. Sau 4 năm nuôi cá hồng Mỹ, anh Sơn nhận thấy, loài cá này khỏe hơn nhiều lần so với các loại thủy sản khác, ít rủi ro, kỹ thuật chăm sóc không quá phức tạp, giá thành ổn định, chất lượng đảm bảo, chi phí nuôi thấp hơn so với các loại cá truyền thống.

Anh Sơn lưu ý, trong quá trình nuôi, định kỳ 1 tháng 1 lần phải xử lý mùn bã hữu cơ cũng như thức ăn dư thừa lắng xuống đáy ao. Thức ăn cho cá hồng Mỹ là thức ăn công nghiệp với hàm lượng độ đạm trên 43%. Tùy theo giai đoạn phát triển của cá để bổ sung lượng đạm và lượng thức ăn phù hợp.

Năm 2023, dự kiến sản lượng cá hồng Mỹ trong ao nuôi của anh Sơn đạt khoảng 4 tấn. Sau khi trừ chi phí, anh Huy lãi gần 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi cá hồng Mỹ đang gặp khó vì đầu ra sản phẩm. Đa số các chủ ao, đầm đều phải tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ; việc liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế khiến sản phẩm chưa phổ biến trên thị trường...

Tỷ lệ an toàn cao

Cá hồng Mỹ hay còn gọi là cá đù đỏ được nhập cá bột về Việt Nam lần đầu tiên từ năm 1999. Sau một thời gian nuôi, cá hồng Mỹ đã thể hiện được những đặc tính ưu việt như: Sinh trưởng nhanh, thích nghi với điều kiện môi trường, phù hợp nuôi trong môi trường ao đất, bể xi măng cho đến nuôi trong lồng ở các môi trường nước khác nhau (mặn, lợ).

Ngoài giá trị kinh tế mang lại, cá hồng Mỹ còn được coi như một đối tượng nuôi phù hợp trong các ao nuôi tôm sú bị dịch bệnh. Hơn nữa, cá hồng Mỹ trong quá trình nuôi ít bị hao hụt nên năng suất rất cao. 

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cá hồng Mỹ được nuôi ở các xã Hoằng Yến (huyện Hoằng Hóa), xã Đa Lộc, Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), xã Nga Thủy, Nga Tân (huyện Nga Sơn), phường Quảng Cư (thành phố Sầm Sơn), phường Xuân Lâm (thị xã Nghi Sơn)…

Để xây dựng và phát triển mô hình nuôi cá hồng Mỹ, Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ kỹ thuật, con giống cho bà con gắn với tiêu thụ sản phẩm. Kết quả cho thấy, với hình thức nuôi cá hồng Mỹ thâm canh cho ăn thức ăn công nghiệp 100%, sau 10 tháng nuôi, cá đạt kích cỡ 0,9-1kg. Với diện tích nuôi 10.000m2, sau khi trừ chi phí thu được khoảng 150 - 200 triệu/ha. So với nuôi tôm sú quảng canh cải tiến thì thu nhập gấp nhiều lần.

Cá hồng Mỹ là loài ăn tạp, thích nghi tốt với môi trường và ít dịch bệnh. Ảnh: Quốc Toản.

Cá hồng Mỹ là loài ăn tạp, thích nghi tốt với môi trường và ít dịch bệnh. Ảnh: Quốc Toản.

Cá hồng Mỹ có khả năng chịu lạnh, nuôi được vào mùa đông và có tiềm năng chế biến thành các sản phẩm có giá trị gia tăng, mang lại thu nhập cao cho bà con. Qua đánh giá theo dõi các mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa khẳng định cá hồng Mỹ là đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên ở miền Bắc nói chung và Thanh Hóa nói riêng và có thể nhân rộng mô hình tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hóa, bên cạnh nuôi thâm canh, cá hồng Mỹ có thể nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến, bán thâm canh tùy vào năng lực về vốn và nhu cầu thị trường. Cá hồng Mỹ là loài cá dữ, săn mồi, có thể tận dụng thức ăn tự nhiên như cá tạp, rô phi hoang, moi... trong môi trường tự nhiên, qua đó giảm chi phí thức ăn, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.