| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm công nghệ Semi-Biofloc hết lo lỗ, lợi nhuận tăng

Thứ Sáu 20/09/2024 , 16:53 (GMT+7)

Trong lộ trình chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, riêng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Bình Ðịnh ưu tiên chuyển đổi phát triển các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao…

Lộ trình chuyển đổi

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Bình Ðịnh xác định tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chủ lực. Mục tiêu đến năm 2025, Bình Định sẽ có 4.700ha mặt nước nuôi trồng thủy sản; trong đó, duy trì 2.400ha diện tích mặt nước ngọt và phát triển 2.300ha mặt nước mặn, nước lợ; riêng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao sẽ chiếm 30% tổng diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. 

Chuẩn bị cho bước chuyển đổi này, Sở NN-PTNT Bình Định giao Trung tâm Khuyến nông tổ chức thí điểm các mô hình với quy mô vừa và nhỏ để khảo nghiệm, tiến tới xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học về nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi-Biofloc theo hướng bền vững tại tỉnh Bình Ðịnh.

Đến năm 2025, diện tích nuôi tôm dụng công nghệ cao ở Bình Định sẽ chiếm 30% tổng diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Ảnh: V.Đ.T.

Đến năm 2025, diện tích nuôi tôm dụng công nghệ cao ở Bình Định sẽ chiếm 30% tổng diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Ảnh: V.Đ.T.

Trong năm 2023, ngành chức năng Bình Định phối hợp với các địa phương chuyển đổi 65ha vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh hội đủ điều kiện kỹ thuật; theo đó, tại huyện Phù Cát có 44ha, thị xã Hoài Nhơn có 15ha và huyện Phù Mỹ có 6ha chuyển sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Theo ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, các địa phương từ thị trấn Cát Tiến đến xã Cát Minh có môi trường phù hợp để nuôi thủy sản, chủ lực là tôm thẻ chân trắng. Hiện đã có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Ngọc Châu và Công ty TNHH Thành Ly nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ Semi-Biofloc, Biofloc. Một số hộ nuôi tôm khác cũng đã từng bước chuyển từ nuôi kiểu cũ sang áp dụng công nghệ Semi-Biofloc, bước đầu đã gặt hái thành công.

“Ðến nay, doanh nghiệp chúng tôi đã xây dựng được vùng nuôi tôm áp dụng công nghệ cao với quy mô hơn 8ha. Từ khi chuyển sang áp dụng công nghệ Semi-Biofloc, các ao tôm của chúng tôi giảm hẳn dịch bệnh, giảm ô nhiễm, tăng doanh thu và lợi nhuận”, ông Nguyễn Ngọc Châu, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Châu, chia sẻ.

Lợi nhuận đạt 240 triệu đồng/2.000m2

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Định tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng bán thâm canh-thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc tại 2 xã Cát Minh, Cát Khánh (huyện Phù Cát) và xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) với quy mô 1.000m2/điểm trình diễn.

Theo ông Phạm Xuân Phương ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh (huyện Phù Cát), người tham gia mô hình, cho hay sau 3 tháng nuôi tôm sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 90%, kích cỡ thương phẩm đạt 65 con/kg, năng suất ước đạt 27,7 tấn/ha, lợi nhuận ước đạt 67 triệu đồng/1.000m2.

Còn ông Ngô Đình Thanh, người nuôi tôm tại thôn Hưng Tân, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), thì cho biết nuôi tôm theo công nghệ Semi-Biofloc hạn chế sử dụng kháng sinh, giảm lượng thức ăn, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, tôm thương phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nuôi tôm công nghệ Semi-Biofloc, Biofloc của Công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nuôi tôm công nghệ Semi-Biofloc, Biofloc của Công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

"Nuôi tôm theo công nghệ Semi-Biofloc không thấy xuất hiện bệnh, tỷ lệ sống đạt 89%, ước tính sản lượng đạt 2.540kg/1.000m2, tổng thu được khoảng 288 triệu đồng, người nuôi không còn sợ bị thua mà lợi nhuận còn tăng lên”, ông Thanh cho hay.

Theo ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, công nghệ Semi-Biofloc dễ chuyển giao và ứng dụng. Đặc biệt, nếu giai đoạn đầu người nuôi nắm vững quy trình xử lý ao nuôi, thường xuyên theo dõi lượng nước, thực hiện tốt kỹ thuật ủ mật rỉ đường và nuôi cấy floc thì giai đoạn sau sẽ suôn sẻ.

“Theo tính toán, tổng chi phí đầu tư cho ao nuôi 2.000m2 khoảng 376,7 triệu đồng, lợi nhuận bình quân đạt khoảng 240 triệu đồng, tỷ suất lợi nhuận là 63,75%. So sánh với cách nuôi cũ, tỷ suất lợi nhuận của người nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc cao hơn 41,18%”, ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định.

Xem thêm
Chỉ rõ những bất cập trong công tác chống khai thác IUU tại Thừa Thiên - Huế

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế phải nhìn thẳng sự thật, thẳng thắn chỉ rõ những bất cập, tồn tại trong thực hiện công tác chống khai thác IUU để tập trung khắc phục. 

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tính minh bạch của sản phẩm thủy sản

84,6% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Con số này vượt xa mức trung bình toàn cầu là 71%.

'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển' đến với Khánh Hòa

Khánh Hòa là địa phương có biển thứ 16 mà Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.