| Hotline: 0983.970.780

Giảm giá thành tôm nuôi bằng liên kết, công nghệ cao

Thứ Ba 20/08/2024 , 06:07 (GMT+7)

Nuôi tôm công nghệ cao đã giúp người nuôi tôm Việt Nam giảm nhiều chi phí, nhưng vẫn cần liên kết, dùng công nghệ mới để tiếp tục giảm giá thành.

Giá thành tôm Việt Nam đang cao hơn nhiều so với tôm Ấn Độ, Ecuador. Ảnh: Lê Bình.

Giá thành tôm Việt Nam đang cao hơn nhiều so với tôm Ấn Độ, Ecuador. Ảnh: Lê Bình.

Từ nhiều năm nay, giá thành tôm Việt Nam luôn cao hơn so với tôm cùng loại của Ấn Độ và Ecuador. Chính vì vậy, để cạnh tranh được trên thị trường tôm thế giới, ngành tôm Việt Nam không thể không hạ giá thành.

Để làm được điều đó, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm là một trong những giải pháp quan trọng nhất, vì mô hình này giúp giảm mạnh rủi ro về thời tiết, dịch bệnh, nâng cao năng suất. Tuy nhiên, để giảm giá thành hơn nữa, ngành tôm Việt Nam vẫn cần có sự liên kết trong sản xuất, kể cả với các doanh nghiệp, trang trại nuôi tôm công nghệ cao.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bà Rịa - Vũng Tàu, trước hết, cộng đồng ngành tôm cần có sự liên kết lại với nhau: trang trại liên kết với trang trại, doanh nghiệp liên kết với doanh nghiệp… Liên kết lại với nhau để đồng nhất về quy trình, ổn định về sản lượng, qua đó ổn định được đầu ra, ổn định giá cả, lợi nhuận để người nuôi tôm yên tâm sản xuất lâu dài.

Đồng thời, tổ chức liên kết giữa những nhà cung cấp vật tư đầu vào, những nhà thương mại với người nuôi tôm, bằng những thỏa thuận, hợp đồng ký kết để ổn định đầu vào, đầu ra cho người nuôi tôm.

Liên kết trong ngành tôm cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm chi phí sản xuất. Hiện nay, do nguồn nguyên liệu bột cá trong nước không có chất lượng tốt, nguồn nguyên liệu bột cá dùng làm thức ăn cho tôm đang phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu, nhất là từ Peru. Nếu có sự liên kết, các doanh nghiệp, trang trại có thể giảm được chi phí với bột cá cũng như các nguồn thức ăn nhập khẩu khác.

Một trang trại nuôi tôm công nghệ cao ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Lê Bình.

Một trang trại nuôi tôm công nghệ cao ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Lê Bình.

Cũng theo ông Cường, để giảm giá thành tôm Việt Nam, cần đẩy mạnh tìm kiếm, áp dụng những giải pháp giảm chi phí trong các khâu sản xuất. Trong chi phí nuôi tôm hiện nay, thức ăn chiếm 65%, xử lý nước và môi trường chiếm khoảng 20%, con giống chiếm 7-8%, còn lại là điện, nước, nhân công … Như vậy, đầu tiên cần phải tập trung giảm chi phí về thức ăn bằng những giải pháp giúp tôm hấp thụ dinh dưỡng một cách tốt nhất.

Ở khâu xử lý nước, hiện có những công nghệ, giải pháp xử lý nước vừa có hiệu quả vừa giảm được chi phí, chẳng hạn xử lý bằng clo khí. Các công nghệ khác như công nghệ nuôi nhân khối vi sinh để xử lý môi trường, công nghệ tuần hoàn khép kín theo mô hình RAS, đều giúp giảm chi phí nuôi tôm.

Trong thời gian qua, thực hiện các chính sách của tỉnh về khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng  dụng công nghệ cao, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Bà Rịa - Vũng Tàu đã giới thiệu, chuyển giao nhiều công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới tới bà con nuôi tôm, các doanh nghiệp, trang trại…, qua đó giúp cho việc nuôi tôm có hiệu quả hơn.

Như trong các năm 2023 và 2024, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhờ đẩy mạnh áp dụng các giải pháp giảm chi phí sản xuất, khi nuôi tôm đạt đến kích cỡ 30 con/kg, giá thành bình quân là 100.000 đồng/kg. Với giá thành như vậy, kể cả thời điểm giá bán tôm ở mức thấp nhất trong thời gian qua, người nuôi tôm vẫn có lợi nhuận.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang hướng dẫn một số doanh nghiệp làm một số sản phẩm OCOP từ tôm như tôm một nắng, tôm giòn… Những sản phẩm chế biến như vậy sẽ giúp cho các doanh nghiệp tôm nâng cao giá trị sản phẩm ngay trên thị trường địa phương, thay vì chỉ bán tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tôm đông lạnh.

Xem thêm
Ứng dụng AI kiểm soát 90% rủi ro dịch bệnh trên tôm nuôi

TRÀ VINH Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng bù lại người nuôi tôm tiết kiệm được chi phí, tăng mật độ nuôi, đặc biệt kiểm soát được 90% rủi ro dịch bệnh.

Bình Thuận hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh VMS tàu cá

Tỉnh Bình Thuận sẽ hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh thiết bị giám sát hành trình (VMS) tàu cá trên địa bàn nhằm giúp ngư dân bớt khó khăn, gỡ ‘thẻ vàng’.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.