Loại hình chăn nuôi mới lạ
Trang trại chào mào của anh Trần Hữu Vinh cũng đặt ngay tại nhà ở ấp 5, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Không khó để nhận ra bởi trước hành lang của ngôi nhà có trưng bày hàng trăm chú chim chào mào vừa mới lớn, hót líu lo rất hay.
Dù đã có hẹn từ trước nhưng chúng tôi phải chờ một lúc lâu anh Vinh mới rảnh tay để tiếp chuyện. Bởi cậu thanh niên này đang rất bận rộn với việc chăm sóc cho những chú chim sau nhà để chuẩn bị chúng thi đấu vào mỗi dịp cuối tuần.
Kể về quá trình khởi nghiệp của mình, Vinh cho biết trước đây là kỹ sư xây dựng, có 3 năm đi làm thuê tại TP. HCM. Năm 2018, do hoàn cảnh gia đình đơn chiếc nên anh quyết định bỏ đô thành về quê để khởi nghiệp. Cơ duyên trong những chuyến đi của mình Vinh biết đến chim chào mào đột biến.
Trong tự nhiên, chào mào thường chỉ có màu đen. Tuy nhiên, khi chúng bị đột biến sẽ có những màu sắc khác như bạch tạng, xám trắng, vàng nhạt… Do yêu thích nên Vinh cũng tìm hiểu tập chơi, rồi dần dà đầu tư chuồng trại nhân nuôi mở rộng rồi tiến tới xây dựng thành mô hình phát triển kinh tế cho gia đình. Buổi đầu khởi nghiệp, anh đã không ngần ngại đầu tư hơn 600 triệu đồng để mua 20 cặp chim giống.
Qua học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi trước kết hợp với kinh nghiệm của bản thân nên đàn chào mào đột biến của anh phát triển tốt. Đến nay, anh Vinh đã sở hữu đàn chim quý hiếm trên 600 con, trong đó có 120 cặp chim bố mẹ. Tổng giá trị trại chim chào mào đột biến của anh được định giá hơn 7 tỷ đồng. Tổng diện tích của toàn trang trại khoảng 2.000m2.
“Tôi phát triển mô hình này trước tiên cũng vì đam mê với loài chim cảnh này. Sau khi tiếp cận, tôi thấy có thể gây nuôi để phát triển kinh tế cho gia đình nên quyết định đầu tư con giống. Yếu tố để nuôi chim chào mào thành công đầu tiên là phải chọn giống chất lượng, đi kèm với đó là có sự hướng dẫn của anh em đi trước, bản thân người nuôi phải biết rút tỉa kinh nghiệm để xử lý những vấn đế xảy ra trong quá trình nuôi”, anh Vinh chia sẻ.
Chơi chim cảnh cũng không mất quá nhiều thời gian. Hàng ngày, người nuôi chỉ cần dành ra khoảng 15 phút để chăm sóc cho một chú chim. Theo anh Vinh, do là loài chim hoang dã nên chào mào ít mắc bệnh. Tuy nhiên, để nuôi thành công chim chào mào, người nuôi phải thật đam mê và có hiểu biết về loài chim này để áp dụng các kiến thức chăm sóc, phòng trị bệnh thông thường.
Người nuôi cần theo dõi để nhân thấy những biểu hiện của chú chim gặp vấn đề về tiêu hóa, hay nhiễm bệnh. Để chim ít bệnh cần tăng sức đề kháng cho nó thông qua việc thường xuyên bổ sung các vitamin nhóm B như Becomplex hay vitamin C.
Một chú chim có giá trị phải là chú chim khỏe mạnh, màu sắc quý hiếm, giọng hót hay và phải có kỹ năng thi đấu. Do đó, ngoài việc nuôi chim để kinh doanh, anh Vinh còn thường xuyên huấn luyện để mang chúng đi thi đấu các giải trong và ngoài tỉnh.
