| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ong dú: Nghề mới có hiệu quả

Thứ Năm 21/08/2008 , 09:30 (GMT+7)

Ong dú là loài ong có kích thước nhỏ bé, trông như những chú ruồi nhỏ, có khả năng thụ phấn cho cây trồng tốt nhất trong các loài côn trùng.

Ong dú là loài ong có kích thước nhỏ bé, trông như những chú ruồi nhỏ, có khả năng thụ phấn cho cây trồng tốt nhất trong các loài côn trùng. Hiện nghề nuôi ong dú đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều hộ ở Khánh Hoà bởi loài ong này cho ra thứ mật rất quý lại còn thụ phấn cho cây trồng rất tốt. Hiện nay, trong toàn tỉnh Khánh Hoà đã có gần 60 hộ nuôi ong dú với khoảng 3.000 tổ tập trung chủ yếu ở Cam Ranh, Diên Khánh…

Chúng tôi được ông Nguyễn Trai - Chủ tịch Hội nông dân xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa dẫn tới nhà ông Dương Văn Dưỡng ở thôn Bãi Giếng 2, người được coi là “ông tổ” của nghề nuôi ong dú. Vừa vào đến nơi, những thùng ong nhỏ làm bằng gỗ, trông như những cái thùng đánh giày treo lủng lẳng trên xà nhà và những cành cây xoài đã gây ấn tượng mạnh cho những người lần đầu biết đến cách nuôi loài ong đặc biệt này. Ông Dưỡng cho biết: Ông bắt đầu biết đến giá trị con ong dú từ năm 1975 sau những chuyến đi lên rừng. Từ đó ông bắt những đàn ong rừng về nuôi ở nhà. Những ngày đầu nuôi ong dú, ông cũng đã vấp phải không ít khó khăn khi mà chẳng hiểu vì sao cứ nuôi được một thời gian là đàn ong lại bỏ đi. Trong khi đó để bắt được đàn ong dú về nuôi trong nhà chẳng phải dễ dàng gì vì chúng thường làm tổ ở tận rừng sâu. Sau thời gian nuôi, theo dõi và nghiên cứu, khoảng 3, 4 năm sau ông đã tìm ra cách để dụ đàn ong từ ngoài tự nhiên đến sống trong tổ của mình.

Ông “bật mí” rằng cách nuôi loài ong này không khó, cái khó nhất là cách dụ ong về làm tổ và cách tách đàn dẫn dụ cho chúng làm tổ mới vào đúng nơi mình mong muốn. Ông đã thử nhiều cách khác nhau trong một thời gian dài tìm tòi, cuối cùng ông tìm ra một phương cách khá đơn giản nhưng rất hiệu quả. Đó là ông đã tự chế tạo ra một loại mủ hương (1 hợp chất gồm các loại phấn hoa trộn lại) cho vào thùng gỗ. Điều quan trọng là phải chọn đúng thời điểm trời nắng nóng để tra mủ hương và cho ong tách đàn, lúc ấy mùi hương tự chế độc đáo này sẽ bốc lên ngào ngạt dụ được đàn ong tìm đến. Ngay khi thấy ong có dấu hiệu tách đàn, ông liền đưa một phần đàn ong vào thùng gỗ đã có mủ hương để ong vào làm tổ mới. Nếu không làm như vậy, ong sẽ bỏ đi nơi khác.

Hiện nay trên thế giới, ở những nước có nền nông nghiệp phát triển như: Mỹ, Ấn Độ, Canada… đã coi nghề nuôi ong dú là một ngành công nghiệp. Theo đánh giá của Hội Nuôi ong Hoa Kỳ, giá trị mà ong dú giúp thụ phấn cho cây trồng cao hơn 143 lần so với giá trị thu được từ mật và sáp ong.

Việc tách đàn cho ong dú là quá trình hết sức quan trọng, nếu không có biện pháp tạo tổ mới để giữ chúng lại, chúng sẽ tìm đường… về núi. Ông Dưỡng cho biết ông chính thức nhân đàn và nuôi loài ong này từ tháng 9/1999 trong vườn xoài rộng hơn 1 ha của gia đình. Do đàn ong sinh sản nhanh, dễ nuôi và nhu cầu tách đàn của loài ong này diễn ra hàng năm nên đến thời điểm này trong vườn xoài của gia đình ông có tới 700 đàn.

Theo cách tính của ông Dưỡng, sau 6 tháng mỗi đàn ong mới được hình thành sẽ cho ra ½ lít mật, một lít mật ong dú có giá từ 400 đến 500 nghìn đồng (!). Như vậy với 700 đàn ong, hàng năm ông Dưỡng thu về khoảng 300 triệu đồng. Hơn nữa, đàn ong được nuôi ngay dưới vườn xoài, với khả năng giúp cây thụ phấn vượt trội, đàn ong đã làm cho vườn xoài nhà ông sai trĩu quả. Trong khi đó, nuôi loài ong dú không hề mất công chăm sóc cũng như tiền đầu tư thức ăn. Các sản phẩm của ong dú như: mật, sáp... có hàm lượng chất dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao, là nguyên liệu quan trọng trong các ngành công nghiệp sản xuất thuốc y dược, mỹ phẩm… Ngoài ra sáp mật ong dú còn sử dụng như một loại thuốc cầm máu, trị bỏng rất công hiệu.

 Ở nước ta, nghề nuôi ong dú chỉ mới xuất hiện ở một số địa phương nhưng hiệu quả kinh tế của nghề này không hề nhỏ. Tuy nhiên, những người nuôi ong dú hiện vẫn rất băn khoăn về đầu ra cho sản phẩm mật ong quý giá này, khi mà đàn ong ngày một được nhân rộng.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm