| Hotline: 0983.970.780

Nuôi lươn không bùn làm giàu cho miền duyên hải Nam Định

Thứ Ba 13/06/2023 , 11:09 (GMT+7)

Từ những chuồng nuôi lợn không hiệu quả, nông dân ở xã Hải Giang, Hải Hậu (Nam Định) mày mò học hỏi cách nuôi lươn không bùn, đến nay đã bước đầu thành công.

Lươn không bùn đang thay thế lợn, gà làm vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao ở xã Hải Giang, huyện Hải Hậu, Nam Định. Ảnh: Tùng Đinh.

Lươn không bùn đang thay thế lợn, gà làm vật nuôi đem lại giá trị kinh tế cao ở xã Hải Giang, huyện Hải Hậu, Nam Định. Ảnh: Tùng Đinh.

Hải Giang là xã vùng duyên hải của huyện Hải Hậu (Nam Định), nằm cạnh sông Ninh Cơ, cách biển khoảng 10 km. Trước đây, Hải Giang là địa phương thuần nông, bà con nông dân chủ yếu trồng lúa và nuôi lợn, nuôi gà làm kinh tế.

Vài năm trở lại đây, có thêm một số khu công nghiệp, nhà máy về hoạt động ở xã nên giải quyết được một phần nguồn lao động của xã và các xã lân cận. Tuy nhiên, về tổng thể, bà con ở Hải Giang vẫn sống bằng nghề nông.

Trong đó, có nhiều gia đình đã mạnh dạn tự mày mò tìm hiểu, vào miền Nam học tập kinh nghiệm để về triển khai các mô hình nuôi lươn không bùn thay thế cho chăn nuôi lợn và có nhiều thành công.

Nhàn hơn, chắc hơn

Cách đây 5 năm, anh Vũ Văn Như, người thôn Ninh Mỹ là người đầu tiên của xã Hải Giang mạnh dạn chọn phương án bỏ lợn nuôi lươn. Theo anh Như, thời điểm đó nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ giá cả con giống, thức ăn ngày càng leo thang mà dịch tả lợn châu Phi cũng rình rập, sẵn sàng xóa xổ đàn lợn bất cứ lúc nào.

Thấy nhiều rủi ro, lại xem tivi, đọc báo mạng thấy trong miền Nam có nhiều gia đình nuôi lươn không bùn rất hiệu quả nên anh quyết định đầu tư vào đối tượng mới này.

Năm 2018, anh Như mua thử 2.000 con lươn giống từ Bình Dương về thử nghiệm. Sau 1 năm mày mò tự nuôi, thấy con lươn phù hợp với khí hậu địa phương, nhất là với nguồn nước giếng khoan có sẵn và có tiềm năng phát triển anh quyết định đi học.

Năm 2020, thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, anh Như vào Bình Dương tham quan các mô hình nuôi lươn không bùn thành công để học hỏi.

Khi trở về, anh quyết định dừng hẳn nuôi lợn, cải tạo khu nuôi lợn cũ thành 20 bể nuôi lươn không bùn. “Nuôi con lươn này thì chủ động được thời gian, lại nuôi trong nhà nên không phải vất vả nắng mưa. Lợi nhuận thì trừ hết chi phí được khoảng tầm 20-30% số vốn ban đầu”, nông dân nuôi lươn không bùn đầu tiên ở Hải Giang nói.

Anh Vũ Văn Như nói nuôi lươn không chỉ chủ động thời gian mà còn nhàn hơn các vật nuôi khác. Ảnh: Tùng Đinh.

Anh Vũ Văn Như nói nuôi lươn không chỉ chủ động thời gian mà còn nhàn hơn các vật nuôi khác. Ảnh: Tùng Đinh.

Sau 5 năm kể từ ngày thử nghiệm, gia đình anh Như hiện nay đã bỏ hoàn toàn nuôi lợn để chuyển sang lươn. Mảnh vườn khoảng 300 m2 của nông hộ này giờ chỉ còn lác đác vài chục con gà dù trước đây từng nuôi cả ngàn con.

Anh Như nói, sắp tới cũng cơ cấu lại, bỏ luôn nuôi gà để tập trung nuôi lươn vì giá thức ăn gia cầm tăng mà giá gà lại giảm, nuôi không ăn thua. Hiện nay, ngoài 20 bể ban đầu, nhà anh Như đã cải tạo chuồng trại, xây thêm 20 bể nữa dành cho con lươn.

Cách đó khoảng 2 km, khu nuôi lươn của gia đình anh Vũ Văn Phụng nằm ngay cạnh bờ sông Ninh Mỹ. Đây là hộ chuyển sang nuôi lươn không bùn từ năm 2020 bằng cách học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước như gia đình anh Như.

Với gần 20 bể lươn, anh Phụng khẳng định đây là đối tượng nuôi hiệu quả, đem lại lợi nhuận ổn định cho gia đình: “Với gia đình tôi, mỗi 1 vạn lươn giống sau khi chăm sóc, xuất bán, trừ hết các chi phí có thể thu lời từ 70 - 80 triệu, hiệu quả rõ rệt hơn hẳn so với trước đây”.

Vướng mắc hiện nay với nghề nuôi lươn không bùn ở Hải Giang là đầu ra. Ảnh: Tùng Đinh.

Vướng mắc hiện nay với nghề nuôi lươn không bùn ở Hải Giang là đầu ra. Ảnh: Tùng Đinh.

