Khác với ao kiểu truyền thống thường phải đào rất sâu, ao nổi chỉ cần đào sâu từ 30 - 50cm rồi chủ yếu lấy lớp đất mầu đắp thành bờ cao từ 1,5 - 2m. Khối lượng đào đắp chỉ đủ đắp bờ so với ao kiểu cũ sẽ ít hơn từ 30 - 50% trong khi tăng diện tích mặt nước lên trên 80% và hiếm khi phải nạo vét bùn.
Nuôi trong ao nổi cá sẽ không bị sốc chua, bờ ao không bị đất chua nên có thể trồng cây ngay, thao tác khi thu hoạch cá chỉ cần tháo cống, không cần phải sử dụng máy bơm và nạo vét nhanh hơn so với kiểu ao truyền thống.
Khi xây dựng ao phải có hướng cho cá, hướng cho ăn sẽ là hướng đông nam để cá có chỗ chơi nên đào nông, hơn nữa khi thức ăn được thả xuống sẽ khuếch tán khắp mặt ao, còn hướng trú sẽ là hướng tây bắc để mùa hè trú nắng, mùa đông trú rét để cá sinh trưởng và phát triển.
Ưu điểm nuôi cá trên ao nổi là giảm chi phí làm ao so với ao chìm khoảng 40%. Cá được tiếp xúc với ánh nắng, với gió tự nhiên nhiều nên môi trường rất đảm bảo, không bị cớm ngợp như ao chìm, ít khi dịch bệnh. Khi nuôi trong ao nổi cũng tiết kiệm được tiền điện và nhân công vận hành máy móc thu hoạch cũng như trong quá trình nuôi.
Người ta thường áp dụng nguyên lý bình thông nhau để điều tiết nước cho các ao và không lo nước tràn to dẫn tới tràn bờ. Mực nước trong ao cá thịt từ 1,8 - 2m và cá giống từ 1,3 - 1,5 m. Nuôi cá trên ao nổi làm tăng oxy trong ao, oxy hòa tan trong nước lớn dẫn đến cá ít dịch bệnh và nhanh lớn.
Giống cá đầu tiên mà bà con lưu ý thả là cá rô phi đơn tính bởi đây là loại cá có thời gian thu hoạch ngắn, khỏe mạnh, thích ứng tốt với mọi điều kiện ngoại cảnh bất lợi. Chính vì thế tỷ lệ thả cá rô phi nên chiếm từ 70 - 80%, còn lại là cá mè, cá trắm, cá chép…
Cá mè là loài không thể bỏ qua trong ao bởi nó sẽ là con lọc nước để không có rêu xanh. Khi thả cá khoảng 100 gram sau khi nuôi cá 6 tháng, cá đạt từ 1,4 - 1,5kg. Lúc thu hoạch cá chỉ cần xả ống là nước tự chảy.
Để đạt được thành công trong chăn nuôi thì việc quan trọng nhất là phải sát với thực tế. Tốt nhất là chủ nuôi cần phải ăn ở ngay tại nơi SX thì mới theo dõi được mọi diễn biến của ao cá để kịp thời điều chỉnh các chế độ chăm sóc cho phù hợp.
Nếu nuôi ở quy mô lớn, bà con có thể quản lý số lượng cá đến lượng thức ăn hàng ngày bằng công nghệ máy tính. Hiện có khá nhiều phần mềm giúp cho người chăn nuôi tính toán được việc này. Mỗi kg cám cho cá đều phải được nhập vào máy, cuối mỗi ngày sẽ tổng hợp để điều chỉnh cho phù hợp ngày hôm sau. Điều này sẽ giúp quản lý các ao cá của mình mọi lúc mọi nơi. Ngoài các yếu tố là con giống, khoa học và công nghệ, thức ăn nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.
Người nuôi cá phải thay đổi tư duy, hình thành cách làm mới, bởi hiện nay ở rất nhiều nơi, người nuôi vẫn còn kết hợp mô hình vườn - ao - chuồng (VAC). Điều này cần phải thay đổi bởi nếu trồng cây trên ao, cây sẽ hút oxy của cá dẫn đến cá không tự thở được, không được cho phân chuồng xuống ao bởi nó sẽ làm bẩn, ô nhiễm nguồn nước trong ao.
Hơn nữa, theo tính toán, nếu cho cá ăn phân chuồng thì sẽ mất 1,5kg cám/kg cá trong khi nếu không cho cá ăn phân chuồng, con số này sẽ là 1,3kg cám/kg cá, tiết kiệm chi phí rất nhiều. Một lưu ý nữa là phải thường xuyên cải tạo đáy tốt, căn lượng thức ăn, xử lý nước khi có dấu hiệu chuyển màu.