| Hotline: 0983.970.780

Nuôi lợn '3 không' lãi trăm triệu đồng

Thứ Tư 02/11/2022 , 08:37 (GMT+7)

Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang vốn đầu tư ban đầu không lớn nhưng mang lại lợi nhuận cả triệu đồng/con/chu kỳ nuôi.

z3846547757486_362d284964e35d7a73da183d510d9061

Trang trại chăn nuôi an toàn sinh học của ông Bùi Huy Cường cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Đào Thanh.

Tuân thủ nguyên tắc 3 không

Ông Bùi Huy Cường, chủ trang trại chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) bắt đầu triển khai mô hình từ đầu năm 2021. Mô hình được xây dựng chăn nuôi lợn đen bản địa theo hướng hữu cơ tại thôn Chanh 2, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn. Khi mới triển khai mô hình, không ít người cho rằng mô hình này khó thành công và sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Bởi so với các mô hình chăn nuôi truyền thống, mô hình này từ khu chăn nuôi lợn nái sinh sản đến khu vực tập trung nuôi lợn thịt và khu chuồng nuôi cách ly đều không có hệ thống bể chứa (biogas) hoặc đường rãnh, ống thoát nước thải trực tiếp ra ngoài, như thế có thể sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Ông Bùi Huy Cường cho biết, chăn nuôi an toàn sinh học, ông đặc biệt áp dụng nguyên tắc "3 không" là: Không sử dụng cám công nghiệp làm thức ăn cho lợn; không sử dụng chất kháng sinh, chất tạo nạc; không gây ô nhiễm môi trường chung.

Do bản chất của giống lợn bản địa ưa thích môi trường tự đi lại kiếm ăn từ những cây, củ quả và côn trùng trong đất nên sản phẩm thịt lợn đen bản địa vốn rất nổi tiếng về độ chắc, vị thịt thơm ngon. Để chế biến đủ lượng thức ăn cho lợn, trang trại đã tận thu, mua gom cây chuối và các loại cây, củ như sắn, khoai, cỏ voi… rồi đem về băm nhỏ trộn với bột ngô, cám gạo và men vi sinh theo tỷ lệ cứ 300kg chất thô xanh + 10kg bột ngô, cám gạo + 1 lít men vi sinh (do trang trại tự sản xuât) trộn đều và đem ủ kín.

Sau khoảng một tuần, ông Cường lấy loại cám ủ đó ra cho lợn ăn trực tiếp mà không phải nấu chín. Phương pháp này có thể ủ chua một lần với số lượng lớn sẽ cung cấp thức ăn cho đàn lợn trong thời gian từ 3 đến 5 tháng.

Riêng đối với thức ăn bổ sung thêm dinh dưỡng cho lợn nái và lợn con khi tách mẹ, trang trại tự sản xuất thức ăn viên theo cách sử dụng 60% bã sắn phơi khô + 20% bột ngô + 20% cám gạo, phôi tấm, tất cả trộn đều đưa vào máy ép, sau khi viên nguội thì tưới men vi sinh vào và cất trữ cho ăn trong tuần.

z3846547750468_d64769accba10065234d10fe1f06d6d7

Khu chế biến thức ăn theo hình thức lên men tự nhiên tại trang trại chăn nuôi an toàn sinh học của ông Cường. Ảnh: Đào Thanh.

Quy trình nuôi lợn đen bản địa của trang trại ông Bùi Huy Cường còn có điểm đặc biệt khác là lợn được nuôi trong trang trại này từ khi vào giống đến khi xuất chuồng hoàn toàn sống trên nền đệm lót sinh học nên không phải sử dụng nước để rửa chuồng và tắm cho lợn trong cả lứa nuôi.

Để làm đệm lót sinh học cho đàn lợn, ông Cường dùng mùn cưa, cám gạo và chế phẩm sinh học EM trộn đều, để lên men và rải vào chuồng (nền chuồng bằng đất, được san phẳng và đầm nén chặt) với độ dầy của đệm lót khoảng 25 đến 30cm sau đó thả lợn vào nuôi nên không lo có mùi hôi thối, đây là công nghệ chăn nuôi áp dụng tiến bộ khoa học. Chăn nuôi lợn sạch theo hướng hữu cơ sẽ giải quyết rất tốt vấn nạn ô nhiễm môi trường.

Lãi cả trăm triệu từ chăn nuôi an toàn sinh học

Theo ông Bùi Huy Cường, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề dịch bệnh trên đàn lợn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát và đem lại rủi do rất lớn cho những chủ trại chăn nuôi. Để đảm bảo an toàn cho đàn lợn khi trang trại không sử dụng chất kháng sinh phòng trừ dịch bệnh thì điều quan trọng nhất là phài lựa được giống lợn có khả năng kháng bệnh cao, thích nghi nhanh với các điều kiện biến đổi của khí hậu và có bản năng tự tìm kiếm thức ăn.

