| Hotline: 0983.970.780

Nuôi chồn hương bằng trái cây hiệu quả cao

Thứ Tư 08/05/2024 , 06:00 (GMT+7)

Nuôi chồn hương cho ăn mít, chuối mang lại hiệu quả kinh tế cao tại trang trại của anh Nguyễn Văn Tiến ở phường Chi Lăng, TP Pleiku, Gia Lai.

Anh Tiến với con chồn hương trưởng thành nặng gần 5kg. Ảnh: Đăng Lâm.

Anh Tiến với con chồn hương trưởng thành nặng gần 5kg. Ảnh: Đăng Lâm.

Tạm cất tấm bằng Cử nhân kinh tế, bỏ hẳn công việc ở một công ty cao su tại Gia Lai với hàng chục năm công tác, năm 2018, anh Tiến về nhà, mua 1ha đất với dự tính chăn nuôi một loài vật có giá trị kinh tế cao, độc lạ, đó là con chồn hương.

“Khởi nghiệp” từ vài cặp chồn hương ban đầu để nuôi thử nghiệm, với bao nhiêu thách thức khiến anh Tiến không ít lần muốn... chia tay chồn hương.

Nhưng sau hơn 5 năm kiên trì theo nghề, anh Tiến hiện sở hữu trang trại với hơn 100 cặp chồn hương ở phường Chi Lăng, TP Pleiku, Gia Lai.

Trên mảnh vườn gần 1ha đang trồng cà phê, anh Tiến đã dành 220m2 để xây chuồng trại rộng rãi với gần 200 chuồng nuôi. Từ việc nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, anh Tiến đã mạnh dạn mở rộng quy mô lên khoảng 100 con mỗi năm.

Anh Tiến chia sẻ: “Ban đầu, tôi chỉ mua vài cặp để nuôi thử. Thấy mô hình hay nên tôi mạnh dạn đầu tư mua thêm 15 cặp. Trong quá trình nuôi, chồn gặp nhiều bệnh về tiêu hóa, bệnh ngoài da và đặc biệt là không sinh sản.

Không bỏ cuộc, tôi đã khăn gói đi khắp các trại chồn hương trong vùng để học hỏi kinh nghiệm. Sau nhiều năm, đàn chồn hương được thuần dưỡng và cho sinh sản đều, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể”.

Để có thức ăn cung cấp cho chồn hương có lúc lên đến gần 200 con, anh Tiến trồng một vườn chuối, lấy quả làm thức ăn cho chồn. Bên cạnh trại chồn hương của anh Tiến có vườn mít rộng 1,5 ha của anh Dương Văn Toàn, để bổ sung nguồn thức ăn cho chồn, hai anh đã liên kết với nhau, những quả mít chín không đạt tiêu chuẩn xuất bán ra thị trường, được gom về làm thức ăn cho chồn.

Anh Tiến cho biết: “Thức ăn mà chồn ưa thích nhất là các loại trái cây chín và ngọt. Mỗi ngày, tôi tận dụng nguồn thức ăn là trái cây như mít, chuối làm nguồn thức ăn chính cho chồn. Ngoài ra còn thường xuyên bổ sung thức ăn dinh dưỡng như món cháo được nấu từ ếch, đầu gà, các loại cá thải loại...  

Cũng theo anh Tiến, trung bình, mỗi con chồn có khẩu phần ăn khoảng hơn 2.000 đồng mỗi ngày. Nhờ nguồn thức ăn tự nhiên, giàu chất dinh dưỡng đã giúp chồn phát triển, sinh sản tốt.

Theo anh Tiến, loài chồn có nguồn gốc từ rừng và được con người thuần hóa, nuôi dưỡng nên vẫn giữ bản tính hoang dã, nếu nuôi chung, chúng sẽ cắn nhau.

Do vậy, anh đã chia ra từng ô nhỏ khoảng 1m2 để nhốt một con. Theo đó, đảm bảo chúng không thể cắn nhau, và cũng để hạn chế dịch bệnh lây lan nếu có dịch.

Những quả mít không đủ tiêu chuẩn xuất bán, sẽ là nguồn thức ăn cho bầy chồn hương. Ảnh: Đăng Lâm. 

Những quả mít không đủ tiêu chuẩn xuất bán, sẽ là nguồn thức ăn cho bầy chồn hương. Ảnh: Đăng Lâm. 

Thông thường mỗi năm, chồn mẹ sinh sản khoảng 2 lứa, mỗi lứa từ 3 đến 5 con, tỷ lệ sống lên đến hơn 90%.

Mỗi năm, gia đình anh Tiến nuôi dao động từ 80 con đến 180 con chồn thương phẩm. Chồn thương phẩm nuôi 8 tháng sẽ đạt trọng lượng khoảng 3,5kg và bán với giá từ 1,7 đến 2 triệu đồng/kg.

Bắt đầu từ năm 2021, anh Tiến đã bán lứa chồn đầu tiên. Năm 2023, anh xuất bán được 80 con thịt với giá 4,5 triệu đồng mỗi con và 30 con giống, thu về được khoảng nửa tỷ đồng.

“Nếu biết kỹ thuật và chăm sóc tốt chồn sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn cho người nuôi. Sản phẩm chồn thương phẩm của chúng tôi ngoài xuất bán trong tỉnh, còn xuất bán đến các địa phương khác như Hà Nội, Đà Nẵng...

Nắm bắt được nhu cầu về thịt chồn thương phẩm trong cả nước nên tôi đang tiếp tục mở rộng trang trại để tăng đàn lên 250 con trong thời gian tới. Để đáp ứng cho trang trại chồn với số lượng lớn, tôi đã bàn với anh Toàn để mở rộng thêm vùng trồng cây ăn trái, ưu tiên các loại trái cây có vị ngọt mà loài chồn ưu thích”, anh Tiến cho hay.

Theo Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, trên địa bàn tỉnh có tổng số 116 cơ sở nuôi động vật rừng, gồm 39 cơ sở nuôi động vật rừng thông thường gồm dúi, lợn rừng lai, hươu sao, nhím bờm, nhím… với tổng 1.840 cá thể, 77 cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm gồm cầy vòi hương, cầy vòi mốc, nai, công Ấn Độ, kỳ đà hoa, kỳ đà vân, rắn ráo trâu, rùa đất lớn…. với tổng số 1.984 cá thể.

Ông Trương Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai cho biết: “Thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm tỉnh thực hiện hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động gây nuôi động vật hoang dã thực hiện khai báo, đăng ký gây nuôi có nguồn gốc hợp pháp theo quy định. Thường xuyên phối hợp theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển, sức khỏe của các cá thể loài động vật hoang dã gây nuôi, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh trên cạn”.

Xem thêm
Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, Nghệ An cẩn trọng đặc biệt

Nhận thấy diễn biến của dịch tả lợn Châu Phi hết sức khó lường, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị ứng phó trên diện rộng.

Phú Thọ tăng thêm 20.000 con mèo để diệt chuột

Thời gian gần đây, đàn mèo của tỉnh Phú Thọ đã tăng lên thêm khoảng 20.000 con, tổng cộng đạt trên 88.000 con, giúp đẩy lùi được vấn nạn chuột phá hoại hoa màu.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).