Ứng dụng chế phẩm sinh học
Những năm gần đây, các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao thâm canh, siêu thâm canh hai giai đoạn, ba giai đoạn ngày càng phát triển bởi hiệu quả từ mô hình đem lại. Do đó, diện tích số hộ nuôi tôm theo mô hình này không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, các doanh nghiệp đầu tư vào mô hình này ngày càng nhiều.
Ông Long Văn Nghĩa, Phó Giám đốc BQL Khu công nghiệp Ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu chia sẻ: Khoảng năm 1998, mô hình nuôi tôm công nghiệp tại Bạc Liêu còn khá mới mẻ, người dân chưa năm rõ kỹ thuật nhưng môi trường rất dễ nuôi nên cũng thành công.
Tuy nhiên, vài năm sau phải đổi mặt nhiều khó khăn do môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh xuất hiện rất nhiều. Bệnh tôm bắt đầu diễn biến liên tục khiến cho người nuôi phải đổi mới phương thức nuôi liên tục. Bắt đầu từ nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến qua bán thâm canh, thâm canh nhưng đều gặp khó khăn do thời tiết và dịch bệnh.
Theo ông Nghĩa, năm 2016 mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại Bạc Liêu bắt đầu phát triển mạnh mặc dù trước đó cũng gặp không ít khó khăn. Đến nay, người nuôi tôm siêu thâm canh có thể làm chủ được trên 90% các quy trình công nghệ cũng như tỷ lệ thành công. Tuy nhiên, song song với thành công ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm lại bùng phát. Đây là vấn đề nan giải cho ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu trong thời gian dài.
“Giải pháp tốt nhất là cải thiện môi trường bằng cách nuôi tôm ít thay nước, sử dụng nhiều chế phẩm vi sinh, chất thải phải được xử lý triệt để, từ đó môi trường nuôi tôm mới được đảm bảo. Quá trình nuôi sẽ ít ô nhiễm môi trường và giải quyết được dịch bệnh. Từ khâu đầu vào đến đầu ra được ổn định giúp bảo vệ môi trường, sản phẩm tôm nuôi sạch”, ông Nghĩa nói.
Đối với nghề nuôi tôm, nếu không cải tiến kỹ thuật nuôi mới sẽ dễ dẫn đến lạc hậu vì nghề nuôi tôm không có quy trình nào ổn định mãi. Có thể năm nay thành công nhưng năm sau sẽ khác.
Qua quá trình nghiên cứu và áp dụng thực tiễn, gia đình anh Ngô Quốc Thái, xã Long Điền, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) quyết định sử dụng chế phẩm sinh học cho mô hình nuôi tuần hoàn khép kín ba giai đoạn, vì ít thay nước, mật độ nuôi không cao như các mô hình khác, nhưng bù lại quản lý được dịch bệnh trên con tôm.
Theo anh Thái, trong suốt quá trình nuôi theo mô hình tuần hoàn khép kín, anh ít phải sử dụng kháng sinh, hoá chất. Đặc biệt, khi sử dụng chế phẩm vi sinh nguồn nước vẫn được đảm bảo và tái sử dụng lại, không xả thải ra môi trường, từ đó quản lý an toàn dịch bệnh cho tôm nuôi và các hộ nuôi khác.
Đối với quy trình nuôi tôm thâm canh ba giai đoạn, cần chú ý nhất là trong giai đoạn đầu tiên, vì tôm post sau khi được chuyển về môi trường mới từ các trại tôm giống dễ bị sốc nên cần chuẩn bị kỹ trước khi thả giống. Khi thả giống cần tạo điều kiện cho tôm ít bị sốc nhiệt. Đồng thời, cân bằng độ mặn trong quá trình cho ăn, chăm sóc hằng ngày đến thay nước trong giai đoạn đầu.