Hạn chế những rủi ro này, trang trại chăn nuôi an toàn sinh học của ông Cường luôn thực hiện tốt việc tuyển chọn những cá thể trội từ đàn lợn đen bản địa của địa phương đem về phối giống với lợn (đực) rừng tạo ra những con lai có nguồn gen tốt phục vụ cho chăn nuôi lợn thương phẩm tại trại.

Ngoài ra, để ngăn ngừa một số bệnh như viêm phổi, dịch tả, cúm mùa…trên đàn lợn, trại đã chủ động sử dụng những sản phẩm hữu cơ như tỏi, gừng và một số cây thuốc bản địa để ngâm ủ, triết xuất cho lợn ăn kèm với thức ăn ủ chua nhằm tạo thêm sức đề kháng cho đàn lợn.

Hiện nay trang trại chăn nuôi an toàn sinh học của ông Cường có khoảng 400 con lợn đen bản địa với giá bán dao động từ 100.000 - 110.000 nghìn đồng/kg lợn hơi, lợi nhuận thu về khoảng 1 triệu đồng/con. Do lợn nuôi theo quy trình hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học nên đến lứa xuất bán đến đâu được các đầu mối tại thành phố Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội… thu mua hết đến đó.

z3846547759021_40110af1c76be135616b89a7dc76cf09

Ông Bùi Huy Cường (bên phải) theo dõi tình trạng sức khỏe và tăng trọng của đàn vật nuôi. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tuyên Quang cho biết, mô hình chăn nuôi lợn theo quy trình "3 không" của ông Cường là hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cần được học tập, nhân rộng. Bởi ngoài ưu điểm về kinh tế thì mô hình này khá thân thiện với môi trường.

Đệm lót sinh học đã qua công đoạn ủ và xử lý triệt để bằng chế phẩm sinh học EM, sau khi lên men, nền chuồng chính là nơi vi sinh vật phát triển, chúng sẽ phân hủy chất thải của vật nuôi. Khi hết lứa nuôi, đệm lót sinh học được lấy ra dùng để bón cho cây trồng. Đặc biệt, chuồng nuôi rất ít mùi hôi, hạn chế sinh dịch bệnh và bảo vệ tốt môi trường.

Ông Cường cho biết sắp tới, ông dự kiến sẽ liên kết với các trang trại chăn nuôi ở xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên để tiếp tục mở rộng mô hình với quy mô có thể nuôi 1.500 con lợn và hàng trăm con trâu bò theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học. Định hướng của trang trại sẽ dành quỹ đất trồng nhiều sản phẩm nông nghiệp để chủ động nguồn nguyên liệu thô xanh chế biến thức ăn tại chỗ cung cấp cho vật nuôi trong trại.

Theo Sở NN-PTNT Tuyên Quang, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, an toàn sinh học, trong chăn nuôi, thủy sản đã được người dân và ngành nông nghiệp Tuyên Quang quan tâm chú trọng từ giống đến công nghệ nuôi, công nghệ xử lý chất thải, nhằm phù hợp mục đích chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu sản xuất của từng loại vật nuôi, theo hướng hàng hóa, tập trung, sử dụng các giống tốt và với phương pháp thụ tinh nhân tạo để tạo ra đàn vật nuôi chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường nhất là những thị trường khó tính nhưng cho giá trị kinh tế cao.

Hiện nay toàn tỉnh Tuyên Quang gần 92.000 con trâu, 38.700 con bò, 550.000 con lợn và đàn gia cầm gần 7 triệu con. Tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng được 100 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, trong đó đã có 1 trang trại được chứng nhận đạt chuẩn quốc tế GlobalGAP, 2 trang trại được chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 4 cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi quy mô lớn, 4 cơ sở chăn nuôi và 11 cơ sở nuôi thủy sản được chứng nhận VietGAP, 19 trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận là cơ sở an toàn dịch bệnh và 70 HTX hoạt động với hình thức liên kết.

Xem thêm
Tăng tốc tiêm vacxin phòng bệnh đàn vật nuôi để đạt 'tỷ lệ vàng' trên 80%

BÌNH ĐỊNH Trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp, Bình Định tăng tốc tiêm vacxin phòng bệnh bảo vệ đàn vật nuôi, nhằm bảo đảm cung ứng thịt gia súc, gia cầm dịp Tết.

Khuyến nông cộng đồng kết nối phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững

HẬU GIANG Khuyến nông cộng đồng là lực lượng nòng cốt, đồng thời là cánh tay đặc lực kết nối doanh nghiệp với tổ chức nông dân phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.

Bình luận mới nhất