| Hotline: 0983.970.780

Nuôi gà đen tạo sinh kế vùng biên

Thứ Hai 06/01/2020 , 07:01 (GMT+7)

Giống gà đen của người Mông được bảo tồn nguồn gen quý hiếm bắt đầu được nuôi trở lại ở Lùng Sui (Si Ma Cai, Lào Cai) đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho bà con.

Những con gà đen ở Lùng Sui mang lại hy vọng mới phát triển kinh tế cho bà con địa phương.

Lùng Sui - một trong những xã nghèo của huyện Si Ma Cai chủ yếu là người Mông, sống phụ thuộc vào cây lúa, ngô... Do thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước, đất đai khô cằn xen lẫn đá nên việc canh tác, nuôi trồng không thuận lợi. Ở đây, người dân cũng nuôi trâu, bò và cả ngựa, dê nhưng quy mô nhỏ lẻ nên chỉ để giải quyết nhu cầu tự cung, tự cấp…

Tháng 8/2019, Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai đã triển khai dự án hỗ trợ chăn nuôi gà đen tại Lùng Sui. Đây là giống gà bản địa có khả năng chịu lạnh, sức đề kháng tốt, phù hợp với việc nuôi thả tự nhiên. Khi trưởng thành mỗi con có trọng lượng từ 1,5 - 1,8kg và cứ 4 tháng sẽ cho xuất chuồng một lứa. Giá bán ngoài thị trường lên tới 180.000 - 200.000 đồng/kg.

60 hộ dân trong xã đã tham gia mô hình nuôi gà đen, lứa đầu tiên sẽ xuất chuồng vào tháng 1/2020.

Cũng như một số hộ khác ở Lùng Sui, chồng bà Vàng Thị Sống hiện đi làm thuê bên Trung Quốc để có thu nhập. Do vậy ở nhà chỉ còn bà và trẻ nhỏ. Trước những khó khăn về kinh tế, bà Sống mạnh dạn tham gia dự án nuôi gà đen. Hằng ngày, bà chỉ việc mang ngô, mang thóc đổ vào máng để cho đàn gà ăn... Việc chăm sóc gà không đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ quy trình phức tạp, nghiêm ngặt. So với chăn trâu bò thì nuôi gà nhàn hơn, người già hay trẻ nhỏ đều có thể làm được.

Với 350 con gà, bà Sống hy vọng, gà đen sẽ mang lại nguồn thu chính cho gia đình và như vậy chồng bà sẽ không còn phải đi làm xa như trước.

Còn ông Hoàng Seo Sanh cho biết, trước đây gia đình chỉ nuôi đôi ba chục con gà dùng khi nhà có việc, chứ không tính nuôi tới 170 con như bây giờ để có thu nhập. Khi giống gà đen bản địa được đưa về xã theo dự án, ông Sanh mới biết đây là giống gà quý. Vì thế, ông Sanh không tính chuyện đi Trung Quốc làm thuê mà ở nhà, gần vợ, gần con lại có thu nhập tốt.

Ông Hảng Seo Toán, Chủ tịch UBND xã Lùng Sui cho biết, nuôi gà đen bản địa rất dễ và nhờ đó có thể kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là việc thay đổi cách làm lạc hậu của người dân trước đây sang hình thức chăn nuôi quy mô lớn hơn. Đặc biệt, khi mô hình chăn nuôi gà đen thành công, tạo công ăn việc làm, thu nhập sẽ giúp giảm tỷ lệ người làm thuê bên Trung Quốc.

Đàn gà đen của người dân Lùng Sui phát triển tốt.
Cũng theo ông Toán, có thời gian, giống gà Ai Cập chân đen có chùm lông trên đầu được du nhập về. Sau khi đó, chúng được nuôi chung với gà bản địa nên hay bị lẫn giống, do vậy gà đen thuần chủng ngày càng ít đi. Tuy nhiên, thịt gà đen Ai Cập không thơm ngon bằng thịt gà đen thuần chủng. Ngoài ra, sức đề kháng của giống gà lai không tốt nên việc phát triển mở rộng đàn khó và hiệu quả kinh tế thấp.

Còn ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết, cái hay của loài gà đen bản địa là ở chỗ chúng vốn là giống gà của người Mông, nên rất phù hợp với khí hậu, cũng như cách nuôi chăn thả của người vùng cao.

Ghi nhận thực tế tỷ lệ sống, thích nghi của gà đen bản địa rất cao, gần như tuyệt đối, khác hẳn các giống gà lai khác cùng nuôi tại địa phương.

Gà đen bản địa khác hoàn toàn với loài gà ác dù cùng thịt đen, xương đen, nhưng vẫn dễ dàng phân biệt nhờ các đặc điểm nổi bật như sở hữu mào đen, chân nhỏ 4 ngón. So với gà ác, gà đen bản địa mang tính đặc trưng của địa phương, đẳng cấp hơn.

“Gà đen ở Lùng Sui là một đặc sản hiếm có, chất lượng dinh dưỡng cao.

Đây là những điều kiện cần thiết để xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương cũng như của tỉnh Lào Cai trong giai đoạn tới”, ông Nguyện khẳng định.

Cho tới nay, một số nhà đầu tư để ý tới việc làm thương hiệu cho gà đen Lùng Sui để bán sản phẩm như gà đen hầm tam thất Si Ma Cai, gà đen gác bếp…

Xem thêm
Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Nông dân nhận thưởng 43 triệu đồng nhờ trồng lúa giảm phát thải

KIÊN GIANG Mới đây, một số nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được tiền thưởng từ 2,6 – 43 triệu đồng khi tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.