| Hotline: 0983.970.780

Lối thoát cho ngành hàng cá sấu

Thứ Năm 16/11/2023 , 16:41 (GMT+7)

Ngoài phát triển tiềm năng du lịch giải trí, thì việc gây nuôi và chế biến các sản phẩm từ cá sấu cũng góp phần bảo tồn loại động vật hoang dã này.

Soi trứng cá sấu trước khi ấp nở. Ảnh: Trần Phi.

Soi trứng cá sấu trước khi ấp nở. Ảnh: Trần Phi.

Tại Vườn Chim thú Đầm Sen đang nuôi dưỡng và chăm sóc hàng trăm cá thể cá sấu nước ngọt hay còn gọi cá sấu xiêm. Hằng năm, Đầm Sen còn chào đón hơn 600 cá thể cá sấu con ra đời nhờ phương pháp ấp nở nhân tạo, đây là thành công lớn trong công tác nhân giống và bảo tồn loài này.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Quản lý Công viên Văn hóa Đầm Sen cho biết, chương trình bảo tồn cá sấu nước ngọt tại đây có sự tham gia đông đảo của các em học sinh, sinh viên.

“Tham gia chương trình, các em được tìm hiểu về hình thái, đặc tính sinh sản, môi trường sống, cách chăm sóc thực tế cá sấu; trực tiếp quan sát ổ đẻ trứng, cách thu nhận trứng để không ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi”, ông Cường chia sẻ.

Sau đó, mỗi nhóm du khách sẽ mang trứng vào khu ấp trứng nhân tạo để tìm hiểu quy trình ấp và làm tổ ấp. Các bạn được hướng dẫn về điều kiện ấp trứng, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. 

Cuối cùng là “đỡ đẻ” và chăm sóc cho cá sấu con, các bạn sẽ đeo tai nghe và đặt xuống dưới tổ ấp để nghe âm thanh các chú cá sấu con đòi chào đời, lấy trứng lên, làm bể vỏ giúp cá sấu con chui ra.

Nhờ tham gia Công ước quốc tế bảo tồn động vật hoang dã (CITES) từ năm 1993, tại Việt Nam, những năm gần đây việc nuôi cá sấu quy mô lớn ngày càng phổ biến. Đặc biệt là Công ty TNHH cá sấu Hoa Cà (TP.HCM) - Đơn vị tiên phong xây dựng làng nghề nuôi cá sấu với tên gọi mới là Làng nghề cá sấu Sài Gòn thuộc HTX Nông Nghiệp Xuân Lộc, quận 12, TP.HCM.

Cá sấu được bảo tồn và khai thác du lịch trải nghiệm tại huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: Lê Bình.

Cá sấu được bảo tồn và khai thác du lịch trải nghiệm tại huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: Lê Bình.

Ông Huỳnh Châu Tiến, Trưởng bộ phận chăn nuôi Làng nghề cá sấu Sài Gòn cho biết, mùa đẻ trứng của cá sấu vào tháng 2 đến tháng 6 hằng năm.

“Năm nay, thời tiết thất thường, nhiệt độ tăng cao nên tỷ lệ nở khá thấp, chưa đạt 50%. Cũng theo ông Tiến, cá sấu thương phẩm được nuôi riêng trong những chuồng lưới sắt rộng, có cả sân phơi nắng.

Anh Lê Đắc Thành, Trại phó chăm sóc cá sấu, Làng nghề Cá Sấu Sài Gòn cho biết, những con cá ở đây được cho ăn từ bé nên không có những tập tính săn mồi cao, chỉ khi nào vào mùa sinh sản thì cá sấu có bản tính giữ con, nên sẽ hung dữ hơn bình thường.

“Đa số cá sấu đẻ trứng vào ban đêm nên việc đi lấy trứng vào ban đêm nguy hiểm hơn. Những con cá sấu mà còn tơ thì sẽ ít giữ trứng so với những con già hơn”, anh Thành chia sẻ.

Ông Tôn Thất Hưng - Giám đốc Làng nghề cá sấu Sài Gòn cho biết, trại này thành lập từ năm 1987, sau đó đến năm 2000 thì mới được chuyên gia quốc tế thẩm định. Trong khái niệm khai thác động vật hoang dã gọi là khai thác bền vững, đối với cá sấu thì tức là thế hệ thứ 2 mới được bán, còn nếu đánh bắt ngoài tự nhiên thì sẽ bị tước giấy phép ngay.

Nhiều món ăn đa dạng có thể được chế biến từ thịt cá sấu. Ảnh: Trần Phi.

Nhiều món ăn đa dạng có thể được chế biến từ thịt cá sấu. Ảnh: Trần Phi.

Không chỉ tạo ra giá trị thương phẩm cho loại động vật này bằng sản phẩm thời trang làm từ da, răng, móng cá sấu, Làng nghề cá sấu Sài Gòn còn nghiên cứu đưa vào 25 món ăn chế biến từ thịt cá sấu như chả giò, gỏi sấu, thịt sấu hấp gừng, cà ri,... dưới các hình thức chế biến sẵn, đóng gói và đông lạnh...

Theo ông Nguyễn Quang Hoàng, Phó trạm trưởng Trạm cứu hộ động vật hoang dã - Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, mặc dù có những khó khăn, nhưng việc chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ cá sấu vẫn là lối thoát cho ngành hàng này.

“Để duy trì và phát triển ngành hàng cá sấu, các trang trại và cơ sở chế biến cần tìm cách thay đổi và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm từ cá sấu. Cần xây dựng chiến lược marketing hiệu quả để quảng bá và tiếp cận đúng đối tượng khách hàng. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và mở rộng mạng lưới tiếp thị quốc tế là rất quan trọng để tăng doanh thu và phát triển trong thời gian dài”.

Xem thêm
Đã đến lúc nghĩ về phục hồi môi trường nuôi tôm, cá

Ngành nông nghiệp đang đi phục hồi dinh dưỡng đất; thủy sản cũng đã bắt đầu đến lúc nghĩ về phục hồi môi trường nuôi, Cục trưởng Trần Đình Luân nói.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.