Xã Việt Hồng (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nghề nuôi cá nước lạnh. Tận dụng tiềm năng sẵn có tại địa phương, vài năm trở lại đây, một số hộ dân đã phát triển các mô hình nuôi cá Tầm, bước đầu đạt những thành công nhất định, góp phần nâng cao thu nhập và mở ra hướng đi mới cho ngành thủy sản tại địa phương.
Xã Việt Hồng có ưu thế về địa hình, có nguồn nước sạch và lạnh chảy từ núi cao xuống luôn dồi dào ổn định, cùng với khí hậu mát mẻ quanh năm, là điều kiện thích hợp để nuôi các giống cá nước lạnh như cá tầm.
Sau khi tham quan, học tập kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi cá tầm ở nhiều nơi như Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La…, năm 2019, anh Đào Văn Phú và anh Hoàng Văn Bình ở bản Nả, xã Việt Hồng đã cùng nhau đầu tư xây dựng cơ sở nuôi cá tầm với quy mô hơn 2.300m2, với 11 bể nuôi cá thịt và 24 bể ươm cá giống, chủ yếu nuôi giống cá tầm Siberi. Đến nay, cơ sở nuôi cá tầm đã có thể nuôi cá tầm thương phẩm và ươm giống cung cấp cho các cơ sở nuôi khác trong và ngoài địa phương.
Anh Đào Văn Phú, chủ cơ sở nuôi cá tầm ở bản Nả chia sẻ: “Nhờ chủ động được nguồn nước ra vào liên tục nên đàn cá phát triển mạnh, cho năng suất cao. Đây là giống cá có giá trị kinh tế cao và không phải địa phương nào cũng nuôi được. Hiện nay, đầu ra của cá thịt được các nhà hàng trong và ngoài tỉnh tiêu thụ hết nên khá yên tâm, giá cá tầm thương phẩm đang dao động trung bình khoảng 200 nghìn đồng/kg.
Cá tầm là loài cá được nhiều người biết đến với tên khoa học là Acipenser. Đây là một loài cá nước ngọt có kích thước rất lớn và tuổi thọ có thể lên đến 150 năm. Cá tầm cũng là loài được xếp vào chi cá sụn, là loài cá đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao, dễ chế biến thành nhiều món ăn được người tiêu dùng ưa chuộng, đây cũng là đối tượng nuôi cho giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, cá tầm được đánh giá là đối tượng nuôi khó tính, đòi hỏi điều kiện môi trường sống khắt khe hơn các đối tượng thủy sản nước ngọt khác như: Phải có nguồn nước lưu thông tốt, ngưỡng nhiệt độ để sinh trưởng và phát triển tốt nhất phải không quá 27 độ C; độ pH nước từ 6,5 - 8.
Theo anh Phú, nghề ươm giống, nuôi thương phẩm cá tầm không mất nhiều công chăm sóc, song yêu cầu kỹ thuật cao, đặc biệt là phải đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước lạnh sạch, được khử trùng và điều chỉnh nhiệt độ nước đúng tiêu chuẩn để cá ít bị nhiễm bệnh và sinh trưởng, phát triển tốt. Thức ăn của cá không quá cầu kỳ, chủ yếu là thức ăn công nghiệp, ngoài ra có thể cho ăn thêm tôm, tép nhỏ. Mỗi lứa, cơ sở của anh Phú có thể nuôi được 5.000 con, sản lượng thu hoạch hơn 10 tấn, doanh thu gần 1,5 tỷ đồng.
Cá tầm thương phẩm nuôi khoảng 15 tháng thì đạt trọng lượng từ 2 - 2,5kg/con trở lên và có thể xuất bán. Thị trường tiêu thụ giống và cá tầm thương phẩm của cơ sở anh Phú hầu hết là trong tỉnh và tỉnh lân cận. Giá bán bình quân 15.000 - 17.000 đồng/con giống cá tầm cỡ 15cm/con. Cá thương phẩm có giá trung bình 200.000 – 250.000 đồng/kg, cao hơn so với các loại cá nuôi khác.
Hiện nay ở Việt Hồng đã có 4 cơ sở nuôi cá tầm với quy mô nhỏ và vừa. Việc các mô hình này được nhân rộng sẽ có thêm đối tượng nuôi mới cho giá trị, hiệu quả kinh tế cao, khai thác có hiệu quả tiềm năng nguồn nước lạnh trên địa bàn, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con.
Anh Nguyễn Đình Huyền, chủ cơ sở nuôi cá tầm ở bản Nả cho biết: Hiện nay tại địa phương đã có một vài cơ sở nuôi cá tầm đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Sau khi tham khảo, học tập và được sự giúp đỡ về kỹ thuật của anh Phú, năm 2022, gia đình anh đã quyết định đầu tư hơn 200 triệu đồng để dây dựng bể nuôi cá tầm. Cơ sở của anh Huyền nhập giống cá của anh Phú và chỉ tập trung nuôi cá thịt. Năm 2023, anh Huyền mới bắt tay vào nuôi lứa cá tầm đầu tiên, hi vọng sẽ đạt được hiệu quả kinh tế như mong đợi.
Ông Triệu Khánh Thiện, Chủ tịch UBND xã Việt Hồng cho biết thêm: Với những lợi thế tự nhiên về nguồn nước, khí hậu, hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với các ngành chức năng của huyện tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người nuôi cá tầm, đồng thời khuyến khích các hộ dân thành lập HTX nuôi cá tầm để liên kết chặt chẽ với nhau trong quá trình nuôi và tiêu thụ sản phẩm.
Để phát triển bền vững nghề nuôi cá tầm, ngoài việc có đủ các điều kiện tự nhiên về môi trường, khí hậu, các địa phương cũng như người dân đã và đang dự định phát triển nuôi cá tầm cần phải có đủ tiềm lực tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm.
Đặc biệt, chính quyền địa phương cần phối hợp với các ngành chuyên môn định hướng, quy hoạch vùng sản xuất, chú trọng bảo vệ môi trường, đặc biệt cần tuyên truyền, vận động các hộ dân liên kết trong sản xuất để có thể xây dựng thương hiệu sản phẩm và tìm thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài.