Trang trại chăn nuôi gà khép kín. |
Đến thăm xã Khe Mo chúng tôi rất bất ngờ khi thấy, ở nơi heo hút này lại có nhiều trại gà khép kín, mỗi trại thường xuyên nuôi hơn 10.000 con gà siêu thịt/lứa.
Gia đình anh Ngô Văn Liên ở xóm Hải Hà mới nuôi gà được 1 năm nhưng đã xuất bán cho Tập đoàn CP được 150 tấn gà thương phẩm (50.000 con gà thịt), lợi nhuận thu về hơn 750 triệu đồng/năm.
Nhờ vậy, anh Liên đã có vốn đầu tư xây dựng thêm 1.000m2 chuồng trại và thuê mượn lao động, để mở rộng qui mô đàn gà nuôi lên 20.000 con/lứa, phấn đấu từ nay tới hết năm, xuất chuồng được 60.000 con gà thịt, thu lãi 900 triệu.
Theo anh Liên, nuôi gà gắn với chuỗi giá trị có rất nhiều cái lợi. Con giống đầu vào, gà thịt đầu ra và thức ăn chăn nuôi đều do CP đảm nhiệm. CP còn cử cán bộ hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi khi cần. Nhà nông có trách nhiệm đầu tư trang trại, chăn nuôi và giao lại thành phẩm đầu ra cho CP. Lợi nhuận thực chất là công lao động và khấu hao trang trại chăn nuôi, được CP trả theo khối lượng gà xuất chuồng, trung bình là 5.000 đồng/kg.
Theo đó, trang trại càng nuôi nhiều gà thịt, tỷ lệ hao hụt ít, tốc độ tăng trọng nhanh, sẽ càng có nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, để có thể nuôi gà đạt hiệu quả cao, nhà nông phải tuân thủ chặt chẽ qui trình VietGAHP, bao gồm: Xây dựng chuồng trại khép kín. Xuất nhập đồng loạt. Không cho người lạ vào trong trại gà. Vacxin phòng bệnh đúng kỳ. Vệ sinh tiêu độc triệt để trong và ngoài trang trại. Không nuôi thả mật độ quá dày (trên 9 con gà 1m2). Phải có quạt thông gió và hệ thống cấp nhiệt, để đảm bảo đàn gà luôn được mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Đặc biệt là phải có máy phát điện dự phòng và có sổ ghi nhật ký chăn nuôi.
"Được cái con giống của CP đều khỏe mạnh, tốc độ tăng trọng nhanh, nuôi 45 ngày đã cho xuất chuồng bình quân 3kg/con. 1 năm mỗi trang trại chỉ cần 2 lao động có thể đảm nhiệm nuôi được 5 lứa gà (10.000 con/lứa), trong đó cứ xuất hết 1 lứa phải nghỉ nuôi 25 ngày, kết hợp làm vệ sinh chuồng trại”, anh Liên cho biết thêm.
Tâm sự với chúng tôi anh Liên cho hay: “Những năm trước chưa chăn nuôi gà, tôi đã trồng cả mẫu (3.600m2) chè xanh, nuôi mấy chục con bò, mà chẳng thấy dư ra được đồng nào. Từ khi kết nối được với CP, chăn nuôi gà theo chuỗi, không phải lo bao tiêu sản phẩm đầu ra, vừa đỡ mệt đầu vừa nhanh có tiền.
Nhật ký nuôi gà của anh Liên. |
Khó khăn nhất là vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khá lớn (khoảng 1,5 tỷ đồng cho làm mới 1 trang trại nuôi thường xuyên 10.000 con gà). Nhưng nhờ có nguồn thu cao (150 triệu đồng/lứa nuôi 45 ngày) nên chỉ sau 2 năm chăn nuôi là có thể trả hết nợ vay ngân hàng”.
Đồng tình với những chia sẻ của anh Liên, anh Lê Hải Nam (cùng xóm Hải Hà) nhấn mạnh thêm: “Phát triển nuôi gà ở miền núi phải chú ý, thời tiết mùa đông khá lạnh, nhiệt độ nhiều ngày xuống dưới 10 độ C, đôi khi còn kèm theo sương muối, mùa hè hay có mưa lớn kéo dài, làm gia tăng độ ẩm ướt, đây chính là những yếu tố bất lợi, dễ gây hao hụt đàn gà.
Vì vậy mặc dù đã có tư vẫn kỹ thuật từ CP, nhà nông vẫn cần phải có kinh nghiệm chăn nuôi gà, để xử lý kịp thời những tình huống phát sinh. Tốt nhất trước khi mở rộng chăn nuôi lớn, chủ hộ hãy bắt đầu từ chăn nuôi nhỏ hoặc nhận làm công cho một trại gà nào đó, sau khi tích lũy được bí quyết kỹ thuật chăn nuôi, mới tiến hành đầu tư trang trại qui mô gắn kết với chuỗi giá trị CP”.
Anh Nam cũng kiến nghị: Do các trại chăn nuôi lớn đều phải xây dựng xa khu dân cư, thường là ở sau đồi hoặc chân núi, giao thông đi lại khó khăn, không có đường điện của xã dẫn đến. Để duy hoạt động của trại gà, các hộ đã phải tự san lấp mở đường, tự đầu tư kéo điện lưới... Rất mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ trang trại khắc phục khó khăn trên.
“Đến nay toàn xã Khe Mo đã có hơn 10 hộ xây dựng được trang trại khép kín, nuôi thường xuyên 110.000 con gà siêu thịt CP707”, ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng xóm Hải Hà. |