Đối với mô hình nuôi tôm thâm canh ba giai đoạn khép kín tuần hoàn, ưu điểm lớn nhất là quản lý được dịch bệnh. Nếu làm đúng theo quy trình khả năng kiểm soát được dịch bệnh khoảng 90%. Trước đây, nông dân nuôi trong hầm đất phụ thuộc vào môi trường tự nhiên. Hiện nay, có hai cách nuôi tôm khác biệt rất rõ ràng. Một là quy trình thay nước rất nhiều. Hai là nuôi theo mô hình tuần hoàn khép kín ít thay nước, tuy nhiên mỗi mô hình đều có lợi thế riêng.
Nếu nuôi theo mô hình thay nước nhiều thả mật độ dầy, thời gian nuôi ngắn hơn, tốc độ phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, mô hình này có rủi ro nếu cấp nước nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến môi trường nguồn nước tự nhiên.
Theo anh Thái, gia đình anh vẫn chọn nuôi tuần hoàn khép kín, sử dụng các chế phẩm sinh học, nuôi mật độ vừa phải, nên sẽ thay nước nước rất ít, một ngày nuôi theo mô hình này chỉ cần thay nước từ 10 đến 20% là tối đa. Tuy tốc độ lớn của tôm có chậm hơn một chút, nhưng an toàn dịch bệnh được nâng lên rất cao, kiểm soát được dịch bệnh tốt, do đó sẽ thu lại lợi nhuận bền vững.
Điều quan trọng của quy trình nuôi tôm sự có sử dụng chế phẩm sinh học là tạo được môi trường tốt cho con tôm như không cần sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất độc hại. Đặc biệt hơn nữa có thể tận dụng được nguồn nước thay để tái sử dụng mà không cần xả thải ra môi trường.
200 - 250 tấn tôm/ha/năm
Ông Long Văn Nghĩa, Phó Giám đốc BQL Khu công nghiệp phát triển tôm Bạc Liêu cho biết: Đối với quá trình nuôi tôm công nghiệp được chia làm nhiều khâu. Do đó, trong quá trình nuôi mỗi khâu đều cần phải có những sáng tạo để giúp cho quy trình nuôi cho ra sản phẩm tốt hơn.
Hiện nay, trong quy trình nuôi tôm ba giai đoạn tuần hoàn khép kín, đơn vị đã tạo ra những sáng chế. Thứ nhất là cải tiến được ao nuôi giúp giảm được chi phí lao động, giảm nguyên liệu, giảm lượng điện. Thứ hai là cải thiện được vấn đề ô nhiễm môi trường, bằng cách xử lý triệt để 90 % chất thải bằng hệ thống Biogas phục vụ lại cho sinh hoạt gia đình. Đặc biệt là từ các chất thải như vỏ tôm, phân tôm ủ làm phân hữu cơ phục vụ trồng trọt rất hiệu quả.
Ông Nghĩa chia sẻ, đối với mô hình nuôi tôm ba giai đoạn tuần hoàn khép kín, sử dụng chế phẩm sinh học, nếu nuôi thành công thì lợi nhuận mang về cho người nuôi từ 30 - 40%.
Cụ thể, nếu ao nuôi khoảng 500m2, thì thu hoạch từ 3,5 - 4 tấn tôm/vụ. Tính ra, 1ha mặt nước ao nuôi sẽ thu hoạch từ 200 - 250 tấn tôm/ha/năm (5 vụ nuôi/năm). Theo ông Nghĩa, nếu một vụ nuôi nuôi tốt, chi phí vật tư ổn định, không sử dụng quá nhiều hóa chất đem về lợi nhuận 150 triệu đồng/ao/vụ.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết: Hiện Bạc Liêu có 23 công ty, đơn vị và 650 hộ dân đang đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh và 2 giai đoạn. Đồng thời, tuyển chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp và đang lập dự toán chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2. Tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” theo Quyết định số 214/QĐ-UBND ngày 28/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Theo Sở NN-PTNT Bạc Liêu, hiện địa phương này đang tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản, nhất là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, các vùng nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình khép kín trong nhà kính, nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, nuôi trong nhà lưới, nhà màng, vùng sản xuất lúa - tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh gắn với xây dựng cánh đồng lớn. bên cạnh đó là xúc tiến xây dựng vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, tỉnh cũng đầu tư các công trình thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững và Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm đến năm 2025.