| Hotline: 0983.970.780

Mở ra cơ hội mới từ mô hình nuôi cá tầm ở huyện miền núi Bình Liêu

Thứ Sáu 23/11/2018 , 06:01 (GMT+7)

Mô hình nuôi cá tầm tại xã Đồng Văn, một xã vùng cao của huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) đang mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình này được HTX Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc triển khai từ năm 2015.

Nuôi cá tầm tại xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu mang lại hiệu quả cao

Để phát huy lợi thế và tiềm năng sẵn có, ngay từ năm 2015, Phòng NN-PTNT huyện Bình Liêu đã phối hợp với một số DN, HTX trong và ngoài tỉnh tiến hành khảo sát và nuôi thử nghiệm cá hồi, cá tầm tại hai điểm là thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn và thôn Sú Cáu, xã Húc Động.

Sau quá trình nuôi thử nghiệm, cá sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, nguồn nước ở địa phương. Ông Hoàng Xuân Tân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bình Liêu, cho biết: Để triển khai một cách có hiệu quả mô hình nuôi cá nước lạnh, cùng với kết quả nuôi thử nghiệm khả quan thì huyện cũng đã huy động nguồn lực đầu tư cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Mô hình nuôi cá nước lạnh thành công sẽ giúp người dân trong huyện mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững.

Đầu năm 2016, HTX Phát triển nông nghiệp và thuỷ sản Đông Bắc đã tiến hành nuôi thử nghiệm lứa đầu với 300 con cá tầm Sibri. Sau đó, HTX tiếp tục nhập hơn 1 vạn con cá tầm với giá khoảng 8.000 đồng/con và 500 con cá hồi Vân cho 500m2 ao (trong đó có 5 ao to và một số bể nhỏ ươm cá giống) trên diện tích 3.000m2 đất.

Ao nuôi được bố trí theo kiểu phân cấp từ trên cao xuống thông qua đập nước và hệ thống ống dẫn phi 140 và phi 90 để nguồn nước có thể lưu thông liên tục, đảm bảo cung cấp lượng oxi cần thiết cho cá. Trên mỗi ao có bạt che phủ 2/3 diện tích ao để tạo bóng râm, có hệ thống lọc rác thải và hệ thống xả nước. Chi phí đầu tư cho hệ thống ao nuôi khoảng trên 1 tỷ đồng. Sau hơn 7 tháng nuôi, những con cá tầm hiện đã tăng trưởng và phát triển mạnh, lứa cá đầu tăng trưởng bình quân 2,5-3kg/con/tháng và đặc biệt là tỷ lệ sống đạt trên 90%. Giá cá tầm thương phẩm tại ao nuôi là 200.000 đồng/kg.

Ông Đoàn Đình Kha, GĐ HTX Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc, cho biết: Qua khảo sát nhiều địa bàn trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy khu vực Khe Tiền đảm bảo đầy đủ các yếu tố về nhiệt độ, nguồn nước, diện tích ao hồ... để phát triển mô hình nuôi cá tầm. Về quy trình nuôi, cá tầm được ươm giống từ Sa Pa (Lào Cai) khi được một tuần tuổi thì đưa về HTX nuôi trong ao nhỏ có diện tích 3m2. Sau 3 tháng cá phát triển đạt 100g/con chuyển sang ao có diện tích 12m2; cá đạt 500g/con chuyển sang ao nuôi 30m2; cá tầm đạt trọng lượng 1kg/con sẽ chuyển sang ao lớn có diện tích 300m2 đến lúc thu hoạch.

Tuy thời gian nuôi lâu, từ 13-17 tháng mới thu hoạch, nhưng cá tầm có trọng lượng lớn, có thể đạt 30kg/con, thậm chí lên tới 40kg/con. Tại mô hình nuôi cá tầm ở thôn Khe Tiền, cá cung cấp ra thị trường đạt kích cỡ bình quân từ 10-20kg/con. Giá cá tầm hiện nay khá ổn định, dao động từ 200.000-250.000 đồng/kg.

Để thường xuyên cung ứng sản phẩm cho thị trường, HTX Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc thực hiện nuôi cá gối nhau, mỗi đợt nuôi cách nhau từ 5-7 tháng. Hiện tại, HTX đang có 3,5 vạn con cá, trong đó có 1 vạn con đang cho thu hoạch. Mỗi đợt, HTX thu hoạch 2-3 tấn.

Ảnh: T.D

Từ mô hình này, HTX Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc đạt doanh thu 3 tỷ đồng/năm. Không những vậy, HTX còn tạo việc làm cho nhiều lao động là người dân địa phương với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng.

“Chúng tôi đang thực hiện quy trình nuôi cá tầm theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo sản phẩm cá an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Trong thời gian tới, HTX tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình nuôi cá sang địa bàn xã Húc Động, tiến tới xây dựng thương hiệu cá tầm Bình Liêu”, ông Kha chia sẻ thêm.

Đánh giá về mô hình nuôi cá tầm ở thôn Khe Tiền, ông Tân cho biết: Mô hình nuôi cá tầm của HTX Phát triển nông nghiệp thủy sản Đông Bắc mở ra cơ hội lớn cho Bình Liêu trong phát triển sản phẩm không phải thế mạnh của huyện. Điều này đã góp phần khích lệ các DN, HTX đầu tư các mô hình mới, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn huyện.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.