| Hotline: 0983.970.780

Hướng dẫn phục hồi nuôi thủy sản lồng bè sau mưa bão

Thứ Tư 11/09/2024 , 15:40 (GMT+7)

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hướng dẫn biện pháp phục hồi nuôi thủy sản lồng bè sau mưa bão.

1. Đối với lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nhưng còn khả năng phục hồi

Hệ thống lồng bè bị hư hại nhẹ, lồng bè bị móp, méo, vật nuôi thuỷ sản sinh trưởng và phát triển bình thường, áp dụng ngay các biện pháp sau đây:

Bão số 3 đã khiến hàng ngàn lồng bè nuôi thủy sản tại Quảng Ninh, Hải Phòng bị thiệt hại nặng nề. Ảnh: Vũ Cường.

Bão số 3 đã khiến hàng ngàn lồng bè nuôi thủy sản tại Quảng Ninh, Hải Phòng bị thiệt hại nặng nề. Ảnh: Vũ Cường.

Bước 1: Kiểm tra, sửa chữa, gia cố, vệ sinh lại hệ thống dây neo, phao, lồng lưới để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất trở lại bình thường.

Bước 2: Vớt cá chết và rác thải nếu có. Lưu ý, thu gon và xử lý rác đúng nơi quy định

Bước 3: Di chuyển lồng, bè về lại vùng nuôi (nếu trước bão phải di chuyển lồng, bè để tránh bão).

Nếu loài nuôi thuỷ sản đạt kích cỡ thương phẩm tiến hành thu hoạch sớm để giảm thiệt hại. Thường xuyên theo dõi thủy triều, mức nước, màu nước, các yếu tố môi trường đảm bảo nhiệt độ từ 25 - 30 độ C; pH từ 6,5 – 8,0; oxy hòa tan ≥ 4mg/l

Bước 4: Treo các túi vôi (15 - 20kg/túi) quanh các góc của lồng nuôi để vừa giúp ổn định các góc của lồng lưới, vừa giúp ổn định môi trường nước, phòng một số bệnh thường gặp trên thuỷ sản nuôi lồng bè.

Bước 5: Sau 1 - 2 ngày bão tan, sức khoẻ loài nuôi ổn định tiến hành cho ăn từ từ, tăng dần cho đến khi sức khoẻ của thủy sản nuôi trở lại bình thường.

Lưu ý, cần bổ sung thêm men vi sinh hỗ trợ tiêu hoá, vitamin B1, B3, B6 để giúp tăng sức đề kháng cho thuỷ sản nuôi.

Bước 6: Phòng bệnh cho động vật nuôi thủy sản mùa mưa bão.

- Thường xuyên quan sát tình trạng sức khoẻ của vật nuôi. Nếu điều kiện môi trường bất lợi cần dùng máy bơm tạo dòng chảy mạnh hoặc máy thổi khí để tăng oxy, giảm lượng thức ăn, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ.

- Tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản như bổ sung vitamin C, khoáng, men vi sinh trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày để cá sinh trưởng, phát triển tốt.

2. Đối với lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hoàn toàn

- Nhà ở, khung lồng bị gãy, lưới rách, phao, vật nuôi thuỷ sản bị cuốn trôi, chết hoàn toàn, cần tiến hành thu gom lại toàn bộ lồng bè hư hỏng để phân loại, tận dụng lại những thứ còn sử dụng được. Không để rác thải trôi nổi trên biển gây ô nhiễm môi trường.

- Vật nuôi thuỷ sản bị chết cần được thu gom và xử lý kịp thời, không để lây lan dịch bệnh, ô nhiễm ra môi trường xung quanh.

Xem thêm
Hơn 2.100 tàu cá ‘3 không’ của Hà Tĩnh sẽ được đăng ký

Sau khi rà soát tại các địa phương, tỉnh Hà Tĩnh đã công bố danh sách các tàu cá không đủ hồ sơ, cần hoàn thiện để được đăng ký theo quy định.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tính minh bạch của sản phẩm thủy sản

84,6% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Con số này vượt xa mức trung bình toàn cầu là 71%.

Cứu 3 thuyền viên sà lan bị chìm trôi dạt trên biển

Kiên Giang Sà lan KG-49470 bị sóng đánh chìm trên vùng biển gần đảo Hòn Tre, 3 thuyền viên trôi dạt trên biển may mắn đã được lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu vớt an toàn.