| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá lóc lót bạt trên cát đầu tư thấp, thu nhập cao

Chủ Nhật 27/03/2022 , 13:29 (GMT+7)

Quảng Nam Cá lóc nuôi trong ao lót bạt chủ động được nguồn nước, dễ dàng vệ sinh ao nuôi đồng thời kiểm soát được dịch bệnh, do vậy hiệu quả kinh tế cũng tăng lên.

Cá lóc nuôi trong ao lót bạt có thể chủ động được nguồn nước, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Ảnh: L.K.

Cá lóc nuôi trong ao lót bạt có thể chủ động được nguồn nước, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Ảnh: L.K.

Vùng đất xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đa phần là cát trắng, khô cằn, màu xanh nổi lên ở đây chủ yếu là các loại cây dại. Chính vì thế, nhiều người dân địa phương đã quyết định chuyển đến những vị trí mới để thuận lợi cho việc làm ăn, sinh sống. Thế nhưng, anh Nguyễn Kim (45 tuổi, trú thôn Lạc Câu, xã Bình Dương) lại quyết định ở lại mảnh đất của cha ông để làm giàu từ mô hình nuôi cá lóc lót bạt trên cát.

Anh Kim cho biết, vào năm 2017, khi biết trong tỉnh Quảng Nam có một số mô hình nuôi cá lóc đầu nhím tương đối hiệu quả, anh đã lên mạng internet mày mò tìm hiểu đồng thời lặn lội đến nhiều nơi để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Khi đã trang bị được cho mình kiến thức về kỹ thuật nuôi, anh Kim trở về nhà bắt tay vào thực hiện mô hình.

Thời gian đầu, để tránh rủi ro gây thiệt hại lớn, anh Kim chỉ đầu tư xây dựng 2 ao nuôi và mua 20.000 con cá giống về thử nghiệm. Trong quá trình nuôi, anh thường xuyên quan sát, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cá để xem điều kiện nuôi đã phù hợp hay chưa. Từ đó, những vấn đề khó khăn gặp phải sẽ nhanh chóng được phát hiện và tìm phương án xử lý tốt nhất.

Mỗi năm, anh Kim xuất ra thị trường khoảng trên 40 tấn cá lóc thương phẩm. Ảnh: L.K.

Mỗi năm, anh Kim xuất ra thị trường khoảng trên 40 tấn cá lóc thương phẩm. Ảnh: L.K.

Với tâm huyết và thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, sau 7 tháng nuôi, vụ cá đầu tiên đã mang lại cho anh Kim thành công như mong đợi. Từ hiệu quả của mô hình này, mỗi năm anh Kim dần dần mở rộng diện tích nuôi. Đến nay, gia đình anh đã có 11 ao nuôi cá với đủ các loại lứa tuổi. Bằng hình thức cuốn chiếu, đều đặn mỗi tháng gia đình anh lại có 1 lứa cá xuất bán với trọng lượng trung bình từ 0,8 – 1kg.

“Nuôi cá lóc bằng hình thức lót bạt trên cát này chi phí đầu tư ban đầu không lớn. Các ao nuôi mà tôi đang làm chỉ có xây tường gạch bao quanh với diện tích khoảng 60m2, cao tầm 1m, phía trong lót bạt cao su 2 mặt. Loại bạt này có thời gian sử dụng đến 2 năm, nuôi được 3 vụ. Ngoài ra cũng đầu tư thêm hệ thống dây giăng, lưới che…

Tốn kém nhất vẫn là tiền thức ăn và tiền giống, với 11 ao nuôi hiện tại, mỗi năm tôi tốn khoảng 2 tỷ đồng chi phí cho 2 khoản này. Bù lại, trong quá trình nuôi cá trong ao của tôi đều phát triển rất tốt. Mỗi năm tôi bán ra thị trường khoảng trên 40 tấn cá thương phẩm, với giá bán dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí thì gia đình cũng lãi được 200 triệu đồng”, anh Kim bộc bạch.  

Theo anh Kim, để mô hình đạt hiệu quả thì chất lượng giống cần phải đảm bảo. Hiện nay, anh Kim đang lấy nguồn giống chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng chính là môi trường nuôi phải sạch. Để giải quyết vấn đề này, cách khu vực nuôi khoảng 50m, anh Kim đầu tư hệ thống giếng khoan và xây dựng 1 ao cấp nước với dung tích trên 600m3, đủ lượng nước cung cấp 1 lần cho toàn bộ ao nuôi.

Hiện nay, anh Kim đang có 11 ao nuôi cá lóc với đủ các lứa tuổi khác nhau. Ảnh: L.K.

Hiện nay, anh Kim đang có 11 ao nuôi cá lóc với đủ các lứa tuổi khác nhau. Ảnh: L.K.

“Hiện nay, các ao nuôi của tôi mỗi ngày đều thay nước và vệ sinh 1 lần. Toàn bộ nước và chất thải sẽ theo hệ thống mương dẫn chuyển về ao nuôi cá trê phía dưới. Việc thay nước thường xuyên như vậy sẽ đảm bảo cá luôn sống trong môi trường sạch, đồng thời nếu cá gặp vấn đề về sức khỏe cũng dễ dàng phát hiện và can thiệp kịp thời”, anh Kim chia sẻ.  

Cũng theo anh Kim, với cách làm như vậy mà từ lúc bắt đầu thực hiện mô hình đến nay các ao cá của anh chưa bị dịch bệnh gây thiệt hại lớn, tỷ lệ hao hụt thấp. Mỗi ao nuôi hiện nay anh Kim đang thả khoảng 15.000 con giống. Tính từ lúc nuôi đến khi thu hoạch (khoảng 8 tháng) tỷ lệ hao hụt chưa tới 30%. Bên cạnh đó, với nguồn sản phẩm chất lượng nên sản lượng cá lóc của anh được bao nhiêu đều được thương lái đến tận nơi thu mua, đầu ra luôn ổn định.

Được biết, với sự thành công từ mô hình nuôi cá lóc lót bạt trên cát này, hiện nay anh Kim đang đầu tư xây dựng 2 ao nuôi khác để thử nghiệm với loài cá diêu hồng. Tại Quảng Nam, đa số người dân vẫn thường nuôi trong lồng bè trên sông hoặc hồ đập. Do môi trường sống không ổn định cùng với thiên tai, lũ lụt thường xuyên tác động gây thiệt hại cho các hộ nuôi. Anh Kim cho rằng, việc chuyển qua nuôi trong ao sẽ lót bạt trên cát này thì người nuôi chủ động hơn, hạn chế được rủi ro nên kỳ vọng hiệu quả cũng sẽ cao hơn.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.