Đến thời điểm này, anh đã giành được hàng chục giải nhất, nhì về đấu chim chào mào tại các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh. Tại nhà của Vinh đã có hàng chục chiếc cup như là minh chứng cho những thành công mà anh có được. Năm nay, Vinh đã thắng được giải nhất cuộc thi chim cảnh tại hội thi sinh vật cảnh ở tỉnh Vĩnh Long với giải thưởng là một chiếc xe wave.
Mô hình nuôi chim cảnh bài bản nhất ĐBSCL
Chính qua các cuộc thi, anh đã xây dựng được thương hiệu, đẳng cấp đối với mô hình nuôi chim chào mào của bản thân. Từ đó, đầu ra của trang trại rất thuận lợi. Thời điểm này, giá bán mỗi chú chim chào mào sẽ dao động từ 5 - 7 triệu đồng, tùy vào độ tuổi, màu sắc cũng như kỹ năng thi đấu của chúng. Thậm chí, những chú chim đấu giỏi giá đến vài trăm triệu đồng là bình thường.
Ngoài ra, những chú chim có màu sắc hiếm sẽ có giá cao hơn. Mỗi năm, anh bán ra thị trường từ 250 - 300 cá thể chim chào mào đột biến cho người nuôi xa gần thu về nhiều tỷ đồng. Riêng năm nay, anh Vinh dự kiến có thể xuất bán 250 cá thể chim chào mào đột biến thu về trên 1 tỷ đồng.
Chim chào mào cũng rất dễ nuôi, ai cũng có thể làm được nếu đam mê chúng. Thức ăn cho chúng rất dễ dàng mua được hay có bắt được như trái chuối, trái xoài, các loại côn trùng, sâu bọ. Chuồng nuôi được đặt ở nơi thoáng mát, đủ sáng, trong chuồng đặt khay thức ăn, chậu nước cho chim tắm thường xuyên và có nơi cho chim đậu.
Đối với chim sinh sản cần xây chuồng gạch, xây thành các ô diện tích 3m2 cao 4m, bố trí cả tổ chim, cây xanh nhân tạo và có camera theo dõi quá trình sinh sản của chim. "Thị trường chim chào mào đã sôi động khoảng từ 10 năm nay, trước đây người chơi phải nhập từ Thái Lan, tuy nhiên bây giờ ở trong nước cũng có nhiều trại. Anh em chơi chim đều có các hội nhóm, mọi người thường chia sẻ nhiều thứ với nhau. Trong giới chơi chim chào mào đột biến, trang trại của tôi được xếp là loại khủng, cả nước không có đến 10 trang trại có quy mô như vậy", anh Vinh nói.
Chim chào mào đột biến có nhiều ưu điểm hơn chào mào tự nhiên như hình thể đẹp, màu lông lạ, giọng hót hay. Hiện nay, thị trường chim chào mào đột biến đang rất sôi động, không sợ ế hàng nên sắp tới anh Vinh sẽ mở rộng quy mô và liên kết với bạn bè gần xa mở thêm nhiều trại để có thêm thu nhập.
“Ngoài phát triển đàn chim tại trại, tôi cũng cung cấp con giống cho các hộ có nhu cầu phát triển chăn nuôi để làm kinh tế gia đình khu vực miền Tây cũng như cả nước, hỗ trợ kỹ thuật và khách hàng đầu ra. Về sân chơi sắp tới tôi sẽ khai trương câu lạc bộ chim cảnh để làm nơi anh em tới giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm ở lĩnh vực này”, anh Vinh thổ lộ.
Trang trại chăn nuôi chim chào mào đột biến của anh Trần Hữu Vinh ở xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, Tiền Giang là mô hình chăn nuôi mới độc, lạ và có quy mô lớn, bài bản ở ĐBSCL. Mô hình này ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ chăn nuôi còn góp phần đa dạng các mô hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Theo anh Vinh, chim chào mào đột biến non sau 7 - 8 tháng nuôi là có thể sinh sản. Mỗi năm, chim mái sinh sản từ 5 - 10 lứa, tùy vào điều kiện chăm sóc, nuôi nhốt. Mỗi lứa đẻ từ 2 - 3 trứng, cá biệt có nhiều trường hợp đẻ 4 trứng.