Băn khoăn đầu ra

Hải Giang hiện nay có khoảng 15 hộ đang đầu tư nuôi lươn không bùn và thành lập một hội nhóm nhỏ. Trong hội, các gia đình cùng nhau hỗ trợ, truyền đạt kinh nghiệm, người đi trước giúp người đi sau để cùng nhau phát triển.

Hiện nay, lươn thương phẩm của toàn xã chủ yếu được bán cho các thương lái, chưa có đầu ra ổn định nên nhiều hộ đang rất đắn đo khi muốn mở rộng quy mô nuôi lươn.

Để có một lứa lươn xuất bán cần nuôi từ 10 - 12 tháng và theo tính toán của bà con ở Hải Giang, mỗi 1 kg lươn cần khoảng 1,2 kg thức ăn với giá thức ăn hiện vào khoảng 33.000 đồng/kg, tính xấp xỉ 40.000 đồng/kg lươn, chưa kể con giống, công chăm sóc.

Về giống, các hộ nuôi lươn vẫn nhập từ khu vực ĐBSCL với mức giá dao động từ 50 - 60 triệu đồng/1 vạn giống tùy thời điểm, với kích thước 300 - 400 con/kg.

“Với 1 vạn giống ban đầu có thể nuôi trong 2 bể, sau đó khi được khoảng 2 tháng sẽ tiến hành tách đàn, lọc kích thước bằng lưới rồi chia ra khoảng 4 bể nuôi đến khi xuất bán”, anh Vũ Văn Như cho biết. Lươn đến khi đạt kích cỡ khoảng 3 - 4 con/kg thì có thể xuất bán.

Giá bán lươn hiện nay vào khoảng 150.000 đồng/kg lươn sống, có giảm so với trước đây (vào khoảng 200.000 đồng/kg) nhưng vẫn đảm bảo được lợi nhuận cho người nuôi lươn.

Trong nuôi lươn, thức ăn được sử dụng thường là thức ăn thủy sản như cám cá chẽm, cám cá chuối. Mỗi ngày sẽ có 2 lần cho ăn và 3 lần thay nước.

“Lươn là loài ưa sạch. Buổi sáng sẽ phải thay nước vào lúc từ 5 - 6h, sau đó cho ăn. Chiều thay nước vào khoảng 15 – 16h rồi cho ăn lần 2, đến tối thay nước lần cuối vào lúc 21h”, anh Phụng chia sẻ về cách nuôi lươn.

Anh Vũ Văn Phụng vệ sinh bể lươn 1 tháng tuổi. Ảnh: Tùng Đinh.

Anh Vũ Văn Phụng vệ sinh bể lươn 1 tháng tuổi. Ảnh: Tùng Đinh.

Về các bệnh trên lươn, nông dân ở Hải Giang nói chủ yếu là các bệnh đường ruột, xuất huyết hay bệnh nấm. Để phòng trừ, cứ mỗi tuần chủ trại phải đánh bể diệt khuẩn một lần. Còn khi quan sát thấy lươn đã bị nấm thì phải cô lập bể, đánh thuốc để chữa bệnh cho lươn.

Như gia đình anh Như, trong năm 2022 với 20 bể đã xuất bán được khoảng hơn 5 tấn lươn thương phẩm. Hiện nay, gia đình đang mở rộng quy mô lên 40 bể, nuôi theo hình thức gối vụ để giảm áp lực về tài chính khi mua giống.

“Gia đình chúng tôi vẫn có mong muốn mở rộng thêm quy mô vì lươn là đối tượng nuôi đang có hiệu quả. Tuy nhiên, ngoài vấn đề về tài chính, bà con cũng rất mong muốn có được đầu ra ổn định để yên tâm phát triển sản xuất”, anh Vũ Văn Như nói và cũng hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật trong thời gian tới.

Bài bản hơn, quy củ hơn

Chia sẻ về các mô hình nuôi lươn không bùn tại địa phương, ông Trần Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Giang, phụ trách vấn đề nông nghiệp cho biết: “Hải Giang là xã thuần nông, thời gian gần đây ngoài trồng lúa và chăn nuôi truyền thống, bà con đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản trong đó có nuôi lươn không bùn, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt”.

Theo ông Khánh, với những hộ đã có kinh nghiệm, hiệu quả kinh tế từ lươn không bùn cao hơn hẳn so với trồng lúa hay nuôi lợn trước đây.

Về khuyến khích sản xuất, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, chính quyền địa phương đang xem xét, hỗ trợ những gia đình có nhu cầu để chuyển đổi những diện tích trồng lúa không còn hiệu quả sang nuôi lươn.

“Xã đã có định hướng thành lập hợp tác xã cho các hộ nuôi lươn. Qua đó có không gian sinh hoạt bài bản, quy củ hơn cho bà con, để có thể hỗ trợ và trao đổi kinh nghiệm với nhau dưới sự tổ chức của Ban Nông nghiệp xã”, ông Trần Quốc Khánh cho biết thêm.

Đại diện lãnh đạo xã cũng bày tỏ mong muốn nhận được thêm sự quan tâm của các ngành, các cấp để hỗ trợ bà con trong việc xúc tiến thị trường, hỗ trợ kỹ thuật trong sản xuất.

Bên cạnh đó, ông Khánh cũng thông tin về việc xã cùng bà con sản xuất lươn không bùn đang tìm hiểu, đánh giá khả thi để triển khai các sản phẩm lươn qua chế biến, tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP cho mặt hàng này.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.