| Hotline: 0983.970.780

Mới thử nghiệm, nông dân Phú Yên đã 'kết' mô hình nuôi lươn không bùn

Thứ Ba 06/06/2023 , 18:26 (GMT+7)

Không chỉ chăm sóc dễ dàng, môi trường nuôi sạch, mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Ông Đào Mai Quốc Việt, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Phú Yên cho biết, trước đây, nghề nuôi lươn thương phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Yên còn khá mới mẻ, chỉ một vài hộ nuôi thí điểm ở huyện Phú Hòa. Bà con phải vào miền Nam đặt mua con giống, kỹ thuật nuôi còn thô sơ, chủ yếu nuôi lươn có bùn và cho ăn cá tạp xay nhỏ, rất khó quản lý trong quá trình nuôi.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai nhiều mô hình nuôi lươn không bùn để bà con học tập, áp dụng kỹ thuật nuôi mới. Ảnh: KS.

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên triển khai nhiều mô hình nuôi lươn không bùn để bà con học tập, áp dụng kỹ thuật nuôi mới. Ảnh: KS.

Nắm bắt được nhu cầu của nhiều bà con trong tỉnh, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp hạt nổi. Với kỹ thuật nuôi mới này, bà con chăm sóc lươn dễ dàng hơn và môi trường nuôi sạch nên thu hút nhiều hộ nông dân đăng ký tham gia mô hình. 

Hộ ông Nguyễn Thanh Việt ở tại xã Hòa Tâm (thị xã Đông Hòa) tham gia mô hình nuôi lươn không bùn với diện tích 200m2. Mô hình được triển khai từ tháng 7/2022 với 12.000 con lươn giống, mật độ 60 con/m2. Ông Việt tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 35% con giống, 35% thức ăn, 100% thuốc, hóa chất, chi phí điện, công lao động, khấu hao chi phí xây bể nuôi.

Ông Việt cho biết, để triển khai mô hình này, ông xây các bể nuôi bằng xi măng với diện tích 10m2/bể, lót bạt nhựa (loại bạt nuôi tôm) chắc chắn, thiết kế ống cấp, thoát nước riêng biệt.

Mô hình nuôi lươn không bùn đang mang lại hiệu quả cao cho người nuôi. Ảnh: KS.

Mô hình nuôi lươn không bùn đang mang lại hiệu quả cao cho người nuôi. Ảnh: KS.

Trong bể, ông treo các chùm dây nilon để lươn trú ẩn và duy trì mực nước từ 15 - 20cm. Xung quanh bể được rào chắn cẩn thận, đảm bảo ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè. Nguồn nước phục vụ nuôi được ông lấy từ giếng sinh hoạt bơm vào bể chứa để phơi trước khi cấp vào bể nuôi. Để đảm bảo môi trường sạch sẽ, ông theo dõi hoạt động của lươn nuôi, thay nước trong bể định kỳ 1 - 2 lần/ngày.

Ngoài ra để phòng chống bệnh, ông còn thường xuyên tắm cho lươn nuôi bằng nước muối pha loãng hoặc chất sát khuẩn iodine định kỳ 3 lần/tháng, cũng như thay và giặt chùm dây nilon trong bể nuôi…

Theo ông Nguyễn Thanh Việt, sau 10 tháng thả nuôi, tổng lượng cám công nghiệp cho lươn ăn hơn 5,4 tấn. Lươn nuôi phát triển rất tốt, tỷ lệ sống khoảng 83%, trọng lượng bình quân 310g/con, sản lượng thu hoạch hơn 3 tấn lươn thịt. Với giá bán 120 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mô hình cho lãi hơn 73 triệu đồng.

Mô hình nuôi lươn không bùn được triển khai thành công đã góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản. Ảnh: KS.

Mô hình nuôi lươn không bùn được triển khai thành công đã góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản. Ảnh: KS.

Ông Huỳnh Thúc Khoa, Trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Đông Hòa cho biết, thành công của mô hình nuôi lươn không bùn đã góp phần phát triển nghề nuôi lươn tại địa phương. Từ đây, người nuôi có thể tận dụng được công lao động nhàn rỗi và diện tích sân vườn trống để phát triển nghề nuôi lươn không bùn, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản.

Hiện nay, mô hình nuôi lươn không bùn đang được đông đảo các hộ dân trên địa bàn thị xã Đông Hòa cũng như trong tỉnh tham quan, tìm hiểu để nhân rộng.

Được biết những tháng đầu năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên tiếp tục triển khai mô hình nuôi lươn không bùn cho 4 hộ dân trên địa bàn các huyện Sơn Hòa, Tây Hòa và TP Tuy Hòa.

Ông Đào Mai Quốc Việt, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Phú Yên cho biết, từ năm 2020 đến 2023, Trung tâm đã xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn cho 18 hộ tham gia, với tổng diện tích 766m2. Mô hình được Trung tâm hỗ trợ cho người nuôi 35% con giống, 35% thức ăn, 100% thuốc, hóa chất, chi phí điện, công lao động, khấu hao chi phí xây bể nuôi...

Trong năm 2022, 4 hộ tham gia mô hình đều nuôi thành công với năng suất 14,8kg/m2, tỷ lệ sống khoảng 83%, kích cỡ lươn khi thu hoạch 3 - 4 con/kg sau 10 tháng thả nuôi. Mô hình mang lại hiệu quả cao, tận dụng được công lao động nhàn rỗi và diện tích sân vườn trống, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Mùa vàng trên cánh đồng sạ cụm

QUẢNG BÌNH Mô hình gieo sạ lúa bằng máy tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hàm Hòa trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích trên 10ha cho hiệu quả lớn…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất