| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá tầm Nga lấy trứng trên độ cao gần 1.000m

Thứ Năm 04/06/2020 , 08:47 (GMT+7)

Với độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển, quanh năm có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt là nơi sống tốt của đàn cá tầm Nga được nuôi để lấy trứng.

Giữa năm 2011, con cá tầm từ nước Nga xa xôi đã có mặt tại xã vùng cao Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định). Cá tầm Nga được Công ty TNHH một thành viên cá tầm Việt Nam - Bình Định đưa về nuôi trong lòng hồ A của Thủy điện Vĩnh Sơn nằm trên địa bàn làng K3. Trước đó 1 năm, chuyên gia người Nga đã đến khảo sát và đánh giá điều kiện tự nhiên và khí hậu của hồ thủy điện Vĩnh Sơn phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của cá tầm.

Khu vực nuôi cá tầm Nga trong lòng hồ Thủy Điện Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Khu vực nuôi cá tầm Nga trong lòng hồ Thủy Điện Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Xã Vĩnh Sơn nằm cách thành phố Quy Nhơn hơn 100km về phía Tây, giáp với tỉnh Gia Lai. Khi hậu ở đây luôn mát mẻ chẳng khác gì Đà Lạt. Những thời điểm nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ở thành phố Quy Nhơn xấp xỉ 40 độ C thì ở Vĩnh Sơn chỉ gần 30 độ. Đây là điều kiện lý tưởng nuôi cá tầm.

“Hồ A Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn nằm ở độ cao 776m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình của nước hồ từ 22 - 25 độ, chất lượng nước tốt và phù hợp với đặc tính sinh học của các loại cá tầm. Khí hậu ở Vĩnh Sơn mát mẻ, hồ thủy điện có nguồn nước dồi dào, nước sâu và trong lành. Các yếu tố sinh, lý, hóa trong nước ổn định, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển cá tầm Nga. Bởi vậy, việc đầu tư nuôi cá tầm Nga tại đây có triển vọng tốt”, ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, cho hay.

Để chuẩn bị cho công cuộc phát triển nuôi cá tầm dài hơi tại Vĩnh Sơn, Công ty TNHH một thành viên cá tầm Việt Nam - Bình Định đã xây dựng hệ thống bè nuôi trên hồ dài hơn 300m với 100 ô, mỗi ô rộng 38m2. Khởi điểm, công ty thả nuôi được 25 ô với 41.000 con.

Cá tầm Nga nuôi trong lòng hồ Thủy Điện Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cá tầm Nga nuôi trong lòng hồ Thủy Điện Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Là loại cá “thượng lưu” nên cách chăm sóc cho chúng rất công phu. Từ khi mua cá giống về phải thả vào các bể composite giữ ở nhiệt độ 19 độ sau khoảng thời gian 9 giờ đồng hồ cho cá quen với môi trường xong mới thả xuống các bè nuôi.

Thức ăn dành cho cá cũng được sản xuất riêng, phải đặt hàng từ các nhà máy chế biến thức ăn. Cá ăn liên tục 8 lần/ngày, kể cả ban đêm. Sau 10 ngày phải tắm cá bằng thuốc để loại bỏ các ký sinh trên cá. Lưới bao quanh bè và máng ăn cũng được vệ sinh diệt khuẩn 15 ngày/lần.

Theo các bác sĩ ngư y ở đây, cá tầm Nga có nguồn gốc xứ ôn đới là loại rất khó nuôi ở xứ nhiệt đới và rất dễ bị chết khi thức ăn không bảo đảm khẩu phần và độ dinh dưỡng; nguồn nước bị thay đổi đột ngột. Bởi vậy, chúng cần được chăm sóc đặc biệt.

Từ sáng sớm, đội ngũ chăm sóc cá tầm đã có mặt trên các lồng bè để tiến hành kiểm tra độ an toàn của lồng cá và lưới; pha trộn thức ăn và cho cá ăn theo khẩu phần cho từng loại cá đã được phân loại và thả nuôi ở từng ô lồng khác nhau.

Thợ lặn lặn xuống ô lồng sâu 5m để kiểm tra sức khỏe của cá. Các công đoạn chăm sóc cá được triển khai kỹ lưỡng và rất khoa học. Khi một con cá có triệu chứng khác thường, chúng được vớt lên và được bác sĩ ngư y chăm sóc với chế độ đặc biệt.

“Dự kiến, giai đoạn 2011 - 2020, nuôi cá tầm ở hồ thủy điện Vĩnh Sơn sẽ ổn định tổng sản lượng là 1.000 tấn, trong đó có 840 tấn cá tầm thịt và 160 tấn cá tầm nuôi để lấy trứng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây giá cá tầm thịt trên thế giới bị sụt giảm mạnh, nên hiện ở Vĩnh Sơn chỉ còn nuôi 12.000 con cá tầm sinh sản để lấy trứng. Hầu hết các giống cá tầm phải mất ít nhất 5 năm để đạt độ tuổi trưởng thành và đẻ trứng. Một cá tầm cái lớn có thể đẻ trung bình 18kg trứng khi đến thời kỳ thu hoạch”, ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định.

Xem thêm
Bình Thuận hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh VMS tàu cá

Tỉnh Bình Thuận sẽ hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh thiết bị giám sát hành trình (VMS) tàu cá trên địa bàn nhằm giúp ngư dân bớt khó khăn, gỡ ‘thẻ vàng’.

Xuất khẩu thủy sản 10 tháng đạt hơn 8,3 tỷ USD, lạc quan về đích

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2024 tự tin sẽ về đích với con số 10 tỷ USD.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.